Multimedia Đọc Báo in

Tây Nguyên – Nơi những dòng sông đi qua (Kỳ 4)

07:49, 01/05/2022

Kỳ 4: Dải lụa mềm Đắk Bla

Trước khi vào bên trong lòng đô thị trẻ Kon Tum, theo hướng từ Gia Lai lên đều phải qua cầu Đắk Bla bắc qua dòng sông cùng tên. Con sông Đắk Bla chảy ngược về phía tây qua những làng, những phố, những ô mía, nà bắp... Dòng sông này được ví như dải lụa mềm mại vắt qua thành phố với những đường cong hình sóng đẹp mắt.

Không biết tự lúc nào, tôi có thói quen thỉnh thoảng lại ra đứng trên cầu Đắk Bla hoặc bên bờ ngắm dòng sông chảy ngược. Có lúc lại chạy xe máy qua tận làng Kon Kơ Tu, xã Đắk Rơ Wa, TP. Kon Tum chỉ để ngắm đoạn sông thắt eo, uốn lượn theo con đường vào làng, phóng tầm mắt qua triền đồi bên kia sông - ở đó có một bãi cát trồi lên chừng vài chục mét trông vừa hoang sơ, vừa kỳ bí. Đắk Bla là một trong số ít con sông “chống chỉ lệnh của thiên nhiên” để... chảy ngược. Theo cách giải thích của bà con dân tộc Bana sinh sống lâu đời bên dòng Đắk Bla thì “Đắk” có nghĩa là nước, “Bla” là hung dữ - con nước hung dữ.

Tuy nhiên, dòng Đắk Bla chỉ hung dữ vào mùa mưa lũ, mùa còn lại con sông hiền hòa, êm dịu, tưới tắm cho những ô nà cây trái ven sông tươi tốt quanh năm. Con sông nặng nghĩa nặng tình với bao thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.  Những lúc nông nhàn, bà con chèo thuyền độc mộc ra sông thả lưới đánh bắt cá, tôm để cải thiện đời sống. Không những vậy, mỗi năm mùa lũ đi qua đều để lại lớp phù sa màu mỡ, cung cấp nguồn dinh dưỡng nuôi những ô bắp, nà mía ven sông xanh mướt. Hiểu được sự ưu ái của thiên nhiên, nắm rõ quy luật của con nước theo mùa, bà con nơi đây chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày cho thu hoạch nhanh, tránh những rủi ro khi con nước trở nên hung dữ vào mùa mưa lũ.

Sông Đắk Bla hợp lưu từ 3 con sông:  Đắk S’Nghe, Đắk Kôi và Đắk Pone, cùng bắt nguồn từ phía đông của tỉnh Kon Tum. Thượng nguồn Đắk S’Nghe bắt đầu từ dãy Trường Sơn xa xôi, hùng vĩ nằm ở tận huyện Kon Plông; sông Đắk Kôi bắt nguồn từ huyện Tu Mơ Rông; sông Đắk Pone nằm ngay huyện Kon Rẫy. Nói theo cách của bà con dân tộc thiểu số sinh sống bao đời nay dọc bên bờ ba con sông kia thì họ chỉ gọi đó là những con suối lớn cùng đổ về, rồi gặp nhau tại huyện Kon Rẫy hợp lưu thành sông Đắk Bla. Sông chảy theo hướng đông - tây từ huyện Kon Rẫy về đến điểm đầu TP. Kon Tum ước chừng hơn 10 km. Trước khi qua phố thị với đoạn khá dài nhìn rõ mặt sông có đến hàng chục cây số - từ làng Kon Rơ Wang qua cầu treo Kon Klor (phường Thắng Lợi); làng Kơ Pâng, Kon H’Ra Chot (phường Thống Nhất) sang làng Plei Tơ Nghia, Plei Đôn, Kon Rơ Bang (xã Vinh Quang). Đến đây dòng sông từ từ uốn lượn theo những triền cát, bãi bồi rộng thoáng qua các xã Ngọc Bay, Kroong - Kon Tum tạo nên phong cảnh rất hữu tình. Sông Đắk Bla tiếp tục ngược lên huyện Sa Thầy rồi hợp lưu với dòng Pô Kô tại thôn Lung Leng, xã Sa Bình để trở thành sông Sê San.  

Sông Đắk Bla.

Tại nơi hợp lưu của hai dòng Đắk Bla và Pô Kô để khai sinh ra dòng Sê San đã xuất lộ di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng - Di chỉ Lung Leng, góp phần vén lên trầm tích lịch sử, văn hóa sâu dày của người tiền sử ở Tây Nguyên. Tôi còn nhớ vào tháng 9/1999, trong khi làm Thủy điện Ya Ly, người ta đã phát hiện nhiều dấu vết về nền văn hóa cổ đã tồn tại ở đây. Nghe thông tin này, lập tức nhà khảo cổ học nổi tiếng là GS.TS. Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) có mặt và cẩn trọng khai quật. Hàng nghìn hiện vật bằng đồ đá và kim khí được phát hiện, trong đó cho thấy một số đặc điểm đáng chú ý: Các di vật được tìm thấy rất gần với văn hóa Đông Sơn, còn đồ gốm lại rất gần với văn hóa Sa Huỳnh. Từ đây, các nhà khảo cổ học đã có cơ sở nhận định: Ít ra có thể thấy nền văn hóa tiền sử ở Tây Nguyên có giao thương rộng rãi với cả hai nền văn hóa lớn này ở phía Bắc và phía Nam. Riêng GS.TS. Nguyễn Khắc Sử, sau khi “quên ăn, quên ngủ” với di chỉ Lung Leng đã có những kết luận ngược lại với quan điểm trước đây cho rằng: Nguồn gốc của cư dân Tây Nguyên là từ biển đảo vào (?). Theo nhà khảo cổ học này, nếu đem sự kiện này để soi rọi và nhìn lại trong mối tương quan, cởi mở và hòa nhập về không gian văn hóa của người Tây Nguyên cổ xưa qua một vài di chỉ khảo cổ trước đây sẽ giúp chúng ta phần nào trả lời được câu hỏi trên: Tây Nguyên đúng là chiếc nôi của người tiền sử!

Sông Đắk Bla dài 139 km, là dòng sông không xuôi về hướng biển Đông mà nó chảy ngược lên hướng tây Trường Sơn. Đây là con sông gắn liền với nhiều truyện tích của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc theo sông.

Xuôi theo dòng sông, không chỉ để lắng lại cùng trầm tích ngàn triệu năm, mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa cảm xúc thẩm mỹ nhận được từ cảnh quan thiên nhiên của con sông kiến tạo, mang lại cho đời sống thường ngày. Đắk Bla là dòng sông như thế, nhất là khi nó mềm mại đổ vào lòng đô thị Kon Tum. Vẻ đẹp của sông được ví như dải lụa mềm vắt qua thành phố từ làng Kon Kơ Tu (xã Đắk Rơ Wa) đến làng Kon Rơ Bang (Vinh Quang). Trên đoạn sông này hiện đã có 6 cầu bê tông bắt qua và 1 cầu treo Kon Klơr nổi tiếng đẹp nhất vùng. Vào sáng sớm hay chiều xuống, đến đoạn sông này thường bắt gặp những chiếc thuyền độc mộc của bà con Bana đánh bắt cá, hoặc chở nông sản qua lại đôi bờ, tạo thêm điểm nhấn cho thành phố trẻ càng trở quyến rũ, thanh bình hơn. Nhớ một lần nhà thơ Trần Mạnh Hảo đến Kon Tum đã viết những câu thơ rất diễm lệ về dòng sông này: "Sông Đắk Bla như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/ Một thoáng đồng bằng trong phố xá/ Kon Tum vầng trăng đầu tháng mọc bên em... Anh xin làm mùa hạ giữa cao nguyên/ Làm ngọn gió ném qua đường bụi đỏ/ Tiếng ve lang thang trong mơ hồ phố nhỏ/ Những dãy nhà dìu dặt ở sau cây/ Kon Tum đây và em của anh đây/ Gương mặt phố gương mặt sông gương mặt núi/ Trong mắt em bốn mùa nhuần nhụy lại/  Thông xòe kim khâu nắng tóc em dài...”.

Quả thật bài thơ là bức tranh tuyệt đẹp, hòa quyện giữa thiên nhiên - con người, mà dòng Đắk Bla là tâm điểm, là ấn chứng cho những ai đến đây và yêu mến mảnh đất này. Còn cộng đồng các dân tộc tại chỗ, họ có tình cảm và neo giữ lại những gì với dòng sông? Nói về sông Đắk Bla, người dân ở đây vẫn thường truyền tụng cho nhau về câu chuyện tình huyền thoại của người con gái Bana và chàng trai J’rai. Chuyện rằng, bấy giờ giữa hai bộ tộc có sự thù hằn nên mối tình của đôi trai gái này bị dân làng ngăn cấm. Quá tuyệt vọng nên họ tìm đến cái chết để minh chứng cho tình yêu chung thủy của mình. Cái chết của đôi trai gái Bana, J’rai ấy đã cởi nút thắt thù hằn của hai bộ tộc, đưa đến sự hòa hợp và đoàn kết, sẻ chia của các cộng đồng dân tộc cùng uống chung nguồn nước trên dòng Đắk Bla như ngày nay.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Sê San -  Dòng sông ánh sáng


                                       Ngọc Mẫn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.