Tây Nguyên - Nơi những dòng sông đi qua (kỳ 2)
Kỳ 2: Sêrêpốk - Đời sông, đời người
Không ít lần tôi đã từng xuôi theo dòng Sêrêpốk và cảm nhận được rằng, đời sông, đời người ở đây luôn gắn bó mật thiết với nhau không thể tách rời. Dòng sông đã phả vào đời sống con người và muôn loài ân tình ấm nóng, thiết tha - và ngược lại, cư dân ở đây đã dành cho dòng xanh kia lòng tri ân sâu nặng, để rồi cả hai hòa thành một sinh thể đúng nghĩa, sống động giữa đại ngàn Tây Nguyên này.
Nơi dòng Sêrêpốk bắt đầu là những lũng núi của dãy Nam Trường Sơn ngút ngàn, trùng điệp. Nhìn gần hơn ở phía Nam của dãy Cư Yang Sin sừng sững, nơi giáp ranh của hai tỉnh Đắk Lắk - Lâm Đồng là khởi nguồn dòng Krông Nô (hay còn gọi là sông Cha) lắm ghềnh, nhiều thác.
Phía bên này dãy Cư Yang Sin - mạn hồ Lắk và Krông Bông có nhiều thác nước nhỏ chảy quanh năm trên lưng chừng núi, sau đó chúng hợp lại thành sông Krông Na (sông Mẹ) quanh năm đầy ắp nước và rất đỗi hiền hòa. Từ hai phía khác nhau, dòng Krông Nô và Krông Na cùng đổ ra sông Sêrêpốk hùng vĩ. Nơi gặp gỡ, giao hòa của hai dòng sông (Cha và Mẹ) ấy là ngã ba Buôn Kuốp bây giờ.
Tại đây, nhìn từ phía nào cũng thấy dòng Sêrêpốk mạnh mẽ, tuôn trào để tạo nên những ngọn thác kỳ vĩ như Dray Sáp, Dray Nur… đẹp như tranh vẽ, dù mùa mưa hay nắng vẫn không bao giờ dứt tiếng nước réo gầm vọng lên từ ghềnh đá. Cư dân sống quanh vùng, dù là dân tộc bản địa hay lưu dân từ những nơi khác tìm đến sinh sống - từ Buôn Choah sang Nam Đà (huyện Krông Nô - Đắk Nông) ở phía Nam, hay buôn Kuốp - Hòa Phú và Dray Sáp (huyện Krông Ana - Đắk Lắk) bên bờ Bắc… đều nhận lấy từ dòng sông nhiều ân sủng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Điều đó tôi đã thấy từ gia đình bà H’Lươm (Buôn Choah, huyện Krông Nô - Đắk Nông) hay gia đình ông Y Bhin ở Dray Sáp (huyện Krông Ana - Đắk Lắk) ngày nay, khi họ nhận từ tay tổ tiên, ông bà (cũng như nhận từ dòng sông) những ân sủng tối thiểu để sống bằng nghề chài lưới, đóng gạch, làm gốm cổ truyền từ rất lâu trên mỗi đầm lầy và bãi bồi mà dòng sông đã để lại.
Dòng Sêrêpốk mạnh mẽ, tuôn trào để tạo nên những ngọn thác kỳ vĩ như Dray Nur. Ảnh: Hoàng Gia |
Cuộc sống của những gia đình mà tôi từng chứng kiến đã tự thân vẽ nên một diện mạo, sắc thái văn hóa rất riêng và độc đáo đến nỗi một số nhà dân tộc học, khảo cổ học trong và ngoài nước khi đến đây tìm hiểu đã rất đỗi ngạc nhiên, rồi đặt ra giả thuyết: Vùng đất này (và cả Tây Nguyên) có phải là chiếc nôi của người tiền sử, cuộc sống của họ đã thật sự có mặt hàng nghìn năm nay?
Giả thuyết này đã đi ngược lại với quan điểm trước đây cho rằng cư dân sống bên dòng Sêrêpốk, cũng như trong các cánh rừng, ven khe suối kia là từ biển đảo vào (?) Nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra, cho đến khi hai đợt khảo cổ được tiến hành tại Buôn Triết (huyện Lắk) và Buôn Trấp (huyện Krông Ana) vào năm 1993 và 1995 do GS. Hoàng Xuân Thông (Viện Khảo cổ Việt Nam) dẫn đầu đã khiến nhiều người quan tâm, soi rọi lại vấn đề trên một cách cởi mở, hòa nhập hơn về thời gian, không gian văn hóa và lịch sử của các tộc người bên dòng sông này. Hai đợt khảo cổ đã tìm thấy hơn 3.000 hiện vật, trong đó phần nhiều là những mảnh đất nung (gốm) vỡ được làm từ đất sét và bã thực vật. Các mảnh gốm được miết trơn, khá tinh xảo, trang trí các hoa văn chấm dải, vỏ sò, vặn thừng… giống như hoa văn trên thổ cẩm của các tộc người M’nông, Êđê tại chỗ.
