Multimedia Đọc Báo in

Lắng trong dòng chảy Krông Nô

10:32, 26/04/2022

Krông Nô, tên gọi của dòng sông và cũng là tên gọi một xã nằm ở phía Nam huyện Lắk - Đắk Lắk ngày nay. Trên cao nguyên này, có lẽ ít có vùng đất nào trải qua những khúc quanh lịch sử bi hùng như Krông Nô.

Đất và người ở đây theo thăng trầm dâu bể, để rồi sau ngày đất nước thống nhất (1975), người dân lại trở về sum vầy, đoàn kết cùng nhau chung tay xây dựng một quê hương mới ấm no và hạnh phúc hơn.

Đôi bờ dòng Krông Nô.

Từ trong huyền sử

Từ mạn Nam của dãy Cư Yang Sin sừng sững, dòng Krông Nô len lỏi qua những lũng dốc điệp trùng để đổ vào sông Sêrêpốk hùng vĩ. Lạ thay trên dặm dài ấy, nước của dòng sông bao giờ cũng bên đục, bên trong. Phía Bắc thuộc huyện Lắk - Đắk Lắk, màu nước lắng đầy phù sa, còn phía Nam thuộc Đam Rông - Lâm Đồng thì ngược lại, trong xanh tận đáy.

Nhiều lần tôi hỏi những cao niên trong vùng thì họ không lý giải được, chỉ biết sỡ dĩ có “hiện tượng” kia là do truyền thuyết từ xa xưa truyền tụng lại rằng: Có một lần, cuồng phong bất ngờ nổi lên khiến mặt sông ầm ào trỗi dậy vô số thủy quái hướng về phía Nam, nơi có đỉnh Cư Yang Sin tọa trấn để tấn công, hòng nuốt chửng ngọn núi thiêng này. Hai bên, thần nước và thần sông giao tranh dữ dội suốt bảy ngày đêm, máu của thủy quái nhuốm đỏ cả một vùng - từ Krông Nô sang Đắk Phơi, Đắk Liêng, Buôn Triết... thấm xuống dọc bờ Nam Krông Nô đục ngầu con nước. Vậy đó, truyền thuyết về vùng đất này vẫn lưu truyền cho đến nay - già Krang Phung (buôn Trang Yuk, xã Krông Nô - huyện Lắk) kể lại và chỉ cho tôi thấy “chứng tích” xưa để lại bây giờ là những vườn cà phê, ruộng lúa trù mật và tốt tươi trên nền đất đỏ thấm máu từ trong huyền sử.

Đường giao thông nội vùng Krông Nô được bê tông hóa hoàn toàn, tạo điều kiện giao thương, đi lại cho người dân.

Hành trình Krông Nô

Trải qua hai cuộc chiến kháng Pháp và chống Mỹ, vùng đất Krông Nô nằm dựa lưng vào dãy Cư Yang Sin vững chãi đã từng được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Chị H’Loan Bdáp - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lắk gợi nhớ: Thời thuộc Pháp, vùng đất này được gọi là Tông Brung, Tông Drang; trong kháng chiến chống Mỹ thì gọi là Lăk Yo Bliêng… Được biết, những tên gọi ấy được lấy từ tên những nhân vật anh hùng trong sử thi (Ốt N’rông) của người M’nông bản xứ. Đến khi trở thành vùng căn cứ cách mạng với bí số H10 (1965), người dân trong vùng mới gọi đúng tên là Krông Nô cho đến ngày nay.  

Trong ký ức của già Krang Phung, hay ông Y Krang Jre - nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Krông Nô thì dù dưới bất kỳ tên gọi nào, nơi “chôn nhau cắt rốn” kia luôn hiện lên niềm tự hào trong họ về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cộng đồng người M’nông là một phần không thể tách rời. Nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1965 -1975) cái tên ấy đã làm nên những chiến công vang dội, khiến kẻ thù phải chùn bước và khiếp sợ. Trong lịch sử đấu tranh của Đảng bộ huyện Lắk còn ghi: Trong giai đoạn trên, quân và dân vùng căn cứ cách mạng (xã 1 là Krông Nô và xã 2 là Đắk Phơi) đã đẩy lùi hàng chục trận càn, oanh tạc của kẻ thù trước âm mưu bình định các vùng giải phóng ở Đắk Lắk như vùng căn cứ cách mạng H9 (huyện Krông Bông) và H10 (huyện Lắk) bây giờ. Nhờ vậy, những vùng căn cứ cách mạng trọng yếu ở đây không những được giữ vững, mà còn phát triển và mở rộng trên toàn vùng, từng bước đưa sự nghiệp thống nhất đất nước đi tới thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân 1975.

Xã Krông Nô đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Hang đá Ba Tầng vào năm 2020.

Nghĩa tình đọng lại

Những đau thương, mất mát của người dân ở đây trong chiến tranh, giờ được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng sự quan tâm, đầu tư thích đáng. Chủ tịch UBND xã Krông Nô Hồ Văn Anh khẳng định: Nhờ sự quan tâm, đầu tư đó mà cuộc sống của bà con được ổn định, phát triển từng ngày.

Trước hết phải kể đến là hệ thống cơ sở hạ tầng (điện - đường - trường - trạm),  đến nay 7 buôn trong xã đã có điện thắp sáng; đường giao thông từ trung tâm xã vào các buôn từng bước được cứng hóa, 1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 2 cơ sở giáo dục mầm non, 1 trạm y tế đã được xây dựng khang trang, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu đi lại, khám chữa bệnh và việc học hành cho con em người dân trong vùng.

Hơn thế, từ năm 2006, ngoài việc xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn cùng với thiết chế văn hóa khá hoàn thiện để tạo điều kiện cho bà con hội họp, sinh hoạt… thì Quốc lộ 27 đi qua trung tâm xã dài gần 8 km đã được mở rộng và nhựa hóa với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Con đường này trở thành huyết mạch quan trọng kết nối với các vùng lân cận như Đắk Phơi, Đắk Nuê, Liên Sơn, Bông Krang (huyện Lắk) và vùng Đam Rông, Lâm Hà (Lâm Đồng)… để mở rộng giao thương và phát triển kinh tế, nhất là các loại cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu… với diện tích hơn 11.000 ha.       

47 năm đi qua, kể từ ngày đất nước thống nhất năm 1975 - và xa hơn nữa là những huyền sử mờ ảo, thiêng liêng mà Krông Nô mang trong mình sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm, đầu tư của các cấp, ngành để địa danh này xứng đáng là vùng đất lắng đọng nhiều cảm xúc nhất cho những ai đến đây - bên dòng Krông Nô chảy miên man từ trong ký ức đến hiện tại…

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.