Multimedia Đọc Báo in

Lộ trình nào cho không gian văn hóa cồng chiêng?

08:58, 13/03/2022

UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch khôi phục, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn với kinh phí dự tính hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây sẽ chỉ là bước triển khai đầu tiên cho một lộ trình “dài hơi” của ngành văn hóa địa phương, khi muốn thực sự khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa lâu đời ở vùng đất cao nguyên. Trong đó, nhận thức đúng về không gian kiến thiết đúng nghĩa cho văn hóa cồng chiêng là một vấn đề quan trọng.

Xác lập rõ những biểu hiện, biến thể và tồn tại của không gian văn hóa

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà thổ lộ rằng, văn hóa cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên có lịch sử hàng trăm năm không thể chỉ đơn giản hóa, lược sử lại bằng vài kế hoạch khôi phục đơn giản. Nỗ lực mới nhất của ngành văn hóa tỉnh chỉ là bước khởi động để định hướng đúng hơn những giải pháp, hoạch định cần thiết về sau, đưa văn hóa cồng chiêng thực sự trở thành món ăn tinh thần, đúc kết những giá trị tâm tưởng và văn hóa các dân tộc với quảng đại công chúng.

Biểu diễn cồng chiêng ở Lễ hội mừng lúa mới của người Gia Rai ở huyện Ea H'leo. Ảnh: Hoàng Gia

Quan trọng là, tổ chức UNESCO trong đánh giá chứng nhận cũng xác định “không gian văn hóa cồng chiêng” là hiện hữu di sản chứ không chỉ có khái niệm “văn hóa cồng chiêng” đơn thuần. Từ đó, các phương cách đánh giá, lý giải và tập trung đầu tư khôi phục văn hóa cồng chiêng phải được định vị, đặt trên nền tảng cơ sở “thực thể sống” là không gian sinh hoạt, diễn tấu tâm linh của cộng đồng người dân, mà cồng chiêng chỉ đóng vai trò… phụ trợ.

Vậy nên, để thực sự giúp văn hóa cồng chiêng tái tạo lại được những giá trị chân thật, ngành văn hóa Đắk Lắk phải xác lập lại rõ ràng những biểu hiện, biến thể và tồn tại của không gian văn hóa này. Trong dòng chảy kinh tế - xã hội hôm nay, đối diện với những tác động từ quá khứ, những biến thiên cuộc sống, yêu cầu tái tạo này quả là không đơn giản chút nào.

Một nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống từng nhận xét, những giá trị văn hóa bao đời của dân tộc Việt Nam hay các dân tộc anh em khác, như mái đình, miếu thành hoàng, nhà rông, hay các tục lễ dân gian chọi trâu dựng nêu, rồi văn hóa cồng chiêng, trống lệnh, hô hát bài chòi… đều phải gắn với một ngữ cảnh nhất định. Tách những ca khúc, tiết tấu, nghi thức của những biểu hiện văn hóa ấy ra khỏi không gian diễn xướng, thể hiện, tụ tập… mà cộng đồng cư dân từng tổ chức nên, là tự động phá hủy những giá trị có được. Cho dù có cố gắng sân khấu hóa, kịch bản hóa một hiện tượng văn hóa cư dân khéo như thế nào, người ta cũng sẽ nhận ra được những tình tiết gượng ép, miễn cưỡng phía trong, và chung quy những cố gắng ấy chỉ tạo được diện mạo bên ngoài, chỉ để tham khảo, trải nghiệm cho biết. Càng cố gắng đi vào kịch bản sân khấu hóa như thế, bóc tách hoạt động văn hóa truyền thống dân gian khỏi không gian cố hữu sẽ càng làm cho hoạt động ấy mất đi “hồn cốt” bên trong và mờ nhạt dần.