Từ đây, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho đó là một điểm đáng lưu ý trong quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa - xã hội của các tộc người bản xứ đã gắn bó với dòng sông như một sinh thể đúng nghĩa. Ngoài ra hai cuộc khảo cổ trên cũng tìm thấy được rìu đá, bàn mài và đặc biệt là rất nhiều chài lưới dùng để bắt tôm, cá…, cho phép các nhà chuyên môn nhận định: Địa bàn cư trú của con người ở đây thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới, có niên đại cách đây trên dưới 3.500 năm là vùng đầm lầy lắm sông, nhiều suối. Nguồn thực phẩm chủ yếu của họ là tôm, cá cùng nhiều loại thủy sản khác. Mối dây liên hệ này tỏ ra hợp lý và đứng vững được khi nhìn lại không gian sống được tạo hóa bày ra trước mắt một vùng Buôn Triết, Buôn Trấp rộng lớn với cá, tôm nhiều vô kể và tất nhiên con người sống ở đó phải làm ra chài lưới để mưu sinh và tồn tại như dấu tích mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy.
Được hợp lưu bởi hai dòng Krông Nô và Krông Ana bắt nguồn từ những vùng lũng núi Nam Trường Sơn, sông Sêrêpốk có chiều dài 315 km (phần chảy trên lãnh thổ Việt Nam gồm hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là 125 km). Sêrêpốk không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia trước khi hợp vào dòng Mê Kông, xuôi về miền Tây Nam Bộ rồi mới hòa vào biển Đông. |
Ở góc nhìn khác về ngọn nguồn Sêrêpốk - vùng đất Buôn Đôn, nơi dòng sông chảy qua với chiều dài hơn 120 km về phía Tây, sau đó đổ vào sông Mê Kông tại vùng Stungtreng - nước bạn Campuchia là dấu nhấn độc đáo trong “phổ văn hóa rừng và sông” tiêu biểu. Trong những cuộc chinh phục, viễn du cùng dòng Sêrêpốk của các bộ tộc Lào, Cao Miên tìm nơi sinh sống luôn đi kèm với sự phát hiện các giá trị mới, sau đó họ sắp xếp, bổ sung hoặc làm rạn nứt các giá trị cũ để hình thành nên diện mạo đời sống xã hội tương thích với “phổ văn hóa” trên.
Ông Y Si Thắk - Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thừa nhận rằng: Nói đến lịch sử vùng đất này thì không thể không nhắc đến dòng Sêrêpốk. Dòng sông này là gạch nối gần nhất, sau đó cứ rút ngắn dần theo thời gian để đưa văn hóa của các tộc người hòa trộn với nhau trong không gian đa chiều nhưng thống nhất và đầy màu sắc. Người Lào đã bắt tay với người M’nông bản xứ làm nên “huyền thoại Bản Đôn” với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng. Đáp lại, các nghi lễ truyền thống liên quan đến vòng đời và nền sản xuất nông nghiệp của người M’nông, Êđê tại chỗ đã dần thấm sâu và lan tỏa trong đời sống tinh thần của cư dân viễn du tìm về bên dòng sông này tụ họp. Sự hòa hợp này, theo ông Y Si Thắk là dễ thấy nhất từ những bến nước của các buôn làng dọc bờ sông Sêrêpốk.
Ở đây, nếu bếp lửa đỏ quanh năm trong mỗi ngôi nhà làm nên sự sống truyền đời, thì bến nước là không gian gắn kết sâu đậm văn hóa của các cộng đồng dân tộc tại chỗ. Những bến nước trên dòng Sêrêpốk cùng thăm thẳm đại ngàn Yok Đôn với đầy đủ sản vật phong phú vào loại bậc nhất trên vùng biên này là cuộc “hôn phối” đặc biệt, giàu hàm lượng văn hóa, đủ cho con người mà dòng sông và rừng già cưu mang bao đời nay tồn tại và phát triển.
Đến bây giờ, dòng Sêrêpốk vẫn thế - hoang dã, bí ẩn và tràn đầy sức sống như một sinh thể sống động trên vùng Tây Nguyên. Cư dân bao đời quần tụ, sinh sống dọc theo hai bên bờ đều cảm nhận rằng: Họ đã gắn bó với dòng sông thân thiết đến nỗi nghe ra “hơi thở” của nó phả vào đời sống của mình trong mỗi thăng trầm lịch sử.
Quả thật, đó là dòng sông mà tôi và bất kỳ ai cũng nhận ra đời sông trùng phùng với đời người như một định mệnh. Bất cứ ai có dịp đi dọc theo dòng Sêrêpốk sẽ gặp rất nhiều buôn làng của các tộc người M’nông, Êđê, Lào cùng lưu dân khắp xứ sinh sống bình yên và thân thiết với dòng sông. Dòng Sêrêpốk vẫn chảy như đã từng chảy qua hàng triệu năm - và trên từng chặng hành trình xuôi theo dòng sông này, tôi đã nghe tiếng thầm thì của nó với đời sống con người từ ngàn xưa cho đến ngày nay, chưa bao giờ ngừng nghỉ…
(Còn nữa)
Kỳ 3: Sông Ba nối quá khứ với hiện tại và tương lai
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc