Nhìn lại “Âm vang đại ngàn”
Trung tuần tháng 7 năm nay, Chương trình “Âm vang đại ngàn” vừa tròn 6 năm ra mắt phục vụ công chúng và du khách đến Đắk Lắk với các hoạt động nghệ thuật: Hòa tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống; Hát múa dân gian; Giao lưu với khán giả thông qua nghi thức mời rượu cần và thực hành các loại nhạc cụ dân tộc cùng nghệ nhân, nghệ sĩ thực hiện chương trình.
Chương trình trên ra mắt từ trung tuần tháng 7/2017, đến nay đã tổ chức được gần 90 show diễn với hơn 500 tiết mục nghệ thuật đặc sắc (không kể gần hai năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên tạm dừng), đem lại cho người thưởng lãm nhiều cảm xúc khó quên, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng, đính kèm nghi thức trình diễn di sản văn hóa tiêu biểu này.
Nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk - Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô cho hay, hai năm đầu (2017 - 2018), Đoàn được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện “Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách” theo chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VH-TT&DL và anh em nghệ sĩ đã thống nhất lấy tên “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” làm tên gọi chính thức và xuyên suốt cho chương trình.
Chất liệu nghệ thuật để dàn dựng “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” chủ yếu dựa trên vốn văn hóa - nghệ thuật truyền thống của các tộc người thiểu số Tây Nguyên, trong đó chủ đạo vẫn là dân tộc Êđê và M’nông với những tiết mục: Hòa tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc (đàn T’rưng, đàn đá, chinh Kram, kèn đing năm, đing tút, đing pơng, tạc tà và sáo vỗ…) kèm những điệu múa hát dân gian được cách điệu và sáng tạo thêm.
“Đắk Lắk – Âm vang đại ngàn” cần phải gắn liền với nghi thức lễ hội truyền thống của các tộc người tại chỗ. Ảnh: Hữu Hùng |
Trong khoảng thời gian này, chương trình được công chúng và du khách đón nhận như một sản phẩm du lịch thuần túy với hoạt động trình diễn nghệ thuật trên sân khấu ước lệ. Vì thế âm vang (và cũng là thông điệp) chủ đạo là Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên chưa thật sự mang lại cho người thưởng thức cảm xúc chân thật và trọn vẹn. Sau 29 đêm ra mắt tại khuôn viên Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du - TP. Buôn Ma Thuột, sau đó chuyển đến Trung tâm Văn hóa tỉnh), ngành văn hóa cùng đơn vị đứng ra thực hiện chương trình đã có buổi họp đánh giá, nhìn nhận mức độ lan tỏa của sản phẩm du lịch này để có sự điều chỉnh và bổ sung nội dung chương trình phù hợp, hiệu quả hơn.
Nhiều ý kiến góp ý được nêu ra, trong đó gợi mở của nghệ sĩ Y Kô Niê, Phó Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk được nhiều người chú ý và đồng tình, rằng diễn tấu cồng chiêng trong “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” cần phải gắn liền với nghi thức lễ hội truyền thống nào đó của các tộc người tại chỗ. Có như vậy mới tạo ra “môi trường thiêng” cho cồng chiêng cất tiếng, truyền đi thông điệp/cảm xúc đến với người tham dự; và trong không gian ấy mới lôi cuốn mọi người, nhất là du khách phương xa có điều kiện, cơ hội cảm nhận và hiểu thêm về Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.
Diễn tấu cồng chiêng trong Chương trình "Âm vang đại ngàn". Ảnh: Hữu Hùng |
“Đưa nghi lễ vào “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” đã tạo ra cách tiếp cận cũng như cái nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung trong bối cảnh giao lưu và hội nhập hiện nay. Hy vọng trong các kỳ biểu diễn tiếp theo, không gian “thiêng” ấy tiếp tục được tái hiện để cồng chiêng phản ánh chân thật, sâu sắc về đời sống giàu bản sắc của các tộc người tại chỗ; đồng thời làm nên thương hiệu du lịch đặc sắc thu hút thêm nhiều du khách trong nước và quốc tế đến với vùng đất này”. Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô
|
Có thể nói gợi mở trên đã thúc đẩy Chương trình “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” lan tỏa và đi xa hơn mục tiêu đề ra ban đầu là trở thành một sản phẩm du lịch giải trí về đêm ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhạc sĩ Y Phôn Ksor, người tham gia xây dựng và thực hiện chương trình này trong hơn 3 năm đầu chia sẻ: Một khi có “môi trường thiêng” thì âm vang cồng chiêng trở nên khác hẳn, du khách thích thú, cộng cảm hơn. Qua đó, du khách không những được đáp ứng/thỏa mãn nhu cầu thưởng thức âm nhạc cồng chiêng như sản phẩm du lịch thuần túy, mà còn giúp họ cảm nhận đầy đủ, sâu sắc hơn về di sản văn hóa này. Đây quả là thành công “hai trong một”, bởi chương trình trên vừa phục vụ du lịch, vừa góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đúng với bản chất và tinh thần mà UNESCO đã vinh danh.
Đến nay, nhiều người tham dự Chương trình “Đắk Lắk - Âm vang đại ngàn” nhận xét: Qua mỗi kỳ tổ chức thì những giá trị cốt lõi của Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên hiện ra đầy đủ, sinh động hơn. Từ đó được công chúng cũng như khách du lịch đến đây tiếp nhận, ứng xử với thái độ hiểu biết, trân trọng hơn, nhờ chương trình đã tìm được hướng đi đúng nghĩa, gìn giữ được bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu, đại diện nhất cho các cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Nói như ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó là nghi lễ, lễ hội, phong tục và tín ngưỡng truyền thống. Ở đó, chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục, đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua nghệ thuật trình diễn, gắn với hoạt động hát múa dân gian độc đáo và đặc sắc của nhiều tộc người ở đây cũng được chuyên chở, thăng hoa trong tâm hồn mọi người khi tham dự chương trình.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc