Tây Nguyên qua không ảnh xưa
Không ảnh là ảnh chụp từ trên cao. Không ảnh ra đời từ khi có sự xuất hiện của hàng không, máy bay, khinh khí cầu. Những bức không ảnh xưa được thực hiện ở nhiều địa bàn Tây Nguyên thực sự là di sản quý giá trong kho tàng di sản tư liệu.
Đà Lạt có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng. Vùng đất này càng đẹp hơn khi được ngắm nhìn từ trên cao qua ống kính máy ảnh. Nhiếp ảnh gia Đặng Văn Thông (làm nghề ảnh từ năm 1950) chụp bức ảnh “Đà Lạt 1960”. Đây là bức không ảnh đầu tiên chụp TP. Đà Lạt. Bức ảnh đen trắng, chụp Trường Lycée Yersin (nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt), xa xa là hồ Xuân Hương và đồi Cù thơ mộng với những đường cong tuyệt mỹ.
Không ảnh khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột năm 1960. Ảnh: Tư liệu Internet |
Năm 1969, Tom Petersen, cựu nhân viên quân sự Mỹ chụp nhiều bức ảnh rất ấn tượng ở xứ sở ngàn hoa. Ta được thấy trong các khuôn hình cảnh chợ Đà Lạt nhộn nhịp, vẻ đẹp của thác Cam Ly, nét bình yên của cuộc sống vùng nông thôn… Đặc biệt thú vị là những bức không ảnh như toàn cảnh hồ Xuân Hương, cánh đồng chuyên canh rau và hoa… Hồ Xuân Hương nhìn từ trên cao giống như chiếc ủng màu xanh dịu mờ, xung quanh là đồi núi trập trùng.
Mặc dù đây là vùng trung tâm Đà Lạt nhưng thời điểm ấy, cảnh quan còn hoang sơ, nhà cửa, công trình, đường sá còn rất thưa thớt. Nhìn vào góc trái bên trên bức ảnh còn thấy cả một vùng “đất trống đồi trọc”, không có ngôi nhà nào. Chỗ này về sau được quy hoạch thành đồi Cù nổi tiếng dọc bên bờ hồ. Những khuôn hình bắt mắt là cánh đồng, rẫy nương trồng hoa và rau quả của Đà Lạt. Trên nền đất đỏ bazan hiện lên từng ô, từng tấm thảm xanh xen lẫn những mái nhà dân và ngôi nhà thờ, thể hiện sức sống, sự trù phú của vùng đất phía nam Tây Nguyên.
Vùng bắc Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai cũng được ghi lại qua nhiều bức ảnh tư liệu thời chiến tranh. Trong những năm từ 1970 - 1971, cựu binh Mỹ Gary Cantrell đã chụp rất nhiều ảnh về buôn làng, phố xá, con người, cảnh quan nơi đây; đặc biệt là những bức không ảnh chụp trung tâm thị xã Pleiku, thị xã Kon Tum, núi Hàm Rồng, đường đèo Mang Yang, nông trại xung quanh thị xã, các buôn làng vùng ven…
Thật thú vị khi được ngắm lại những làng dân tộc Xê Đăng ngày xưa với kiến trúc nhà cửa đặc trưng của buôn làng cổ truyền xứ Thượng. Những ngôi nhà sàn mái tranh vách nứa nằm song song, gần sát nhau, nhà rông nằm chính giữa, xung quanh là hàng tre, cây cối xanh mát, có hàng rào kiên cố bảo vệ làng.
Núi lửa Hàm Rồng ở tây nam thị xã Pleiku được chụp với góc rộng, bao quát cả vùng, thấy đường nhựa đẹp chạy dài, sau này là Quốc lộ 14. Trong ảnh là cả một vùng đồi trọc hoang vu, không thấy một bóng nhà.
Những bức không ảnh chụp phong cảnh vùng bắc Tây Nguyên cũng ẩn chứa những nét đẹp và thông tin độc đáo. Đó là quang cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ như bức ảnh chụp đèo Mang Yang, dòng suối xanh ngắt uốn lượn qua dãy núi đá Đắk Tô, những nông trại trồng chuối mới khai phá còn tươi màu đất mới.
Bức không ảnh chụp khu vực trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột vào năm 1960 khá ấn tượng. Trong ảnh thấy nổi bật là những bungalow - công trình do kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa thiết kế cho cựu hoàng Bảo Đại...
Đây là nhà nghỉ trước và sau những chuyến đi săn của nhà vua và đoàn tùy tùng. Trong chiến tranh chống Mỹ, công trình này là trụ sở của Ủy ban quân sự 4 bên ICCS. Công trình mang phong cách kiến trúc nhà dài Êđê, gồm 3 ngôi nhà bề thế nằm song song, có một lối đi liên thông giữa những ngôi nhà. Mặt tiền các ngôi nhà nhìn ra sân vận động với một không gian thoáng đãng.
Đáng tiếc, cụm bungalow này đã bị thiêu hủy sau một tai nạn hỏa hoạn vào năm 1969. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp có giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa; nếu không bị thiêu hủy, nó sẽ là di tích lịch sử, di sản văn hóa quý báu của tỉnh Đắk Lắk ngang với di tích Biệt điện Bảo Đại hiện nay.
Không ảnh buôn làng Êđê với nhiều ngôi nhà dài. Ảnh: Tư liệu Internet |
Công ty Hàng không 72 Mỹ, một trong những nhà thầu khảo sát và xây dựng phục vụ quân đội Mỹ đã chụp nhiều bức không ảnh tại Đắk Lắk. Như bức ảnh chụp cảnh quan tuyệt đẹp nhìn từ trên cao của một buôn làng người Êđê vào năm 1966 ở phía đông Buôn Ma Thuột.
Bức ảnh cho thấy rất nhiều ngôi nhà dài của các hộ gia đình bố trí song song nhau. Bên cạnh nhà dài, trong buôn có nhiều ngôi nhà ngắn, nhỏ, có thể là kho chứa lương thực, được bố trí tách biệt với nhà ở nhằm đề phòng hỏa hoạn. Xung quanh buôn làng có đến hai lớp hàng rào bảo vệ. Phía bên trái của bức ảnh cho thấy con người nương tựa vào rừng núi đại ngàn, cây cối rậm rạp, xanh tươi ôm ấp một ngôi làng nguyên sơ, chưa có sự xáo trộn, biến đổi do tác động của bên ngoài.
Những bức không ảnh chụp ở Tây Nguyên qua các thời kỳ, giai đoạn khác nhau chẳng những có giá trị về nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều thông tin thú vị. Qua không ảnh có thể thấy được sự biến đổi của về cảnh quan, công trình kiến trúc, đường sá, cây xanh, buôn làng vùng cao nguyên; giúp người đương thời có sự đối sánh xưa và nay qua tư liệu hình ảnh.
Vì vậy, các viện bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân, những người làm công tác quy hoạch, kiến trúc vùng nông thôn, đô thị, người biên soạn địa chí đều xem không ảnh là chất liệu, di sản quý báu của quá khứ để giữ gìn, bồi đắp sắc màu, hình ảnh cho hiện tại và tương lai vùng đất Tây Nguyên.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc