Multimedia Đọc Báo in

Sắc màu truyền thống và hiện đại trong “Những bức tranh Bazan đỏ”

16:43, 31/07/2022

Từ chất liệu dân gian Tây Nguyên hòa quyện cùng ca múa hiện đại, các nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk đã xây dựng chương trình nghệ thuật “Những bức tranh Bazan đỏ”, mang đậm sắc màu văn hóa của vùng đất Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

“Những bức tranh Bazan đỏ” là chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2022, đợt 2.

Bà Kpă Tố Nga, Trưởng đoàn Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk cho hay: “Thông qua chương trình nghệ thuật này, chúng tôi gửi gắm đến công chúng thông điệp, sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại sẽ là một trong những nền tảng bảo tồn âm nhạc của Tây Nguyên nói chung và âm nhạc Đắk Lắk nói riêng. Vì thế, các tác phẩm sử dụng trong chương trình đều giàu chất liệu dân gian, pha trộn yếu tố hiện đại, đã vẽ nên bức tranh tươi đẹp về mảnh đất Tây Nguyên giàu bản sắc thông qua lời ca tiếng hát, âm nhạc và vẻ đẹp hình thể”.

Tiết mục múa "Linh thiêng đại ngàn" của chương trình nghệ thuật “Những bức tranh Bazan đỏ”.

Đơn cử như trong bản hòa tấu dàn nhạc “Knăm Hgơr còn thương nhau thì về”, với những tiết tấu truyền thống là âm thanh vang vọng từ trống Hgơr, chiêng Knah hòa cùng với tiếng trống jazz của âm nhạc hiện đại, tạo nên những tiết tấu sôi nổi của núi rừng, buôn làng, phố phường trên cao nguyên. Đó còn là những tiết tấu mạnh mẽ, nhộn nhịp trong thời kỳ hội nhập với bạn bè quốc tế, tạo mạch nối liền giữa hiện tại với quá khứ. Hay câu chuyện tình yêu đậm chất sử thi, của con người với con người, con người với thiên nhiên qua sáng tác “Cuộn vào nỗi nhớ” của nhạc sĩ Nguyễn Cường; là vẻ đẹp của buôn làng, quê hương qua ca khúc “Buôn làng tôi” của Y Cel Niê… đưa người nghe đắm chìm vào nỗi nhớ, niềm thương về một miền đất cao nguyên ấm áp và giàu bản sắc.

Đặc biệt phải kể đến những tác phẩm múa, sử dụng chất liệu dân gian như nét văn hóa truyền thống làm cốt truyện, thông qua ngôn ngữ hình thể, các diễn viên đã mang đến những tiết mục đầy tính nghệ thuật nhưng vẫn rất gần gũi và ý nghĩa. Như tiết mục múa “Hồn đất mẹ” được sáng tạo dựa trên câu chuyện về nghề làm gốm của dân tộc M’nông dưới dãy núi Chư Yang Sin, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của nghệ nhân. Thông qua những điệu múa, công chúng phần nào hiểu và biết được đây là một nghề truyền thống lâu đời do phụ nữ đảm nhận chính từ lúc lấy đất cho đến lúc nung thành sản phẩm. Từ chất liệu thực tế đời sống đã nâng tầm trở thành một tác phẩm nghệ thuật thu hút người xem.

Tiết mục múa “Hồn đất mẹ” được sáng tạo dựa trên câu chuyện về nghề làm gốm của dân tộc M’nông dưới dãy núi Chư Yang Sin.

Tiết mục “Ơi Dam! Hỡi những chàng trai” với chất liệu múa dân gian dân tộc Êđê, biên theo phong cách hiện đại ca ngợi nét đẹp thể chất và tinh thần của những chàng trai dân tộc Êđê, đương tuổi đôi mươi nhựa sống căng tràn, với cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh, nước da sạm nắng nâu đồng, đôi tay khỏe mạnh dang rộng như đôi cánh đại bàng chinh phục những ngọn núi cao, đôi chân nhanh nhẹn thoăn thoắt vượt qua trùng điệp núi đồi... với niềm tự hào dân tộc, khát vọng tương lai, họ đã cùng chung tay xây dựng cuộc sống buôn làng ngày càng sung túc, ấm no.

Mỗi tác phẩm không chỉ mang ý nghĩa riêng mà nằm trong một tổng thể chương trình “Những bức tranh Bazan đỏ”, khẳng định âm nhạc truyền thống của Đắk Lắk là cầu nối gắn kết các địa phương với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần làm sâu sắc hơn về tiềm năng, lợi thế và sức mạnh văn hóa của 49 dân tộc cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau trên vùng đất Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên hội đồng nghệ thuật Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2022, đợt 2 khẳng định: "Đắk Lắk có một tiềm năng về kho tàng âm nhạc dân gian, những bài hát mang tính truyền thống dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc Êđê rất phong phú. Những sáng tác mới cộng với những chất liệu dân tộc đã tạo nên chương trình rất phong phú và đặc biệt hấp dẫn".

Các tác phẩm trong chương trình nghệ thuật “Những bức tranh Bazan đỏ” tham gia Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc năm 2022, đợt 2 đã được Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk biểu diễn tại các chương trình trong và ngoài tỉnh; giới thiệu vẻ đẹp bản sắc văn hoá Tây Nguyên qua nghệ thuật đến đông đảo công chúng.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.