Multimedia Đọc Báo in

Toạ đàm “Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những hướng đi”

18:11, 24/07/2022

Ngày 24/7, Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Hội Văn học Nghệ tỉnh Đắk Nông, Gia Lai tổ chức chương trình Tọa đàm “Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những hướng đi”.

Tham dự chương trình có nhà văn Cao Duy Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; cùng các trại viên Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng” năm 2022…

Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp thể hiện cách nhìn sâu sắc, chân thực về đội ngũ, cũng như chất lượng thơ ca trong đời sống hôm nay của văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Theo đánh giá chung, văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên hiện nay đã xuất hiện các cây bút trẻ có nội lực, có những sáng tác gây được tiếng vang, nhưng không nhiều. Hơn thế, đội ngũ này lại không bền vững do những yếu tố khách quan nên dường như không theo đuổi sự nghiệp văn chương.

Các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, giao lưu và trao đổi về nghiệp vụ bên lề tọa đàm.

Các đại biểu cho biết thêm, “mảnh đất” văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số Tây Nguyên rất màu mỡ, tuy nhiên các tác giả lại chưa khác thác được ưu điểm này; nội dung chưa phản ánh hết được những vấn đề “nóng” trên địa bàn Tây Nguyên; ít có sự bứt phá, chưa tạo được những ấn tượng mạnh mẽ, và chưa có những tác phẩm đặc sắc ghi dấu ấn như những gì mà trước đó đã từng có; thiếu vắng tác phẩm viết về công cuộc đổi mới; thế hệ trẻ hiện nay ít quan tâm hoặc thờ ơ đến văn hoá các dân tộc ở Tây Nguyên…

Nhà văn Linh Nga Niê Kđăm chia sẻ một số nội dung về người viết thơ trẻ tại Tây Nguyên. 

Trước thực tiễn đó, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu… đã đưa ra những đề xuất, đề nghị như phát động cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, thơ về Tây Nguyên, mở trại sáng tác, đi thực tế, có cơ chế quảng bá các tác phẩm về Tây Nguyên, mở chuyên trang về văn học, nghệ thuật dân tộc thiểu số Tây Nguyên trên tạp chí… Các thế hệ đi trước, các Hội Văn học Nghệ thuật cần quan tâm nhiều hơn nữa, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tạo trẻ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu, với hy vọng đưa văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tương lai; đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật của quê hương, góp phần tạo nên dòng chảy tinh thần phong phú trong đời sống văn hóa, nghệ thuật.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc