Multimedia Đọc Báo in

Đất và người Buôn Ma Thuột (Kỳ cuối)

08:29, 08/03/2022

Kỳ cuối:  Mênh mang những tên người

Đô thị Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung gắn với tên tuổi những con người cụ thể. Khi nhắc đến họ thì lịch sử của vùng đất này lại sống dậy - vừa mênh mang, xa mờ nhưng cũng vừa gần gũi và sống động.

Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk thì viên công sứ đầu tiên đến đây nhậm chức (từ năm 1899 - 1904) là Léon Bourgeois. Lúc bấy giờ thủ phủ của Đắk Lắk đặt tại Bản Đôn và ở đó có một người rất nổi tiếng là Khunjonob. Người ta gọi tên ông theo tước hiệu được vua Xiêm ban tặng, thay cho cái tên thông thường của ông là N’Thu K’nul, hay Y Thu (theo cách gọi của người M’nông và người Êđê bản xứ). Khunjonob/Y Thu sinh năm 1828, mất vào năm 1938, thọ đến 110 tuổi và được xem là “pho sử sống” ở vùng đất này. Ông không những là một “chiến binh dũng cảm” (theo nghĩa danh từ Khunjonob) trong nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, mà còn là người hết sức thông thuộc địa thế và dân tình ở Đắk Lắk lúc bấy giờ.

Cư dân từ nhiều vùng miền trong cả nước đến Buôn Ma Thuột sinh sống đã góp phần làm nên diện mạo văn hóa đa sắc màu. Ảnh: Hữu Hùng

Chính ông đã khuyên Công sứ Léon Bourgeois không nên để tỉnh lỵ ở Bản Đôn nữa, mà cần chuyển đến một địa điểm thuận lợi hơn về mọi mặt, cách chỗ cũ 54 km, đó là vùng đất Buôn Ma Thuột ngày nay. Có lẽ Công sứ Léon Bourgeois thấy hợp lý vì nhiều lẽ: thứ nhất, tranh thủ được nhóm sắc dân Êđê Kpăh - là bộ tộc chiếm đại đa số ở đây; thứ hai là thuận tiện giao thông với các vùng Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa và Di Linh; thứ ba là khí hậu không quá khắc nghiệt như Bản Đôn, đất đai bằng phẳng và màu mỡ hơn. Từ đề đạt ấy của Y Thu, đầu năm 1904, tỉnh lỵ của Đắk Lắk được chuyển về Banmé-thuôt (tên gọi thời đó) và trở thành thủ phủ của toàn vùng cao nguyên này. 

Di tích quốc gia đặc biệt - Nhà đày Buôn Ma Thuột là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: H.Gia
 

Hiện Bảo tàng Đắk Lắk còn lưu giữ được một số tư liệu, hình ảnh về lịch sử hình thành, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột hơn một thế kỷ qua, nhưng đến nay vẫn chưa số hóa cũng như mô hình hóa một cách xuyên suốt, đầy đủ và khoa học do nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp. Nếu có điều kiện để thực hiện thì đây sẽ là không gian tìm hiểu, trải nghiệm vô cùng ý nghĩa cho người dân địa phương và du khách”.

 

 
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk

Đến nay, những kỷ vật gắn với cuộc đời của con người huyền thoại trên vẫn còn được lưu giữ trong ngôi nhà sàn độc đáo, có mái lợp bằng “ngói gỗ” của ông tại buôn Trí A (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Trong đó, đặc biệt có chiếc mâm đồng mà Khunjonob thường dùng để cúng voi được con cháu ông tìm lại từ Lào và đưa về Việt Nam năm 1959.

Cùng thế hệ với Y Thu, vùng đất Banmé-thuôt thời ấy có một “thủ lĩnh” chống thực dân Pháp lừng lẫy vào những thập niên cuối thế kỷ 19 - đó là ông Y Yên Ayun (còn gọi là Ama Jhao hay Mé Sao) với một lý lịch khá đầy đủ. Ông sinh năm 1840 và mất năm 1905 trong một gia đình người Êđê giàu có tại buôn Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột ngày nay). Ama Jhao lấy vợ là cô H’Pang Niê, con gái của Tù trưởng Ama Phi (buôn Ea Yông, huyện Krông Pắc) và ở rể tại đây. Những năm đầu của thập niên 1890, ông đã tập hợp nhóm sắc dân trong vùng đứng lên chống Pháp. Những cuộc khởi nghĩa của ông, theo Henri Maitre  - Tùy viên Phái bộ quân sự Pháp ở Tây Nguyên mô tả là đã “từng tung hoành và làm chủ trên nhiều vùng đất dọc Quốc lộ 26, từ Đắk Lắk đến tận miền núi Phú Yên…”. Sau khi Ama Jhao nhận lấy cái chết vì tinh thần chống Pháp kiên cường và bất khuất, vùng đất này tiếp tục có những người đứng lên chống kẻ thù xâm lược như: Y Bih Alêô, Y Wang Niê Kdăm, Y Tlam Kbuôr, Y Nuê Buôn Krông, Y Ngông Niê Kdăm, Y Blôk Êban… nhằm góp phần giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình, và sau nữa là đã làm nên bề dày lịch sử hơn một trăm năm của phố núi Buôn Ma Thuột với nền văn hóa hào hùng và giàu bản sắc.

Những tên tuổi kia đã đi vào lịch sử và đô thị Buôn Ma Thuột hôm nay đã có những đường phố mang tên họ (trừ ông Y Thu). Tuy nhiên, qua chia sẻ của ông Đinh Một - Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk thì sự ghi nhận ấy chưa đủ để vẽ nên chân dung, bức tranh chân thực về con người và vùng đất này. Nếu có kinh phí, điều kiện để nghiên cứu, sưu tầm thêm tư liệu, hình ảnh và hiện vật liên quan nhằm giới thiệu một cách khoa học, đầy đủ dưới hình thức chuyên đề, hay một không gian trưng bày riêng về “Đất và người Buôn Ma Thuột” thì chắc hẳn sẽ giúp mọi người hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa của phố núi này nói riêng, cũng như Đắk Lắk nói chung.

 

  Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.