Multimedia Đọc Báo in

Nghề nuôi ong trong bọng cây của người Cơ Tu

05:56, 27/03/2022

Huyện vùng cao Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) giáp nước bạn Lào với tứ bề núi rừng trùng điệp, được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, hưởng nhiều “lộc rừng” là các loại lâm sản quý.

Mỗi khi vào mùa trổ hoa cũng là thời gian người Cơ Tu nuôi ong trong bọng cây lấy mật. Phương pháp nuôi ong độc đáo này vừa giúp người Cơ Tu cải thiện kinh tế gia đình, vừa góp sức giữ rừng và bảo vệ loài ong.

Cách làm tổ “dụ” ong về nuôi trong bọng cây để lấy mật đã được người Cơ Tu truyền lại từ xưa đến nay. Loại ong ruồi (tiếng Cơ Tu gọi là ong c’roót) có đặc tính chọn những cây thân bị mục rỗng, tạo thành bọng rồi chui vào ở. Biết được đặc điểm này của ong c’roót, đồng bào đục cây tạo thành bọng làm nhà cho ong c’roót.

Để chuẩn bị tổ cho ong c’roót, người Cơ Tu thường chọn những thân cây ti tanh (cây dẽ) nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát. Đây là loại cây rừng có mùi hương thơm dễ dẫn dụ ong. Đồng bào chọn cây ti tanh để làm tổ đủ lớn, có độ cứng vào khoảng một người ôm để bảo đảm khi đục bọng xây tổ cho ong, cây không ngã hoặc bị chết. Bọng càng lớn thì lượng mật càng lấy được nhiều. Khi chọn được cây ti tanh rồi, đàn ông Cơ Tu dùng rìu khoét trong thân cây làm bọng. Bọng ong được đục chính giữa trên thân cây, cách mặt đất chừng 1 – 1,3 m, sâu vào thân khoảng 20 - 25 cm, cao khoảng 35 – 40 cm và rộng 20 cm.

Khai thác mật ong ruồi.

Sau khi hoàn thành đục bọng trên thân cây, người Cơ Tu tìm chặt cây gỗ sồi làm nắp gọi là đõ. Vì ong c’roót rất thích mùi thơm của loại gỗ này, gỗ sồi càng cũ thì ong càng thích. Đõ có kích thước phù hợp, vừa khớp với miệng bọng và gắn lại như một cánh cửa. Thân đõ được dùi khoảng 5, 6 lỗ nhỏ, to đủ để ong chui vào. Hai đầu đõ được bịt kín lại bằng phân trâu, lúc đó ngôi nhà cho ong c’roót hoàn thành. Đặc tính của loài ong c’roót hiền, nên khi người Cơ Tu khai thác mật ong không cần hun khói. Khi mở nắp, cần phải luồn tay vào lớp mỏng để không làm dập sáp ong, rồi dùng rựa cắt từng tảng sáp ong chứa đầy mật cho vào túi.

Một năm người Cơ Tu có 4 thời điểm thu hoạch mật ong c’roót. Mật c’roót t’réch: Thu hoạch vào trước Tết âm lịch, đây là loại mật tốt nhất, quý hiếm nên đồng bào thường để dành dùng trong gia đình; mật c’roót ha’tal: Thu hoạch vào mùa phát rẫy (khoảng tháng 3 – 4 dương lịch); mật c’roót p’rúuh: Thu hoạch vào tháng 5 – 6 và mật c’roót gr’ó: Thu hoạch cuối cùng của mùa mật trong năm. Sau khi lấy mật, chỉ cần đắp lại tổ thì chỉ 20 ngày đến một tháng sau, hoặc kể cả sang năm sau ong lại đến làm tổ tiếp, có thể lấy mật nhiều lần nữa. Ong c’roót có thời gian xây tổ và làm mật rất nhanh, chỉ sau 20 ngày làm tổ là có thể khai thác được mật. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải hơn 30 ngày. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Đây là cách khai thác mật ong trong bọng cây mà người Cơ Tu nào cũng phải biết để có được “mùa bội thu” và khai thác bền vững.

Trung bình mỗi bọng cây khai thác được từ 1,5 - 2 lít mật ong. Cây bọng lớn có thể cho 3 lít mật. Hiện nay, giá 1 lít mật ong bán ra từ 500.000 – 600.000 đồng vào ngày thường, còn những ngày cận Tết thì lên 700.000 đồng hoặc hơn nữa. Người Cơ Tu nơi đây khấm khá lên là nhờ nghề nuôi loài ong c’roót. Ngoài ong ruồi, ở huyện vùng cao Tây Giang còn có 2 loại ong cho mật khác là ch’ngor (ong rú) và h’pét (ong phễu). Đây là hai loại ong làm mật trong hốc đá. Mật ong rú và ong phễu có quanh năm, nhiều nhất là tháng 9 – 10, có vị thơm, ngọt chữa được nhiều bệnh.

Mỗi lần đi xây nhà cho ong c’roót hay đi lấy mật, nếu thấy dấu hiệu phá rừng, người Cơ Tu nơi đây đều báo với chính quyền để kịp thời xử lý. Hàng chục năm nay, ở vùng cao này chưa bao giờ xảy ra tình trạng người dân phá rừng bởi người Cơ Tu luôn ý thức được rằng nhờ có rừng, họ mới giữ được nguồn lợi kinh tế của mình.

Sơn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.