Ba bước hoạch định tái tạo “diện mạo” văn hóa cồng chiêng

Từ góc cạnh này, theo ông Thái Hồng Hà, kế hoạch phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Đắk Lắk phải tuân theo ba bước:

Thứ nhất, cần định vị rõ, tái tổ chức, xây dựng lại những không gian sinh hoạt, lễ nghi đúng giá trị văn hóa cồng chiêng, tại chính những buôn làng, khu vực gốc rễ hoạt động. Ngành văn hóa sẽ khảo sát, sưu tầm, phục dựng, cùng cộng đồng cư dân các dân tộc phục chế lại các hoạt động, nghi thức tâm linh, văn hóa liên quan đến văn hóa cồng chiêng biểu hiện tại cơ sở. Việc này cần triển khai ngay và liền lạc, minh bạch, cốt yếu khơi gợi lại chính xác và tích cực những giá trị vốn có trong sinh hoạt dân gian bản địa.

Thứ hai, ngành văn hóa sẽ hỗ trợ, nghiên cứu để điểm chỉ, khôi phục lại nguyên sơ những giá trị, biểu hiện hoạt động văn hóa cồng chiêng cơ sở. Công tác sưu tầm lại các bài chiêng, cách thức thể hiện, trang bị, hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, của chính người dân các thôn buôn trong việc tham gia tái hiện văn hóa cồng chiêng trong lễ nghi phải được tiến hành nghiêm túc. Việc tổ chức đào tạo, tư vấn, đưa kiến thức văn hóa cồng chiêng vào môi trường giáo dục cộng đồng, với giới trẻ các dân tộc; đưa ra diễn tấu phục vụ các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa để quảng bá, phát triển là cần thiết.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cần có không gian để "sống". Trong ảnh: Biểu diễn chiêng tại Ngày thơ Việt Nam 2022 tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ảnh Ngọc

Thứ ba, công tác quảng bá, thông tin truyền thông về văn hóa cồng chiêng phải được tổ chức bài bản và tích cực hơn. Ngành văn hóa cần phối hợp các cơ quan ngôn luận, diễn đàn thông tin, mạng xã hội… để đẩy mạnh thông tin văn hóa cơ sở, văn hóa cồng chiêng ra quảng đại xã hội. Báo chí cần nhập cuộc công bố các giá trị tra sưu, phục dựng được, ghi nhận những kết quả khoa học xã hội từ các nhà nghiên cứu, theo sát các hoạt động của ngành văn hóa về lộ trình khôi phục văn hóa cồng chiêng, mới thực sự tạo được giá trị bền vững.

Với ba bước hoạch định này, rõ ràng định hướng tái tạo “diện mạo” văn hóa cồng chiêng của ngành văn hóa Đắk Lắk sẽ hội tụ đủ các cơ sở để thúc đẩy thực hiện kế hoạch đã phê duyệt. Theo đó, nguồn vốn đầu tư 10 tỷ đồng từ ngân sách để tạo cơ sở nền tảng, và 10 tỷ đồng tiếp theo từ các nguồn xã hội hóa hy vọng sẽ được nhân rộng, thông qua sự hưởng ứng từ cộng đồng xã hội, các tổ chức và doanh nghiệp đầu tư quan tâm. “Cần lưu ý định hướng xã hội hóa, đó là nền tảng để tăng thêm được nguồn vốn đầu tư dài lâu cho văn hóa cồng chiêng. Nếu không những hoạt động của ngành sẽ mãi chỉ là vài tiết mục diễn xuất trên sân khấu hay vài hoạt động công diễn đây đó ở các lễ hội văn hóa phong trào và để du khách xem qua mà thôi”, ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh.

Điều cốt lõi nhất, theo ông Hà, là từ ba bước thực thi cần có, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thực thụ được tái hiện, bồi bổ và phát triển hay không, mới là nền tảng để ngành văn hóa địa phương tự tin với kế hoạch của mình. Mà không gian văn hóa này, thật sự là một hiện trạng hóc búa!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.