Sắc núi màu rừng
Nhiều năm sống với đại ngàn Tây Nguyên, tôi đã gặp biết bao hình ảnh người phụ nữ dân tộc thiểu số miệt mài với khung dệt.
Người phụ nữ mạn ngược không biết hái lá dâu xanh, nuôi con tằm chờ ngày nhả tơ dệt ra tấm lụa như người Kinh, nhưng họ biết lên rừng hái bông xe sợi để dệt nên tấm vải mang hồn cốt núi rừng. Họ biết hái những chiếc lá, tìm những thứ vỏ cây, loại củ quanh rừng để pha màu nhuộm lên tấm thổ cẩm những sắc màu hoa văn nguyên sơ đẹp đến lạ lùng…
Những tấm thổ cẩm cứ rộng thêm, dài thêm trên bàn tay, qua ánh mắt, trong trí tưởng tượng phong phú và tâm hồn lãng mạn như gió, như nước của người sơn nữ. Những tấm thổ cẩm dài theo câu hát trong những đêm cặm cụi bên khung dệt giữa hoang dã đại ngàn. Trong những tấm vải rực màu sắc và biểu tượng hoa văn hình thành dưới ánh trăng cầu thang, bên bếp lửa nhà sàn có hình ảnh núi rừng, có miên man dòng suối, có mặt trời trên cao, ánh trăng dưới thấp, có hình bóng người thân còn mất, có bước chân của đàn thú đi hoang và văng vẳng tiếng chim khuya khắc khoải gọi bầy. Người phụ nữ canh thâu miệt mài bên khung dệt, lưng còng xuống sàn, mồ hôi ướt đầm vai áo, nhưng vẫn cất lên câu hát Ndrĩ Nring (dân ca Mạ): Phải dệt khéo để có chăn đẹp/ Quay guồng khéo để sợi chỉ đẹp/ Nói có hay mới thành người khôn…
***
Tôi đến với quê hương của người Mạ ở xứ Đạ Tẻh khi cuốn lịch năm cũ chỉ còn những tờ cuối cùng. Trong buôn Đạ Yarằng, nhiều phụ nữ đang nắn nót từng múi sợi cho những bộ trang phục đón năm mới, làm hàng đặt từ người S’tiêng ở Bình Phước, người Cơ Ho ở cao nguyên Djiring. Mùa xuân là mùa lễ hội, mùa cưới trong các buôn làng, cộng đồng thiểu số không thể thiếu trang phục thổ cẩm và làm vật sính lễ. Người Mạ tự hào thổ cẩm của họ là “tiêng pẩn rờ tờm cau hoan kon chao” (nổi tiếng trong thế giới dân tộc). Chúng tôi ghi nhận điều đó khi mê mẩn thưởng lãm từng họa tiết hoa văn trên những tấm thổ cẩm đã dệt xong treo trên vách của một gia đình nhiều thế hệ gắn bó với nghề dệt. Ngồi bên khung dệt cùng cô con gái Ka Mầm, ông K’Gòn nói: “Ngày xưa bà ngoại dạy cho mẹ, rồi mẹ truyền nghề cho con gái. Nay mẹ nó mất rồi, Ka Mầm nối nghề. Tôi nói với con, dù vất vả mấy cũng làm, làm để giữ cái nghề của mẹ của bà, giữ ký ức gia đình, giữ chút gì bản sắc cho người Mạ xứ mình”.
Rực rỡ sắc màu thổ cẩm giữa không gian đại ngàn. |
Ka Mầm là một người dệt giỏi, em thành thục tất cả những mẫu dệt phổ biến. Ka Mầm kể: “Hồi mới mười hai tuổi, mẹ đã đưa em lên rừng dạy hái bông, xe sợi. Mẹ cũng chỉ cho em tìm các loại củ, lá, quả trong rừng về pha màu rồi dạy em dệt, truyền cách chạy hoa văn”.
Ka Mầm rành rẽ từng cung đoạn cho sự ra đời những tấm thổ cẩm, từ lúc hái bông, xe sợi, tìm chất liệu nhuộm màu, dệt và tạo hoa văn. Nguyên liệu để tạo màu của người Mạ lấy từ thiên nhiên nơi họ sống, đó là những củ nghệ, củ nâu, lá cây tràm, cánh kiến, đá non, than củi. Tỉ lệ pha màu theo kinh nghiệm và bí quyết của mỗi nghệ nhân.
Trong lời Mầm nói, tôi cảm nhận được dòng cảm xúc khi tấm thổ cẩm em đang dệt có hơi ấm trao truyền từ người mẹ Ka Ý thân yêu đã về với rừng Yàng. Trên những tấm thổ cẩm em mới hoàn thành, lung linh những hoa văn kỷ hà, sóng nước, con người, muông thú, các vật dụng, các con vật quen thuộc và cả những sáng tạo ngẫu hứng theo trí tưởng tượng như dáng núi, viền trăng, cây nêu, cối giã gạo, cầu thang, quả bầu, cây đa, con thằn lằn, con vượn, con rắn, xà gạc… tinh xảo và hoàn mỹ.
