Multimedia Đọc Báo in

Thanh âm của tre, nứa

07:14, 22/03/2022

Nhắc đến nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên là người ta nghĩ ngay đến kho tàng nhạc cụ truyền thống vô cùng độc đáo, phong phú về mặt chủng loại và nghệ thuật biểu diễn. Nét độc đáo không chỉ thể hiện ở chỗ chất liệu chế tác nguyên sơ mà còn ở  âm sắc mộc mạc mà quyến rũ lòng người.

Ở Đắk Lắk, nghệ nhân không chỉ sử dụng được những loại nhạc cụ truyền thống, mà còn có thể chế tác, sáng tạo được nhiều loại nhạc cụ từ tre, nứa. Trong đó, phải kể đến nghệ sĩ (NS) Nguyễn Đức (TP. Buôn Ma Thuột), người nghệ nhân đã quá quen thuộc với công chúng về tài năng sáng tạo, lưu giữ những nhạc cụ truyền thống. Tốt nghiệp chuyên ngành Sáo trúc ở Trường Quốc gia âm nhạc Huế, NS Nguyễn Đức làm công tác văn hóa qua nhiều cơ quan khác nhau. Đến khi nghỉ hưu, ông đã trở về “chân ái” của đời mình là sáng tác, chế tạo, sáng tạo ra các nhạc cụ từ tre, nứa.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức chỉ dạy về nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên cho thế hệ trẻ.

Từ những cây tre, nứa tưởng như vô tri, ông đã biến hóa, "thổi hồn" vào đó để tạo nên một sức sống mới, để chúng có thể cất lên những thanh âm ngọt ngào. Tham quan “xưởng” chế tác nhạc cụ của ông, người xem không khỏi ngạc nhiên về độ “chất”: Một ngôi nhà sàn nhỏ chứa đựng hàng trăm nhạc cụ được chế tác từ tre nứa của trên 20 loại nhạc cụ. Hầu như ngày nào ông cũng chế tác, có thể theo đơn đặt hàng của các đơn vị trong và ngoài tỉnh hoặc có thời gian rảnh ông lại nghĩ ra những loại nhạc cụ mới, cải biên những nhạc cụ cũ, góp phần làm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú.

Từ khi có ý tưởng đến khi chế tạo thành công từng loại nhạc cụ mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng chưa bao giờ NS Nguyễn Đức bỏ cuộc, bởi khi nhìn tác phẩm đã hoàn thiện thì mọi khó khăn dường như tan biến, chỉ còn lại niềm hạnh phúc vì đã hoàn thành xong một tác phẩm nghệ thuật. Đơn cử như đàn ching Kram cộng hưởng, khác với ching Kram truyền thống. Ông đã sắp xếp khoa học các ống đàn ching Kram đơn lẻ tạo thành hai dải thanh tre được sắp như bàn phím piano, tương ứng phím trắng hàng dưới, phím đen hàng trên, âm sắc cao vút, được thiết kế vô cùng chắc chắn, gọn nhẹ với đầy đủ các nốt thăng giáng. Người chơi có thể sử dụng để chơi tất cả các bài nhạc với tông khác nhau, âm vực rộng. Để làm xong chiếc đàn này, NS Nguyễn Đức mất cả năm trời đục, đẽo, sắp xếp… mới cho ra âm thanh chuẩn nhất. Hiện nay, ông cũng đã chế tác thành công đàn Angklung của nước Indonesia. Đây là một nhạc cụ kết hợp bằng ống và thanh tre, có âm thanh như tiếng reo vui của suối nguồn, người nghe có cảm giác hòa mình với thiên nhiên. Đây được xem là nhạc cụ độc nhất tại Tây Nguyên. Hiện nay, NS Nguyễn Đức đang viết bài để đưa nhạc cụ này biểu diễn cùng các nhạc cụ truyền thống khác.

Nghệ sĩ Nguyễn Đức (bìa trái) biểu diễn sáo vỗ bài "Vui ngày mùa".

Thế giới âm thanh từ tre, nứa do NS Nguyễn Đức chế tác vô cùng đa dạng và mới mẻ. Qua bàn tay khéo léo cũng như niềm đam mê của mình, ông đã biến những cây tre, nứa từ vô tri trở nên có hồn, có âm thanh, đó là tiếng trong trẻo của núi rừng, là tiếng lòng của người nghệ sĩ. Mỗi nhạc cụ khi cất lên, hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh âm nhạc sống động, đưa người nghe đi đến những miền cảm xúc bất tận của sáng tạo. Bởi vậy, đến nay đã có rất nhiều loại đàn do NS sáng tác đi “du ngoạn” khắp nơi, giao hòa cùng những loại nhạc cụ ở các địa phương khác, tạo nên những tiết mục biểu diễn hấp dẫn như tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông…

NS Nguyễn Đức cho hay, trong sự nghiệp chế tác nhạc cụ của mình, ông tâm đắc là đã phục chế thành công các nhạc cụ thổi hơi gần như thất truyền của người M’nông như: Wao, M’Blodit, M’blodơng, Lôt N’hum... và tặng cho Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày, lưu giữ. Một điều nữa ông trăn trở và luôn muốn thực hiện tốt nhất có thể là truyền đam mê lại cho thế hệ trẻ. NS Nguyễn Đức thường xuyên dàn dựng các tiết mục biểu diễn âm nhạc bằng nhạc cụ truyền thống dân tộc Tây Nguyên từ tre, nứa cho học sinh và các đơn vị trong và ngoài tỉnh. Ông hy vọng rằng, thế giới âm thanh từ tre sẽ đến gần với công chúng, với người yêu âm nhạc, đó sẽ là nhịp cầu để đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới, tạo nên sự khác biệt, độc đáo.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.