Giấc mộng không bờ bến
Âm nhạc và thi ca Trịnh Công Sơn đã trở nên quen thuộc với nhiều người, nhưng hội họa Trịnh Công Sơn thì không nhiều người biết. Đó là một “giấc mộng không bờ bến”, như ông đã từng tâm tình về cuộc chơi sắc màu của mình.
Âm nhạc - thi ca - hội họa đã hòa quyện vào nhau tạo nên thế giới nghệ thuật Trịnh Công Sơn. Ông là nhạc sĩ viết lời ca tuyệt hay và “dễ như lấy chữ trong túi ra” (như nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát)? Hay ông là một nhà thơ tài hoa rất giỏi soạn nhạc? Không thể phân biệt được. Trịnh Công Sơn là cả hai con người đó. Và hai con người đó lại tìm đến nhau trong hội họa của ông.
Thơ của Trịnh Công Sơn, tức là lời của hơn 600 ca khúc của ông, đều mang đậm tư duy hội họa. Chỉ cần nghe những tựa đề “mưa hồng, hạ trắng, nắng thủy tinh” là đã thấy những bức tranh hiện ra. Chỉ cần nghe “vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi” là đã thấy trước mắt mình một bức tranh thiếu nữ “như cánh vạc bay”. Vóc dáng “vai gầy guộc nhỏ” ấy đã từng là hình mẫu của vẻ đẹp thiếu nữ Huế và ngự trị trong mỹ thuật suốt một thời gian dài.
ội họa cũng là cuộc chơi đam mê của Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu |
Nhưng cũng có khi âm nhạc và thi ca không thể cất tiếng được nữa. Ai là người sáng tạo nghệ thuật chắc chắn sẽ hiểu rõ sự bất lực này. “Có nhiều điều tôi chỉ có thể vẽ mà không diễn tả bằng âm nhạc được. Lúc ấy, tôi phải sử dụng ngay cọ, màu và bố (toile)... Khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi”, Trịnh Công Sơn đã tâm tình như thế về hội họa của mình.
“Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi... Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng. Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che giấu”. Trịnh Công Sơn |
Thật ra hội họa đã có mặt trong con người Trịnh Công Sơn và đồng hành với âm nhạc từ thuở đầu thanh xuân. Chỉ cần nhìn nét chữ fantasy phóng khoáng “kiểu Trịnh Công Sơn” trên những bản nhạc hay trang viết dang dở, chỉ cần nhìn những họa tiết ngẫu hứng trên những lá thư gửi cho Dao Ánh và bạn bè, những nét vẽ nghệch ngoạc trên những mẩu giấy vụn, bao thuốc lá... là đã thấy đường nét tài hoa của một họa sĩ. Đó là “một bộ óc đầy mỹ cảm và sáng tạo”, như lời nhận xét của họa sĩ Đinh Cường, người bạn tri âm của ông từ thuở trẻ trai ở Huế. Ấn tượng nhất là chữ ký Trịnh Công Sơn, đẹp như một tác phẩm thư họa. Đinh Cường kể rằng Sơn ký nhiều chữ ký rất đẹp nhưng chọn chữ ký có gạch ngang dài trên đầu. Sao ông không vẽ thêm con cá (là con giáp Tây phương tuổi Kỷ Mão 1939 của cả hai ông)? Thế là Sơn ngoáy bút một vòng tròn tạo thành con cá ở dưới góc phải chữ ký, vừa như cái triện của mình. “Ông phải thành họa sĩ mới đúng!”, Đinh Cường nói.
Nhưng âm nhạc đã chọn Sơn. Và sau đó, ông đã chọn âm nhạc, chọn giai điệu và ca từ để chuyển tải tư tưởng, triết lý, cảm xúc của mình với tình yêu, quê hương và thân phận con người. Ông trở thành nhạc sĩ đi đầu trong phong trào phản chiến và đấu tranh cho hòa bình. Âm nhạc của ông là tiếng nói bi ai của những phận người khổ đau vì mất nước, vong thân, nhưng yêu đời thiết tha và tràn đầy nhân bản. Ông là “người viết tình ca hay nhất thế kỷ” như lời chia sẻ của nhạc sĩ Thanh Tùng...
Cho đến một ngày, người ta nhìn thấy trên đường phố TP. Hồ Chí Minh xuất hiện những tờ bích chương giới thiệu triển lãm tranh của Trịnh Công Sơn cùng với các họa sĩ tên tuổi như Đinh Cường, Đỗ Quang Em, Bửu Chỉ, Trịnh Cung, Tôn Thất Văn... suốt những năm 1988, 1989, 1990, 1991, 2000... Ông “chơi” hội họa với đủ các chất liệu, từ vẽ bút sắt đến pastel, acrylic, màu nước, màu dầu... “Anh mới vẽ vài năm mà đã trở thành họa sĩ thực thụ!”, họa sĩ Nguyễn Trung nhận xét.
Thiếu nữ - tranh của Trịnh Công Sơn. |
Theo nhà phê bình nghệ thuật Huỳnh Hữu Ủy bình luận vào năm 2008 thì: “Trường hợp Trịnh Công Sơn vẫn là đặc biệt dù không còn gây chút ngạc nhiên nào về việc anh bày tranh trước công chúng. Mấy năm trước đã có lần tôi thật bất ngờ và đầy kinh ngạc trước bức chân dung anh vẽ người bạn họa sĩ đội mũ nồi, ngậm ống vố, râu ria xồm xoàm, tất cả đều ánh lên trong màu bạc kim loại kỳ lạ, có thể nhận ra mức độ điêu luyện là cực điểm. Đó là một trong những bức tranh đẹp nhất giữa tất cả các tác giả tôi yêu thích”.
“Nghệ thuật dạy cho tôi biết biên giới của hữu hạn và sự vô cùng. Riêng trong hội họa tôi còn bắt gặp thêm cái không bờ bến của một giấc mộng tự do tinh thần”. Họa sĩ Đinh Cường xem lời phát biểu đó của Trịnh Công Sơn như là một tuyên ngôn nghệ thuật.
Mùa xuân 2019, lần đầu tiên công chúng được xem cả bộ tranh của họa sĩ Trịnh Công Sơn trên những tờ lịch. Cuốn lịch đó giờ vẫn được nhiều người lưu giữ như là một hiện vật quý của Trịnh. Năm 2021, kỷ niệm 20 năm ngày Trịnh Công Sơn qua đời, cuốn sách mang tên “Hội họa Trịnh Công Sơn” với 100 bức vẽ và tranh dự kiến ra mắt cùng với cuộc triển lãm tranh Trịnh Công Sơn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng do dịch bệnh bùng phát nên không thể thực hiện được. Cuốn sách đó nay đã hoàn thành và sẽ ra mắt công chúng vào một ngày trong năm nay 2022.
Minh Tự
Ý kiến bạn đọc