Đất và người Buôn Ma Thuột (Kỳ 2)
Đến năm 1923, khi đóng vai trò là “thủ phủ” của một tỉnh lỵ mới, tên gọi của đô thị này (Banme-thuot) được “Êđê hóa” thành Buôn Ma Thuột kể từ đó đến nay. Mặc dù Ama Thuột được lấy tên làm danh xưng cho đô thị, nhưng trong những sử liệu được tìm thấy thì thân thế của nhân vật này vẫn còn khá mơ hồ.
Kỳ 2: Phố núi mang tên một con người
Tìm hiểu về điều này quả thật lý thú, bởi có nhiều ý kiến, đánh giá khác nhau về nhân vật Ama Thuột trên những khía cạnh: tiểu sử, mộ phần nằm ở đâu và ông ta thật sự ở buôn nào? Về tiểu sử, năm sinh của Ama Thuột không rõ đã đành, mà cả năm mất cũng không rõ, chỉ thông qua những trang viết của nhà văn Roland Dorgeles về “Một đám tang của người Thượng” (Tombeau de la Race Moi) đăng trên Tạp chí Les Annales Politiques, số ra ngày 15/5/1930.
Bài này được tác giả Minh Mẫn (trích dịch một phần) và đặt tựa “Đám tang Ama Thuột” (tức là không theo đúng nguyên bản của nhà văn Roland Dorgeles ), đăng trên tạp chí Xưa và Nay, hiện vẫn đang lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk. Trích trong bài của Minh Mẫn dịch: “Sinh thời ông Ama Thuột là một nhân vật quan trọng. Ngôi nhà của ông ta rất dài, có nghĩa là ông ta rất giàu. Cái chết của ông trùm tang tóc lên Ban Mê Thuột. Toàn thể dân Ban Mê Thuột đến dân làng lân cận, và cả các tay thợ săn voi của Bản Đôn đều có mặt với ngọn đao trên vai. Đàn voi và bầy ngựa dẫn đầu đám tang. Huyệt mộ của ông nằm trong một khoảnh rừng thưa, phải dùng đàn voi giày, làm ngã cây mới có lối vào…”. Một đoạn khác viết: “Một tiếng cồng thổi từ buôn của người Rhade và tôi nghĩ tiếng cồng ấy sẽ ầm vang trên bờ con suối EaTam để mang tin tức từ dòng Mê Kông ra biển”.
Đô thị Buôn Ma Thuột đang trên đà phát triển với nhiều khu phố được quy hoạch và xây dựng mới. Ảnh: Hoàng Gia |
Theo ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, thông tin từ bài dịch trên cho thấy người vừa mất có tên là Ama Thuột và ông ấy được chôn ở ven suối EaTam chứ không phải ven suối Ea Siêr (?). Căn cứ tài liệu dẫn, thì suối Ea Tam (buôn Alê A) mới là buôn của ông già Thuột, chứ không phải buôn Kô Siêr như lâu nay người ta vẫn nghĩ. Giả thuyết này, hiện vẫn chưa được xác thực, ở đây xin được nêu ra như tài liệu để giúp mọi người tiếp tục tham khảo và nghiên cứu thêm. Còn về tên gọi đô thị này, một số nhà nghiên cứu lịch sử Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cho rằng, có lẽ nó đã được những thương lái khắp nơi, những nhà truyền đạo và những người phương xa lần đầu lên xứ sở này gọi theo tên buôn của già Ama Thuột vào khoảng cuối thế kỷ 19. Có nghĩa tên gọi Banmé-thuột (Buôn Ma Thuột) đã có trước đó và buôn này được xem như “hạt nhân” của cả vùng, đóng vai trò kết nối, giao thương, trao đổi mọi mặt với nhiều vùng khác từ bên ngoài. Nói cách khác, nó là tâm điểm và mang tính đại diện cho cả vùng khi gọi tên, hay khi nghĩ đến vùng đất này.
Vậy, có một buôn mang tên Buôn Ma Thuột hay không? Qua tìm hiểu, được biết thời kỳ Công sứ L.Sabatier nhậm trị vùng đất Đắk Lắk (1913 – 1926), thủ phủ Buôn Ma Thuột được chia thành 27 khu, trong đó khu trung tâm có tên chính thức là “Secteur de Buôn-Ma-Thuôt” (chú ý cách viết có dấu gạch nối và tiếng Pháp không có dấu nặng) và 26 khu thành viên. Trong số 26 buôn người Êđê thành viên không thấy có tên buôn Alê. Từ đó, có ý kiến cho rằng Buôn-Ma-Thuôt (mang số thứ tự 01) trong số 27 buôn và “Secteur de Buôn-Ma-Thuôt” chính là buôn Alê (A, B) ngày nay.
Nhận định trên còn được thể hiện rõ qua mô tả của nhà thám hiểm A. Monfleur trong cuốn “Monographie de la Province du Darlac 1930” - Nhà xuất bản Viễn Đông - Hà Nội, in vào năm 1931. Theo sách này thì có một làng người dân tộc Êđê mang tên Ban-Mé-Thuôt. Tác giả A. Monfleur miêu tả: "Ở đó có khu nhà thanh tra mới hoàn thành, cùng các văn phòng, nhà nhân viên trợ lý, bưu điện và kế đó là nhà trọ của các thư ký và phiên dịch. Về phía Tây của Tòa Công sứ là khu nhà của Ban Giám hiệu Trường Pháp - Rhade, các phòng học và khu nội trú (dọc trục đường Lê Hồng Phong - Y Ngông, bên cạnh Biệt điện Bảo Đại ngày nay - PV). Xa hơn nữa, ở cuối con đường lớn là buôn có tên Ban-Mé-Thuôt, gồm khoảng 60 ngôi nhà tranh xinh xắn với gần 2.000 người dân bản địa sinh sống…”. Tất cả những vị trí ấy đều trùng khớp với hiện trạng/quá trình phát triển đô thị Buôn Ma Thuột từ trước đến nay. Và trong lịch sử hình thành nên thủ phủ tỉnh Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột không ngừng được quy hoạch, mở rộng dựa trên ý tưởng ban đầu của người Pháp, trực tiếp là những công sứ đến đây cai trị vùng đất này từ năm 1899 - 1938.
Dù được gọi dưới bất kỳ cái tên nào - một con người hay một vùng đất thì lịch sử hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột luôn gợi lên trong tâm tưởng mọi người, mọi thế hệ niềm tự hào về truyền thống cũng như bản sắc riêng có ở đô thị này. Truyền thống và bản sắc ấy được các cộng đồng dân tộc ở đây tiếp tục gìn giữ, phát huy như nội lực tiềm tàng và mạnh mẽ nhằm xây dựng thành phố ngày càng to đẹp, phồn vinh hơn.
Sau năm 1975, Buôn Ma Thuột là một thị xã nhỏ bé có quy mô tương đương đô thị loại IV. Năm 1994, được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III. Đến năm 2005 được công nhận là đô thị loại II và năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Năm 2014, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch là đô thị trung tâm vùng, đóng vai trò đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của khu vực Tây Nguyên. (Nguồn: Sở Xây dựng Đắk Lắk). |
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Mênh mang những tên người
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc