Multimedia Đọc Báo in

Có một con đèo chưa “bén duyên” với văn chương

08:32, 28/07/2022

Hôm nọ, trên đường từ Buôn Ma Thuột đi dự trại sáng tác văn học nghệ thuật ở Nha Trang, khi mọi người đang chăm chú ngắm cảnh đèo Phượng Hoàng qua cửa sổ xe khách, anh bạn ngồi bên bỗng nêu thắc mắc, hình như chưa có tác phẩm thơ văn nào viết về con đèo này.

Thấy ý kiến hay, tôi liền vận hết trí nhớ và hiểu biết của mình để kiểm chứng điều anh bạn thơ vừa nói. Ờ nhỉ, có lẽ anh nói trúng. Nhiều con đèo nổi tiếng đã đi vào thơ ca. Còn đèo Phượng Hoàng thì…

Tới Nhà sáng tác Nha Trang, ổn định chỗ ăn nghỉ xong, tôi ngồi vào bàn làm việc ngay, lục tìm trong trí nhớ, trong các nguồn tư liệu rồi cậy cả anh “Gúc gồ” nổi tiếng uyên bác, để mong chứng minh điều anh bạn đã nói hồi sáng thì quả đúng thế thật. Phượng Hoàng – một con đèo chưa bén duyên với văn chương.

*

Rất nhiều con đèo trên khắp dải đất hình chữ S này, ít thì cũng gắn với một truyền thuyết, một câu chuyện kinh dị về người và thú, còn không thì đã đi vào thơ văn từ cổ chí kim.

Đầu tiên phải kể đến đèo Ngang với bài thơ rất nổi tiếng của Bà Huyện Thanh Quan mà hầu như ai cũng thuộc nằm lòng từ hồi còn học phổ thông: “Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,/Cỏ cây chen đá, lá chen hoa./Lom khom dưới núi, tiều vài chú,/Lác đác bên sông, chợ mấy nhà./Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc,/Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia./Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,/Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Một góc đèo Phượng Hoàng. Ảnh: Hữu Hùng

Nhưng chiếm vị trí số một trong thi ca phải là đèo Hải Vân – con đèo được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, án ngữ trên con đường xuyên Việt – nơi chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử thời mở cõi của cha ông; là phên giậu phía nam của nước Đại Việt. Có lẽ vì thế mà đèo Hải Vân đã đi vào văn chương từ rất lâu.

Biết bao danh sĩ đã viết, đã suy ngẫm về Hải Vân quan, từ Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng, Thích Đại Sán, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát,… đến Phan Bội Châu, Nguyễn Thông, Ông Ích khiêm, Trần Cao Vân, Tản Đà,... Trong số đó, sớm nhất và cũng là người đầu tiên cảm khái, nhận chân được tầm vóc giá trị của Hải Vân quan là Vua Lê Thánh Tông với bài thất ngôn “Hải Vân Hải môn lữ thứ” (Qua cửa biển Hải Vân) viết vào năm 1471 - sau nhiều ngày chinh phạt đất Chiêm trở về ngủ lại trên đỉnh đèo: “Giang sơn trọn bức dư đồ/Hải Vân giang rộng mở cờ vượt Nam/Đồng Long vằng vặc trăng nằm/Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh/Người Di hẹn đất dâng lên/Khổ thân viên tướng giữ nền biên cương/Sá chi sống chết sa trường/Ban Siêu chín suối thẹn nhường được sao?” (bản dịch của Nguyễn Thiếu Dũng).

Hải Vân quan còn xuất hiện trong thơ Huỳnh Mẫn Đạt: “Sườn non dựng ngược đá cheo leo/Vén mây muốn bước lên trên tót/Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo” (Lên đèo Hải Vân); trong thơ Trần Bích San: “Ba năm ba chuyến vượt đèo/Cánh chim qua lại nhẹ vèo biển mây…/Ải Tần đừng nói chông gai/Ngựa chen mây Hải Vân đài nở hoa” (Ba lần qua Hải Vân) thế kỷ 19, hay thơ Tản Đà đầu thế kỷ 20: “Hải Vân đèo lớn vừa qua/Mưa xuân ai đã đổi ra nắng hè”.

Hải Vân quan quả thật không hổ danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan” như người xưa đã nói.

Còn đèo Cả - nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên (thị xã Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh) trên Quốc lộ 1A – cũng đã đi vào thơ ca với bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan: “Đèo Cả!/Đèo Cả!/núi cao ngất/mây trời Ai Lao/sầu đại dương/dặm về heo hút/Đá bia mù sương”.

Đèo Ba Dội (tên chữ là Tam Điệp) là một địa danh nằm trong vùng nhất bách lục sơn tức là 106 quả núi điệp trùng, nơi tiếp giáp giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình.

Nhắc đến đèo Ba Dội không thể không nhớ tới bài thơ cùng tên của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Một đèo, một đèo, lại một đèo,/Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo./Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,/Hòn đá xanh rì lún phún rêu”...

Ngược lên Việt Bắc, Tây Bắc, nơi có nhiều con đèo gắn bó với bao gian khổ, thử thách và cả những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã đi vào thơ Tố Hữu như đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, đèo De… với những hình ảnh rất lãng mạn: “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”; “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”.

Trở lại Tây Nguyên, vùng đất có nhiều con đèo nổi tiếng bởi cảnh sắc hùng vĩ của tự nhiên, nhưng cũng khiến du khách không khỏi thót tim mỗi khi ngồi trên xe vượt đèo.

Viết sớm nhất về đèo dốc Tây Nguyên có lẽ là Tố Hữu. Dù thơ ông không nêu đích danh nhưng người đọc cũng hình dung được hình ảnh thơ nói về con đèo nào trong bài “Tiếng hát đi đày”: “Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao/Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh”. Thì còn ai vào đây nữa nếu không phải là đèo Lò Xo nổi tiếng?

Và đây là hình ảnh đèo An Khê trong thơ Thiên Lý: “Thăm thẳm đường về nơi xứ xa/Trời đông nghiêng ngả bóng chiều tà/Đèo cao đón khách, rừng reo gió/Lẽ bóng viễn hành núi với ta ...” (Qua đèo An Khê).

Người viết bài này cũng may mắn có được mấy dòng về con đèo từng ám ảnh du khách những năm tám, chín mươi thế kỷ trước, với những vụ tai nạn lật xe thương tâm: “Đèo cao thưa thớt người xe/Chập chùng mây núi, bốn bề mưa giăng... /Xe leo quanh dốc cua đèo/Mà lòng vời vợi mơ theo đồng bằng!” (Nguyễn Duy Xuân, Qua đèo An Khê).

Một cán bộ địa chất từng công tác ở Pleiku - tác giả Trịnh Kim Hiền - đã có một câu thơ rất gợi, rất ấn tượng về con đèo độc đáo này trong bài thơ “Về thăm biển”: “Quà cho em thơ viết chưa xong/Đêm vùng biển chập chờn thức ngủ/Nghe gió trở mắt chợt bừng dậy nhớ/Đèo An Khê cuộn rối một con đường”. “Đèo An Khê cuộn rối một con đường” – phải là người yêu con đèo lắm lắm thì mới có thể sáng tạo được một hình ảnh đắt giá như thế.

Đèo Mang Yang - tiếp nối đèo An Khê trên quốc lộ 19 - trong thơ Trần Bảo Định mang vẻ đẹp huyền ảo, hùng vĩ của đại ngàn Tây Nguyên: “sương giăng mờ phố núi/mây mù ôm Mang Yang/chiều mùa đông mưa bụi/rét mướt giữa đại ngàn/Trường sơn xòe cánh quạt/sông bỏ dọc, chảy ngang/vượt qua muôn ghềnh thác/trôi về biển gian nan…” (Qua đèo Mang Yang).

Đèo Bảo Lộc trong thơ Trần Dzạ Lữ đầy tâm trạng: “Tưởng như thác đổ trong tôi/Qua đèo Bảo Lộc mưa rười rượi mưa,…/Tưởng như thác đổ trong lòng/Tôi về, em ở sầu chong chóng đời/Hết đèo mưa vẫn còn rơi/Níu khăn áo cũ, thương người tri âm…” (Mưa trên đèo Bảo Lộc).

Còn đèo Phượng Hoàng thì sao. Một con đèo mang cái tên rất “sử thi” của Tây Nguyên. Độ hiểm nguy, hùng vĩ thì có thể nói ít có con đèo nào sánh bằng. Vậy mà…

Tôi lục tìm mọi nguồn tư liệu, kể cả anh “Gúc gồ” uyên bác, nhưng… tuyệt vọng.

Chỉ có những tư liệu địa chí về con đèo cùng những bài viết mang tính chất giới thiệu nó như một điểm du ngoạn độc đáo ở Tây Nguyên, hay chuyện hồi ức của các cựu quân nhân một thời tham gia các trận đánh ác liệt trên đèo Phượng Hoàng. Thơ văn ca ngợi vẻ đẹp của con đèo nổi tiếng nhất nhì Tây Nguyên thì gần như… vắng bóng.

Tôi cứ day dứt bởi câu hỏi, một con đèo hùng vĩ thế sao không lọt vào mắt xanh của thi sĩ?

Tìm kiếm mãi rồi cuối cùng tôi cũng “mò” ra được một bài thơ của tác giả Nguyễn Thanh Khiết đăng trên một trang mạng cá nhân. Bài thơ có tựa đề “Chia tay dưới đèo”: “chiều đã tắt mưa mù góc núi/em về đi anh sẽ qua đèo/còn dấu môi ướt lệ mang theo/mai mốt nắng sẽ khô niềm nhớ/gặp nhau chi rừng ngàn trắc trở/xa nhau mịt mờ bóng sương tan/đèo Phượng Hoàng mây xé khăn tang/em về phố anh còn đứng ngóng/tuổi năm mươi qua đèo vô vọng/chẳng mấy khi về lối cỏ xưa/em đừng đợi anh đâu dám hứa/đi lâu mau cũng phải qua đèo”.

Có lẽ đây là tác phẩm duy nhất viết về đèo Phượng Hoàng chăng?

Hôm ngồi trên xe khách, lúc leo đèo ấy, anh bạn thơ đi cùng hứa sẽ viết về Phượng Hoàng sau một cuộc đi xe máy đến tận nơi du khảo thật kỹ càng về nó.

Hy vọng một ngày không xa, bạn đọc sẽ được thưởng thức tác phẩm của anh – một nhà thơ Tây Nguyên viết về con đèo nổi tiếng nơi quê hương thứ hai của mình.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Gọi tháng năm xưa
15:18, 26/07/2022
Lối chiều
15:17, 26/07/2022
Mộ sóng
15:17, 26/07/2022
Lời mẹ với Gạc Ma
08:52, 24/07/2022
(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.