NSƯT Vũ Lân và hành trình khám phá âm nhạc Tây Nguyên
Tròn 40 năm kể từ ngày Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Vũ Lân quyết định xa Thủ đô Hà Nội với những ước hẹn tái hồi. Thế nhưng, những thanh âm huyền hoặc của miền đất đỏ bazan đã níu chân ông ở lại. Gắn bó, yêu mến và tha thiết với âm nhạc Tây Nguyên, ông trở thành người con của đại ngàn lúc nào không hay biết.
Quyết định ngỡ ngàng
40 năm trước, nghệ sĩ Vũ Lân (Đội trưởng Đội múa của Đoàn Ca múa Hà Nội) quyết định vào Đắk Lắk theo lời mời của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Cường (Trưởng Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk) để cùng “xốc lại” và phát triển Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk theo hướng dân tộc - hiện đại.
Biệt phái ba năm với chức danh Phó đoàn phụ trách chuyên môn, nghệ sĩ Vũ Lân nhiệt thành tham gia mọi việc, từ biểu diễn, dàn dựng tiết mục, tổ chức chương trình và dẫn Đoàn đi các địa phương biểu diễn.
NSƯT Vũ Lân. |
Năm đầu biệt phái (1982), ông đã tổ chức cho Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk đến Nha Trang (Khánh Hòa) tham gia biểu diễn 11 ngày với tận 13 chương trình nghệ thuật. Rạp Tân Tân thời điểm ấy luôn trong tình trạng "cháy vé", khán giả trầm trồ, bất ngờ trước tài năng âm nhạc của các nghệ sĩ người dân tộc thiểu số. Năm ấy cũng là năm đầu tiên, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk biểu diễn có bán vé, đem về mức cát-xê đặc biệt ấn tượng cho các nghệ sĩ.
Những năm 1983 và 1984, được tham gia trại sáng tác, tham gia điền dã nghiên cứu khảo sát về văn hóa Êđê, nghệ sĩ Vũ Lân đã rất ngỡ ngàng về bản sắc văn hóa nói chung, đặc biệt âm nhạc dân gian ở vùng đất bazan huyền thoại. Càng tiếp tục nghiên cứu sâu, ông như bị mê hoặc trước những thanh âm độc đáo trên miền đất đỏ. Người nghệ sĩ ấy như bị “hớp hồn" ngay lần đầu tiên nghe các nghệ nhân bản địa thổi tù và (ki pă), đinh puốt và nhiều nhạc cụ khác…
Quyết định đi - ở khiến chàng trai Hà thành ít nhiều đắn đo. Bởi, thời điểm này, cùng với Đắk Lắk, trở về Hà Nội, thì nghệ sĩ Vũ Lân cũng nhận được rất nhiều lời mời gọi từ các tỉnh thành phía Nam. Thế nhưng, những lời tâm huyết của Bí thư Tỉnh ủy Y Ngông Niê Kdăm đã níu chân ông ở lại Đắk Lắk. Ông bồi hồi kể: “Bí thư nói rằng, việc vào đây giúp Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk là điều rất quý. Nhưng quả thực, văn hóa Đắk Lắk cần người gắn bó lâu dài. Nếu anh thấy có thể thu xếp được, hãy chuyển vào đây. Tôi với tư cách Bí thư Tỉnh ủy sẽ tạo mọi điều kiện để anh trở về Hà Nội bất cứ khi nào anh muốn”…
Khai mở những thanh âm độc đáo
Mặc sự ngỡ ngàng, thậm chí có phần phản đối của người thân, bạn bè, NSƯT Vũ Lân luôn tự hào rằng, chính Tây Nguyên đã giúp ông có thể phát huy hết năng lực của mình.
Vốn được đào tạo chuyên ngành múa, biên đạo, nhưng khi vào Đắk Lắk, âm nhạc Tây Nguyên đã cuốn ông khai mở những điều mới mẻ trong chính bản thân mình. Ông sáng tác nhiều ca khúc, viết hòa tấu, độc tấu nhạc; cải tiến, chế tác, chỉnh lý và hoàn thiện thành công 22 nhạc cụ của các dân tộc Êđê, M'nông, Gia Jai, Xơ Đăng. Đặc biệt, ông còn phục hồi lại ba nhạc cụ đã bị mai một.
NSƯT Vũ Lân say mê với nhạc cụ dân tộc. |
NSƯT Vũ Lân
|
Trong số đó sức lan tỏa mạnh nhất phải kể đến ching kram (chiêng tre). Từ năm 1986, ông bắt đầu lên rừng săn tìm, nghiên cứu các loại tre, nứa, trúc theo sự mách bảo của các nghệ nhân, nhưng phải đến năm 1993 mới chế tác thành công nhạc cụ. Càng ấn tượng hơn khi cùng lúc ông ra mắt ba nhạc cụ khác nhau, đó là ching gram cổ truyền, ching gram cromatic hai giàn và ching gram trầm cộng hưởng. Thanh âm của ching kram cùng những bản nhạc do các nghệ nhân người dân tộc thiểu số biểu diễn đã gây tiếng vang lớn trong các kỳ liên hoan, hội diễn trong nước và quốc tế. Qua đó đem lại danh tiếng và nhiều thành công cho Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk.
Thành công nhất của nghệ sĩ Vũ Lân phải kể đến sáo vỗ. Nhạc cụ sử dụng nguyên tác phát âm và thủ pháp diễn tấu của hai nhạc cụ ki pă và sáo đinh puốt. Dù không khoét lỗ bấm nào, chỉ cần dùng tay vỗ vào đầu ống sáo, nhưng thanh âm của nhạc cụ này đã để lại tiếng vang cực kỳ lớn. Trong một lần Đoàn đi biểu diễn tại Pháp, dù chương trình đã kết thúc nhưng hơn 200 khán giả vẫn còn nán lại tại sảnh nhà hát để đợi Đoàn. Một tiệc đứng bất ngờ được tổ chức tại đây, nhiều người đã tò mò, trầm trồ muốn khám phá sáo vỗ, dù không lỗ bấm nào, nhưng vẫn "thổi" được rất nhiều thanh âm tuyệt diệu.
Không chỉ làm “dày” thêm vốn âm nhạc Tây Nguyên, NSƯT Vũ Lân còn thành lập Tốp nhạc cụ dân tộc ở Đoàn ca múa; góp sức mở hai lớp hướng dẫn các nghệ nhân Êđê cách sửa chiêng, chỉnh chiêng; đưa những bài học đánh chiêng đồng và chiêng tre vào các trường học, buôn làng; xuất bản cuốn sách "Sưu tầm, nghiên cứu và khai thác các nhạc cụ dân tộc truyền thống Êđê và M'nông" (NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2008)…
Ở tuổi 77, cái tên NSƯT Vũ Lân, Trưởng Ban giám khảo vẫn quen thuộc tại các hội diễn, liên hoan văn hóa nghệ thuật của tỉnh, thành phố. Những nhận xét chuẩn xác, cụ thể của ông về từng tiết mục biểu diễn khiến các đoàn tham gia vỡ vạc nhiều vấn đề để làm đẹp hơn, trọn vẹn hơn cho âm nhạc đại ngàn mênh mang, vời vợi…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc