“Giữ lửa” nghề làng gốm Yang Tao
Lửa không bao giờ tắt trong đời sống. Từ ngọn lửa được thần linh trao truyền cho con người trong thần thoại Hy Lạp đến bếp lửa mẹ dùng sưởi ấm mùa đông hay ngọn đèn dầu leo lét tuổi thơ của những ai khó nhọc kiếm tìm con chữ đều lưu dấu trong ký ức cá nhân mỗi người như là thứ ánh sáng mặc khải. Ngày nào đó, ở Quảng Ninh tôi đã nhặt viên than đá đen nhánh và nhìn ra sắc lửa hàng triệu triệu năm trước, thời tôi còn chưa là hạt bụi. Rồi đến một ngày, tôi đến bên bờ sông Krông Ana, nhìn những bình gốm Yang Tao thô mộc với sắc nâu đen, vàng đỏ bỗng như thấy hồn lửa ẩn tiềm trong mỗi thớ đất nung…
Buôn làng cổ dưới chân núi
Buôn Yơng Bắk của xã Yang Tao nằm dưới chân ngọn Chư Yang Sin sừng sững. Thế núi đổ bóng và dòng Krông Ana hắt lên thứ nắng xế chiều khiến tôi như lạc vào trang viết của trường ca Đam San. Nhưng ấn tượng với tôi không phải núi, sông mà là hình ảnh của buôn làng với các amí. Người M’nông Rlăm ở đây, như các nhà nghiên cứu từng nhận xét, trong phả hệ xưa xa đã pha trộn ít nhiều giữa hai tộc người M’nông và Êđê. Khác với nhiều nơi, người dân vùng này biết trồng lúa nước, biết chèo thuyền đánh bắt cá, biết trồng năn, lác để dệt chiếu…
Đập vào mắt tôi là ngọn khói ấm áp thơm mùi lá rừng tỏa ra, bay lên từ những ngọn lửa ở phía dưới. Những ngọn lửa nhảy múa như bàn tay vũ nữ lúc xòe ra, khép lại, những sắc cam, vàng, đỏ quấn quýt. Từ đây, tôi cũng nhìn thấy bước chân của các amí trên đường lấy đất sét về buôn, những bàn chân mở ra vòng tròn khép kín vô tận quanh chiếc bàn xoay thủ công.
Và tôi nhận ra, giữa một khoảnh sân nhỏ ai đang xếp từng hàng bình gốm. Chúng đã đi qua lửa để tạo thành những dáng hình nâu đen hay vàng đất. Lửa đã chìm trong đất, phục sinh trong đất để khi bàn tay ta chạm vào không nhận ra là đất hay lửa. Chỉ nghe ấm nóng từ xa xôi vọng lại, nghe tứ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa quay tròn hướng tâm về hành Thổ.
Nghệ nhân làng gốm Yang Tao thực hành nặn và trang trí gốm. Ảnh: Hữu Hùng |
Bên bếp lửa, nghệ nhân, amí H’Phết Uông chậm rãi từng vệt gốm ngôn ngữ: “Thời xưa, chưa có đồ gốm sặc sỡ, sơn phết như bây giờ. Chỉ có đất với lửa thôi. Màu cũng từ lửa mà ra. Cha ông kể, gốm ở buôn này biết đi, đi khắp các vùng. Xa xôi không biết nhưng ở Tây Nguyên này, thậm chí nhiều vùng đồng bằng dưới kia cũng dùng gốm Yang Tao. Cũng không có nhiều loại, chỉ là nồi, ấm, ché, chum, ai khéo tay thì làm thêm hồ lô, nồi, bình, chén, bát…”.
Đất sét được lấy từ bờ sông, dưới chân núi Chư Yang Sin có màu sắc nâu vàng, không giống với đất sét ở vùng khác. Sau khi mang về nhà, người ta “ủ” và “nuôi” đất bằng cách đắp các loại vật dụng như lá chuối, nong nia, dần sàng... “Nuôi” bằng cách hằng ngày tưới vào đất một lượng nước nhỏ để đất không khô đi, giữ vẹn tính “nguyên thủy” của đất. Rồi khi rảnh việc đồng áng, các mẹ, các chị đem đất sét ra giã hoặc nhồi như nhồi bột. Trong quá trình giã, nhồi, họ lượm ra các mảnh sỏi nhỏ, rác rến, làm sạch chúng trước khi “trích” đất. “Trích” đất là lấy ra lượng đất sét đã nhồi, ước lượng vừa đủ để làm ra sản phẩm. Tôi nghe kể, việc “trích” đất có thể xem như là một nghi lễ, bởi khi “trích” đất rồi người ta sẽ không thêm, bớt, sản phẩm có thể to hoặc nhỏ hơn tùy vào khối đất đã “trích”.
Amí H’Huyên BHôk - một nghệ nhân trẻ cho biết: Quy trình làm ra sản phẩm gốm ở Yang Tao trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên các amí đặt khối đất đã “trích” lên bàn xoay. Bàn xoay thực chất không xoay như ở miền xuôi, chỉ là khúc gỗ có mặt trên tròn phẳng như chiếc mâm, chiều cao bằng thân người cúi xuống. Bàn không xoay thì người xoay, các amí đi vòng quanh khúc gỗ, một tay cầm thanh tre gạt đất, một tay nặn khối đất “trích” thành xương gốm. Khi xương gốm đã hình thành, khô se lại, các amí sẽ dùng viên cuội nhỏ miết nhẵn cả mặt trong, mặt ngoài xương gốm. Tiếp nữa là vẽ trang trí. Các amí chỉ cần dùng các vật dụng có sẵn như thanh tre, viên cuội, cật tre nhỏ, lông nhím… để in lên đó các hình họa, các đường kỷ hà, các hoa văn thường theo chuỗi và đối xứng vòng quanh thân xương gốm.
Rồi sau đó là công đoạn nung xương gốm thành sản phẩm. Các amí chất xương gốm theo nguyên tắc lớn ngoài, nhỏ trong, chất rơm, củi xung quanh và đốt. Đến đây bắt đầu “cuộc chơi” của lửa. Lửa bùng lên lúc mạnh lúc yếu, khói trùm lên lúc đậm lúc nhạt. Đất chìm trong lửa, lửa nồng nhiệt với đất để cuối cùng các sản phẩm gốm Yang Tao được hình thành. Những chiếc bình, ché, chén bát... sinh ra từ đất và lửa, được các amí bế bồng với sắc màu không đoán định nổi, có sản phẩm tuyền một màu đen bóng, có cái dọc ngang vằn vện những vệt khói đen mờ trên nền đất chịu lửa vàng cháy…
“Giữ lửa” cho nghề truyền thống
Khi đời sống ngày càng văn minh, khi sản phẩm công nghiệp có mặt trên mọi lĩnh vực thì các làng nghề và nghề truyền thống bị đẩy lùi rất nhanh, rất xa. Gần với con người nhất là các sản phẩm gia dụng, mây tre nứa lá đã nhanh chóng bị thay thế bởi ni lông, đồ nhựa, kim loại... Kể cả gốm sứ, người ta đã dùng các quy trình hóa học, vật lý để tạo phủ lên đó vô số màu sắc, hình họa, thậm chí cả dát vàng, dùng quy trình sản xuất công nghiệp để tạo ra năng suất cao, hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất có thể... Kể ra để thấy, những dòng gốm thủ công như ở Yang Tao muốn tồn tại, phát triển không phải là điều dễ dàng.
Nghệ nhân M’nông ở làng gốm Yang Tao. Ảnh: Hữu Hùng |
“Giữ lửa” cho dòng gốm Yang Tao trước hết phải bắt đầu từ việc đào tạo nghệ nhân. Hiện nay, chỉ với nhóm nghệ nhân ít ỏi thì khó hình dung được tương lai của nghề gốm truyền thống ở đây. Cần khơi dậy đam mê và trao truyền kỹ thuật cho thế hệ trẻ thì mới mong nghề gốm không thất truyền và đó là chìa khóa cho việc mở ra cơ hội.
“Giữ lửa” cho nghề gốm truyền thống ở Yang Tao còn là việc quảng bá, giới thiệu, đa dạng hóa sản phẩm, sáng tạo các sản phẩm mới mà vẫn không làm mất đi “hồn cốt” của dòng gốm thủ công. Việc này khó nhưng không phải không làm được.
Từ năm 2018, tại Festival gốm Thanh Hà - Hội An, sản phẩm gốm Yang Tao của người M’nông Rlăm đã được khách tham quan triển lãm đánh giá cao, nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Ông Lê Anh Kiệt, người sáng lập Exsquisite Cultural Gallery ở Hội An, rất am hiểu về gốm đã từng thảng thốt khi lần đầu nhìn thấy gốm Yang Tao. Ông nói, không nghi ngờ gì nữa, đây là “dòng gốm bước ra từ quá khứ”.
Tại các Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm gốm Yang Tao cũng được du khách chú ý, nhiều người đã tìm mua. Năm 2021, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ở huyện Lắk, Ban tổ chức đã đặt hàng các nghệ nhân Yang Tao chế tác hơn 200 con voi làm bằng gốm làm quà tặng các đại biểu. Như vậy, những cơ hội đang lần lượt mở ra. Chỉ cần chính quyền, các tổ chức cũng như nghệ nhân biết cách thức làm, mạnh dạn và sáng tạo trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nói như cách các nhà kinh doanh bậc thầy, cứ gõ đi rồi cửa sẽ mở…
Nguyễn Thị Triều
Ý kiến bạn đọc