Tình Tây Nguyên
Đầu mùa hè năm 1989, sinh viên năm thứ 3 khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế chúng tôi có một tháng thực tập trên vùng đất đỏ Ea H’leo, Đắk Lắk. Tôi cùng một cậu bạn được phân về xã Dliê Yang.
Hồi ấy mới 14 năm sau chiến tranh, mọi thứ hoang sơ đến lạ. Từ những con đường đất đỏ lầy lội vào mùa mưa; những tán rừng, trảng cỏ tranh cao vút; những bóng kơnia kỳ vĩ... cho tới con người.
Một câu chuyện đến giờ tôi vẫn không thể nào quên. Đó là những ngày cuối đợt thực tập, tôi tình cờ gặp và làm quen với một chàng trai Êđê. Cậu ấy tên là Y Sơn, đang học ngành Y ở Trường Đại học Tây Nguyên. Nguyên cớ gặp nhau thế nào tôi đã quên mất, nhưng vẫn nhớ cảnh Y Sơn dẫn tôi vào buôn đồng bào xin… rượu cần! Cái chóe rượu cần giá tiền bằng con bò, vậy mà đồng bào không ngần ngại bảo cứ đem về, mai mốt nhớ trả lại là được. Từ buôn Sek về nơi tôi ở trọ đường dốc đất đỏ trơn như mỡ, hai đứa thay nhau cõng chóe rượu nặng đầy, một tay bám vào gốc cây bờ cỏ ven đường để khỏi trượt té. Mang được “chiến lợi phẩm” về, lập tức kêu cả lũ bạn tập trung liên hoan. Lần đầu uống rượu cần, say rất lạ…
Ngày cuối cùng trước khi đoàn sinh viên kéo nhau về lại Huế, Y Sơn hỏi tôi có về Krông Pắc chơi không, nơi ấy có anh chị của Sơn, vui lắm! Tôi gật đầu cái rụp… Khi chiếc xe đò chạy khục khặc thả hai đứa xuống một ngã ba huyện Krông Pắc thì đã tầm 5 giờ chiều. Cảnh vật hoang vu. Sơn bảo nhà anh chị phía trong kia, cứ đi bộ thôi. “Phía trong kia” của chàng Êđê đơn giản chỉ là khoảng… hơn chục cây số! Giữa con đường đất đỏ hoang vu không bóng người, cây cối xung quanh rậm rì, trời mỗi lúc một tối tôi càng đi càng hoang mang, còn Y Sơn thì vẫn tỉnh như sáo. Sau không biết bao nhiêu thời gian, cuối cùng Y Sơn cũng chỉ về một căn nhà sàn nhỏ nằm giữa đồng không mông quạnh phía xa, bảo “tới nơi rồi đấy!”.
Tác giả với Y Sơn (bên trái) ở Nha Trang mùa hè năm 1989. |
Buổi tối ấy trên nhà sàn, ngoài vợ chồng anh chị Y Sơn còn xuất hiện hai thiếu nữ rất xinh đẹp tuổi chừng 16 - 17 mà Y Sơn bảo là con gái của anh chị tên là Ch’Rai và H’Vút vừa đi tập múa ở đội văn nghệ thôn về. Thế rồi, một mâm cơm được bày lên, với con gà vừa nướng xong còn bốc khói, cùng mấy món đồ ăn, và rượu cần. Tôi ngạc nhiên khi mâm cơm chỉ có tôi và Sơn, còn anh chị và hai cô con gái vẫn cứ ngồi bên bếp lửa cuối sàn. Hỏi thì cậu ta bảo mình cứ ăn đi, phong tục đồng bào là khách ăn trước, sau đó chủ nhà mới ăn sau! Tôi kiên quyết không chịu, xuống bếp nắm tay kéo mọi người lên ngồi cùng…
Bữa cơm 6 người hôm ấy kéo dài đến khuya. Khi bỏ qua những dè dặt ban đầu, anh chị bắt đầu chuyển sang nói tiếng Kinh, rành rẽ đến không ngờ. Càng bất ngờ hơn, đó lại là những trí thức, là con cháu của một dòng họ nổi tiếng ở Tây Nguyên, từng du học ở Mỹ về! Sau giải phóng, anh vướng phải quả đạn khi đang làm rẫy, bị mất một chân. Tôi nhớ sau khi thuyết một tràng bằng tiếng Êđê với mọi người, xong Y Sơn quay sang tôi nói rằng anh chị ưng rồi đó, một trong hai em Ch’Rai và H’Vút muốn lấy tôi… làm chồng!
Ở chơi thêm một ngày, rất vui, sáng sớm hôm sau chúng tôi chào tạm biệt anh chị Y Sơn để về. Dọc đường về có hai chị em Ch’Rai và H’Vút đi cùng, trên vai hai em là một bao lúa lớn và một con heo mà lúc sáng anh xuống sàn nhà bắt để sẵn. Hỏi, thì hai em bảo ra chỗ người Kinh để bán. Thế nhưng, khi bán lúa và heo xong, hai em dúi toàn bộ số tiền 60 nghìn đồng cho Y Sơn. Thấy tôi ngạc nhiên, cậu chàng lúc này mới bật cười, bảo đây là tiền anh chị cho mình đi chơi Nha Trang đó! Tôi ớ người. Mới lờ mờ nhớ rằng trong hơi men đêm trước, khi anh chị hỏi tôi thích gì thì tôi buột miệng rằng thích đi Nha Trang chơi lần đầu tiên cho biết. Dùng dằng đẩy qua đẩy lại số tiền mất một lúc, tôi mới nắm tay Ch’Rai và H’Vút, bịn rịn bảo rằng thôi coi như anh mượn của ba mẹ em, anh sẽ gửi trả sau…
Sau một tuần đi Nha Trang chơi với Y Sơn, tôi về Huế tập trung chậm mất nửa tháng, bị khoa kỷ luật. Thế rồi chừng nửa tháng sau, đã thấy Y Sơn lù lù xuất hiện trước cửa phòng ký túc xá của tôi ở Huế. Sơn bảo em vừa nghỉ hè, đi chơi thôi. Sau mấy ngày lang thang xứ Huế, lúc Sơn về, tôi giúi tay cậu 60 nghìn đồng, nhờ mang lên trên ấy trả lại cho anh chị. Tiền này khi ấy tôi phải tích cóp khá lâu, mà chưa biết cách nào gửi lên trả cho anh chị.
Chia tay nhau ở bến xe An Cựu rồi, tôi vừa đạp xe về ký túc xá đã lại thấy Y Sơn… xuất hiện. Cậu cười, dúi vào tay tôi cái quần Jean Hara màu lông chuột mới cứng, bảo em vừa mua ở cửa hàng Tổng hợp, tặng anh. Chứ mang tiền về anh chị sẽ không bao giờ nhận đâu! Trời đất ơi, Giàng ơi!...
Đã hơn 30 năm rồi, cuộc sống mải miết cuốn đi tôi chưa một lần gặp lại Y Sơn. Không biết cậu giờ đang ở đâu, anh chị và hai nàng Ch’Rai và H’Vút hiện ra sao? Nhưng cứ chập chờn mãi trong tôi cái nhà sàn, bếp lửa, tấm chân tình Tây Nguyên, và ánh mắt, nụ cười của hai nàng thiếu nữ tuổi trăng tròn nơi rừng núi hoang vu ấy.
Trần Tuấn
Ý kiến bạn đọc