Multimedia Đọc Báo in

Những “Đại sứ văn hóa đọc” của Trường Đại học Tây Nguyên

08:47, 13/02/2022

Tiếp nối thành công của cuộc thi “Đọc và cảm nhận” lần thứ nhất năm 2020, năm 2021 Trường Đại học Tây Nguyên đã tổ chức cuộc thi “Đọc và cảm nhận” lần thứ hai nhằm mục tiêu hình thành, duy trì thói quen đọc sách; nâng cao kỹ năng đọc, kỹ năng viết và kỹ năng thuyết trình, tạo dựng một môi trường thân thiện, lành mạnh để sinh viên được giao lưu, học tập, chia sẻ  kinh nghiệm.

Cuộc thi gồm hai vòng: vòng loại và vòng chung kết. Ở vòng loại, bài viết của thí sinh (gồm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên và học sinh Trường THPT Thực hành Cao Nguyên) được chọn đăng trên trang Fanpage của thư viện trường giới thiệu về những cuốn sách thuộc nhiều thể loại: truyện dài, tiểu thuyết, sách giáo trình, sách kỹ năng… Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Chung kết cuộc thi được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 1/2022 với phần thuyết trình về cuốn sách yêu thích của 10 thí sinh có bài viết xuất sắc nhất.

Thí sinh Lê Nguyễn Thị Tuyết Minh đạt giải Nhất cuộc thi. Ảnh: Thư viện Trường Đại học Tây Nguyên

Phần thuyết trình của các thí sinh đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho ban giám khảo và các bạn học sinh, sinh viên tham dự.

Sinh viên Lê Nguyễn Thị Tuyết Minh (lớp Giáo dục tiểu học Jrai K20) đạt giải Nhất cuộc thi đã chia sẻ cảm xúc về cuốn sách “Sống hết mình cho ngày hôm nay” của tác giả Taketoshi Ozawa như sau: “Cuốn sách chứa đựng những thông điệp rất tuyệt vời về ý nghĩa cuộc sống. Bất cứ ai sinh ra đều có sứ mệnh đặc biệt, không có cuộc đời nào tầm thường, không có ai vô giá trị. Đừng để đến khi không còn có mặt trên cõi đời này nữa mới thấy nuối tiếc. Hãy sống hết mình cho hiện tại để không phải hối tiếc về sau. Sống cho hiện tại nghĩa là buông bỏ quá khứ và tin tưởng vào tương lai, luôn trân trọng những thứ mình đang có, những người mình đang quen và những người đã từng bước qua cuộc đời mình, không ngừng mơ ước. Hãy sống cho bản thân mình, dù cho chuyện gì xảy ra cũng đón nhận bằng thái độ tích cực, lạc quan, luôn nở nụ cười trên môi, phải sống hết mình ngay giây phút này và ngay hôm nay”.

Sinh viên K’Tiến (lớp Giáo dục chính trị K18), giành giải Nhì trong cuộc thi lại có những chia sẻ rất thú vị về cuốn sách “Giáo trình đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam”: “Đọc và nghiên cứu cuốn giáo trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bồi dưỡng cho sinh viên tin vào sự lãnh đạo của Đảng, định hướng phấn đấu theo mục tiêu, lý tưởng, đường lối của Đảng; nâng cao ý thức trách nhiệm công dân trước những nhiệm vụ trọng đại của đất nước...”. Cuốn sách đã giúp K’Tiến nhận thức và thực hiện tốt các mục tiêu của mình, có những phương hướng, lý tưởng sống cho bản thân để giúp ích gia đình, xã hội và cộng đồng. Càng nghiên cứu và tìm hiểu về cuốn sách, bạn lại càng thêm yêu quê hương đất nước, càng biết ơn những cha anh đã hy sinh để chúng ta có một cuộc sống yên bình như ngày hôm nay.

Sinh viên K'Tiến đạt giải Nhì trong cuộc thi. Ảnh: Thư viện Trường Đại học Tây Nguyên

Giới thiệu về cuốn sách “Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi” của tác giả Andrew Matthews, sinh viên Y Yê Rê Mi Knul (lớp Giáo dục tiểu học K20A) – giải Nhì của cuộc thi nhận định: “Tư tưởng và hành động của chúng ta sẽ luôn bắt nguồn từ cách mà chúng ta nhìn nhận bản thân mình. Bạn cảm thấy thế giới hiện tại không phù hợp với mình, bạn không thể sống hạnh phúc với nó. Bạn muốn thay đổi thế giới để cho phù hợp với chính bạn. Không! Đừng bao giờ tìm cách thay đổi thế giới, đó là điều không một cá nhân nào làm được. Nếu bạn muốn sống hạnh phúc trong thế giới này, hãy thay đổi chính mình cho phù hợp với nó”.

Ban tổ chức cuộc thi đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích và 10 giải thưởng phụ cho các thí sinh dự thi. Các bạn thực sự là những “Đại sứ văn hóa đọc” của Trường Đại học Tây Nguyên. Cảm nhận của các thí sinh cuộc thi “Đọc và cảm nhận” lần thứ hai năm 2021 là những gợi ý hay để sinh viên, học sinh của Trường Đại học Tây Nguyên tiếp cận với những cuốn sách giá trị, từ đó lan tỏa tình yêu đối với sách trong giới trẻ.

Bình An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.