Multimedia Đọc Báo in

Để buôn làng vang tiếng chiêng ngân

08:00, 15/04/2022

Thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã trao hàng chục bộ chiêng và trang phục truyền thống tặng các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trong tỉnh…

Việc làm này đã góp phần tạo động lực cho việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng tại các buôn làng.

Một phần do dịch bệnh COVID-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội và trong buôn không có bộ chiêng đồng đầy đủ, mỗi lần sử dụng, đội chiêng phải đi thuê, mượn từng chiếc chiêng... của các hộ dân trong buôn nên ở buôn Kbu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) ít được nghe tiếng chiêng vang lên.

Đội nghệ nhân buôn Kbu diễn tấu bài chiêng "Mừng khách" tại lễ bàn giao chiêng.

Đầu năm 2022, buôn Kbu được Sở VH-TT& DL tặng một bộ chiêng đồng cùng 10 bộ trang phục truyền thống Êđê. Tại lễ bàn giao chiêng và trang phục truyền thống, những âm thanh rộn ràng của bài chiêng “Mời khách” đã vang lên khi các nghệ nhân thử chiêng. Ông Y Klêch Kđoh, thành viên đội chiêng buôn Kbu nói trong vui mừng: “Trước giờ mỗi khi tập chiêng đều phải đi mượn từng chiếc chiêng, không đầy đủ. Nay buôn được tặng một bộ chiêng knah đầy đủ nên mọi người rất vui, để tiếp tục lưu giữ dấu ấn văn hóa truyền thống”.

“Ngày 17/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND về Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng ở tỉnh giai đoạn 2022 – 2025. Theo đó, trong 5 năm tới, tỉnh tiếp tục cấp 50 bộ chiêng và trang phục truyền thống cho các buôn làng và đội văn nghệ tiêu biểu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, từ đó đa dạng hóa các hoạt động để đưa văn hóa cồng chiêng vào đời sống, đem lại hiệu quả trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng tại địa phương”.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thụy Phương Hiếu.

Buôn Kbu có gần 420 hộ, 2.000 khẩu, trong đó hơn 90% số hộ là đồng bào Êđê. Năm 2019, buôn thành lập Câu lạc bộ văn hóa dân gian với 25 thành viên, từ 15 - 60 tuổi nhằm duy trì một số hoạt động văn hóa văn nghệ... Đặc biệt, buôn Kbu đã truyền dạy và hình thành đội chiêng nữ với 10 thành viên.

Từ khi thành lập đến nay, các câu lạc bộ, đội chiêng của buôn Kbu đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ và diễn tấu cồng chiêng, đoạt giải tại các hội thi, hội diễn. Nay, buôn được tặng bộ chiêng và trang phục truyền thống các nghệ nhân chủ động hơn trong việc truyền dạy, tập luyện và chuẩn bị nhạc cụ mỗi khi có hoạt động văn hóa.

Ông Y Huêch Kđoh, Trưởng buôn Kbu cho hay, bộ chiêng là tài sản chung của buôn, nên từ giờ mỗi khi trong buôn có nghi lễ, lễ hội thì đã có sẵn bộ chiêng. Đội chiêng, câu lạc bộ của buôn đều sử dụng và có trách nhiệm bảo quản, gìn giữ. 

Còn ông Nguyễn Hoàng Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh khẳng định, sau khi tiếp nhận bộ chiêng và trang phục truyền thống, vào những dịp lễ của địa phương, UBND xã sẽ mời các đội chiêng của buôn Kbu diễn tấu, góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Êđê. Qua đây, chính quyền địa phương cũng mong muốn các đội chiêng thường xuyên tập luyện, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong buôn không để mai một văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

Nghệ nhân đội chiêng buôn Kbu cảm nhận tiếng chiêng tại lễ bàn giao chiêng.

Không chỉ buôn Kbu, từ năm 2016 đến nay, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng, Sở VH-TT&DL phối hợp với các cấp, ngành trong và ngoài tỉnh đã đặt đúc và cấp mới 36 bộ chiêng, cùng hàng trăm bộ trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn và trường dân tộc nội trú trong tỉnh.

Việc cấp chiêng về tận buôn làng, các đơn vị thụ hưởng sẽ phát huy và quản lý các bộ chiêng được cấp hiệu quả, từ đó tạo động lực để các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện tốt hơn công tác truyền dạy, gìn giữ và bảo tồn văn hóa cồng chiêng.

Gia Bảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.