Thiếu nữ Mạ trong sắc màu thổ cẩm. |
Không chỉ ở Đạ Yarằng, lang thang trên nhiều buôn làng xứ nam Tây Nguyên, ở đâu cũng cảm nhận được tình yêu nghề dệt và sắc màu thổ cẩm. Hôm ở buôn Đạ Nghịch ở vùng Bảo Lộc, tôi ghé thăm ba nhà thì cả ba đều có những phụ nữ Mạ đang ngồi bên khung dệt. Trong vùng đồng bào Cơ Ho, ở buôn B’neur tôi gặp nghệ nhân Rơ Ông Ka Ương, nghệ nhân Ka Tuyn đang tận tụy truyền nghề cho các cháu nhỏ. Ở xứ ruồi vàng Đưng K’Nớh, lại được gặp Nghệ nhân Ưu tú Ka Glòng tuổi xấp xỉ tám mươi vẫn miệt mài xe sợi, pha màu. Cũng như người Mạ, thổ cẩm Cơ Ho cũng lấy nguyên liệu chính là cây bông tự trồng trên rẫy. Để nhuộm màu, họ lấy củ rơmít (nghệ) để tạo màu vàng, hạt k’ri (nho) để tạo màu cam, vỏ và thân cây lót để tạo màu đỏ, lá cây drửm để tạo màu xanh đậm, xanh dương. Những màu ấy tùy theo loại sản phẩm mà nhuộm cho phù hợp, như: tấm đắp (ùi tơng), váy (ùi ngoách), tấm choàng địu con (ùi khan bay), rồi băng cột đầu hay dây đeo tay. “Mặc cái ùi suốt từ thời con gái cho đến lúc về với rừng Yàng mà màu nhuộm chưa phai”, bà Ka Glòng nở nụ cười hiền…
Bà Glòng nói vui, nhưng tôi biết chứa trong đó là niềm tự hào của người xứ núi với sắc màu thổ cẩm. Màu thổ cẩm, màu của núi của rừng gắn bó với họ suốt cả vòng đời. Có lẽ vì thế mà hoa văn dệt của phụ nữ Tây Nguyên không chỉ là những kỹ năng truyền đời thể hiện sự rung động của con người trước sắc màu tự nhiên mà còn tươi mới cảm xúc của tình yêu, của lòng hiếu thảo. Vợ chồng chung tấm đắp nghĩa tình trong đêm rừng lạnh giá. Con trẻ ra đời, người mẹ ủ giấc ngủ con thơ, ủ trọn những giấc mơ hồn nhiên trong tấm tềnh ùi ấm áp. Khi một người thân giã từ cõi thế, tấm vải liệm thổ cẩm trên linh cữu với sự thể hiện tất cả lòng tiếc nuối bằng những sắc màu hoa văn đẫm nước mắt lại tiễn hồn người về với rừng Yàng; người ra đi mang theo màu núi, màu rừng cho linh hồn về thế giới bên kia bớt cô đơn, quạnh quẽ…
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm người Mạ trình diễn nghề bên Hồ Xuân Hương (Đà Lạt). |
Xe bông thành sợi từ một guồng tre thô sơ rồi nhuộm màu từ các nguyên liệu tự nhiên rừng nhà. Khung dệt chỉ là một thanh gỗ và nhiều thanh tre rời nhau. Chỉ là cách làm thủ công đơn sơ vậy thôi, người phụ nữ cao nguyên cần mẫn bên khung dệt với thẩm mỹ được truyền qua bàn tay, đôi mắt. Trong thế giới tràn ngập bối cảnh hoang dã, những tấm hoa văn là nghệ thuật tạo hình tự nhiên nhưng thể hiện bố cục chặt chẽ, cách pha màu, phối sắc đạt tới độ hoàn hảo, mang phong thái cổ sơ mà giàu mỹ cảm. Theo quan niệm của nhiều dân tộc, màu sắc trên tấm thổ cẩm thể hiện thế giới quan của họ. Nền thổ cẩm màu đen tượng trưng cho đất đai; màu đỏ thể hiện đam mê, khát vọng, tình yêu; màu xanh là của đất trời, cây lá; màu vàng là ánh sáng. Trên sắc núi, màu rừng của tấm thổ cẩm đã thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa tư tưởng, thẩm mỹ, tâm hồn của con người với thế giới tự nhiên…
***
Có người lo lắng là thổ cẩm vẫn cứ được dệt ra mà không có thị trường. Còn tôi, tôi lại thấy có chút lạc quan với sức sống của thổ cẩm, với giá trị bất biến của một sản phẩm thủ công mang hồn cốt núi rừng trong mạch tồn sinh của nó. Trong những buôn làng tôi qua, những khung dệt vẫn rộn rã thoi đưa, những người phụ nữ đại ngàn vẫn âm thầm gìn giữ lửa nghề. Những tấm thổ cẩm Mạ từ nhà ông K’Gòn ở xứ Đạ Tẻh (Lâm Đồng) vẫn bay về với đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Thổ cẩm người Cơ Ho trên núi rừng Đưng K’nớh vẫn về với người Lạch ở xã Lát, Lạc Dương hay rực rỡ trong ngày hội của người Chu Ru ở hạ nguồn Đa Nhim. Có một thị trường thổ cẩm âm thầm trong cộng đồng các dân tộc thiểu số như một sự phân công lao động tự nhiên. Những buôn làng biết làm nghề dệt vẫn được những buôn làng chuyên về nghề khác đặt hàng. Mà thổ cẩm thì cả cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên, những người yêu văn hóa Tây Nguyên đều cần, đều quý...
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc