Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng TP. Buôn Ma Thuột năm 2022: Đôi điều ghi nhận

08:43, 21/08/2022

Liên hoan Nghệ thuật quần chúng TP. Buôn Ma Thuột lần thứ III - 2022 vừa qua có thể nói là thành công ngoài mong đợi của Ban tổ chức.

Thành công không chỉ bởi đây là lần đầu tiên lực lượng tham gia đầy đủ 21 xã, phường (còn có thêm Câu lạc bộ đàn tính – hát then) với gần 700 diễn viên không chuyên, mà còn bởi có rất nhiều điều bất ngờ, thú vị diễn ra trong chương trình biểu diễn của các đoàn.

Mặc dù chỉ có 11/22 đoàn xây dựng chương trình có chủ đề, nhưng nội dung của 107 tiết mục đều tập trung vào tiêu đề chính của Liên hoan là “Giai điệu Tổ quốc”. Tuy mỗi đoàn chỉ 5 tiết mục nhưng phải đủ các thể loại Ban tổ chức yêu cầu: đơn, song, tốp ca, hát, múa, tấu nhạc; với các đề tài ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, dân tộc, dân ca, dân vũ…, các di sản văn hóa đã được quốc tế ghi danh như cồng chiêng Tây Nguyên, hát then – đàn tính Tày, xòe Thái… đều được phát huy.

Mặc dù tại Liên hoan năm nay không xuất hiện những giọng hát trẻ xuất sắc, nhưng các giọng ca “chạm” được đến tâm hồn người nghe cũng không ít, bởi sự sáng tạo, sức truyền cảm, thậm chí là tinh tế như các tiết mục: “Bóng cây Knia” (xã Ea Kao), “Con trâu” (xã Hòa Xuân), “Có một thời như thế” (phường Thành Nhất), “Tổ quốc gọi tên mình” (phường Tân Hòa); trình diễn rất có duyên, có phong cách dễ thương như tam ca “Đồng đội” (phường Tân Thành), “Bài ca quê hương” (phường Thành Nhất), “Thơ tình của núi” (phường Khánh Xuân)… Những tiết mục hát khác, tuy có sự nỗ lực nhưng chưa vượt qua được chính mình để làm rung động tâm hồn và trái tim người nghe, hoặc tốp ca, tam ca nhưng không có bè, hát cùng nhau một giọng từ đầu đến cuối...

Tiết mục của Đoàn nghệ thuật quần chúng xã Hòa Khánh biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Ánh Ngọc

Múa là thể loại được khai thác tối đa trong hội diễn năm nay với 48/107 tiết mục múa, kể cả múa độc lập lẫn múa phụ họa. Một số tiết mục múa dàn dựng tốt, chọn nhạc phù hợp, diễn viên trình bày đẹp cả từ động tác cho đến hình thể uyển chuyển, như “Ngày mùa” (xã Hòa Xuân), “Những cánh hoa rừng” (xã Hòa Xuân), “Tây Nguyên trẩy hội” (xã Hòa Khánh), “Hồn sen Việt” (phường Tân Tiến), “Hồn chiêng” (phường Tân Lập), “Ký ức Trường Sơn” (phường Thống Nhất), “Chim Grứ” (xã Hòa Phú)… Một số múa phụ họa nâng tầm cho hát như “Hát ru” (xã Hòa Khánh), “Đất nước” (phường Tự An), “Con trâu” (xã Hòa Xuân)… Tuy vậy cũng có múa phụ họa làm hỏng cả phần ca, khi chiếm sân khấu, át cả tốp ca hay đơn ca. Thậm chí có đơn vị cả 5/5 tiết mục đều có múa. Có múa phụ họa chẳng ăn nhập gì với ca, từ trang phục cho tới động tác.

Múa của người Việt sử dụng rất nhiều phần tay, các đạo diễn lại sử dụng quá nhiều đạo cụ khiến vẻ đẹp hình thể khó phát huy. Đáng buồn nhất là một số tiết mục múa sử dụng nhạc cắt ghép từ nhiều bản nhạc không lời, vừa vi phạm bản quyền tác giả, vừa không thể trở thành một bản nhạc múa hoàn hảo để công chúng thưởng lãm cả nhìn lẫn nghe. Múa quần chúng thường lấy một ca khúc nào đó, giữ nguyên tên rồi dựng múa, dẫu chẳng minh họa, cũng chẳng phụ họa gì được cho bài hát; lẽ ra phải đặt một cái tên khác, căn cứ vào nội dung múa được dựng, rồi giới thiệu thêm “trên nền nhạc của ca khúc…” thì chính xác hơn. Hay trang phục các đơn vị thuê bị cải tiến lai căng quá nhiều, giảm hiệu quả của múa…

Thể loại nhạc năm nay, ngoài các dàn ching đồng, ching tre của các buôn, còn có sự góp mặt quý, hiếm của dàn nhạc tre nứa náo nức rộn ràng (phường Tân Lập), sáo H’mông dìu dặt (phường Tân Thành), sáo vỗ Êđê da diết toàn là diễn viên nữ (xã Hòa Thuận)… làm cho Liên hoan thêm sinh động.

Những điều hay, chưa hoàn hảo cần rút kinh nghiệm nêu trên, không phải do sự trình diễn của diễn viên, mà có lẽ ở các đạo diễn, người dàn dựng chương trình đã không sắp xếp, biên tập sao cho hợp lý, như để 2 tiết mục múa, đơn ca kề nhau, làm diễn viên lúng túng khi thay trang phục, hoặc không tạo được cao trào cho chương trình, “quên” giới thiệu tác giả ca khúc, giới thiệu quá dài dòng… dẫn đến hiệu quả không được như mong muốn. Bên cạnh đó, sự đầu tư của các địa phương cho Liên hoan không đồng đều, có đơn vị huy động được cả tài lực lẫn vật lực cho 40 - 70 diễn viên lẫn trang phục và đạo cụ hùng hậu; có đơn vị được dàn dựng ngang tầm nghệ thuật chuyên nghiệp; có đơn vị chỉ tự lực mang tới 2/5 tiết mục theo quy chế (gọi là cho có chăng?)...

Buôn Ma Thuột vốn là chiếc nôi ươm gieo tài năng nghệ thuật. Hy vọng Liên hoan Nghệ thuật quần chúng của thành phố những lần sau đông vui hơn, chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa…

H’Linh Niê


Ý kiến bạn đọc