Multimedia Đọc Báo in

Vấn vương mùi sách cũ

16:46, 26/09/2022

Bữa hôm trên đường tan làm, tình cờ ngang qua một cửa tiệm đề hai chữ “Sách cũ” lại nghe lòng bồi hồi bâng khuâng đến khó tả. Và nhớ, nhớ khôn xiết vấn vương mùi sách cũ còn dư vang.

Dường như đã rất lâu rồi, bạn đánh rơi thói quen lang thang nơi những tiệm sách cũ. Nấn ná thật lâu, tìm kiếm, mân mê các đầu sách hay, quý hiếm khó tìm. Mê mải đứng đó, đọc ngấu nghiến từng con chữ, đoạn văn yêu thích. Chìm đắm hoàn toàn trong thế giới sách. Chẳng hiểu từ lúc nào, bạn yêu mùi sách, mùi sách cũ, hương thơm của từng tờ giấy in đã nhuộm màu thời gian. Như một phản xạ tự nhiên, mỗi lần cầm quyển sách lên tay, hành động đầu tiên là lật giở các trang hít hà. Mùi sách cũ, thứ mùi xưa cũ như ân tình, như gắn bó tự biết cách neo đậu trong tim.

Minh họa: Trà My

Nhớ thời ấu thơ thiếu thốn, làm gì có tiền mua sách, mua truyện. Nhưng niềm mê con chữ ăn vào thịt da, hễ thấy sách báo là ngấu nghiến chạm vào, đọc như muốn nuốt trôi từng dòng. Sách, báo Nhi đồng, Hoa học trò trở thành tài sản quý giá được nâng niu gìn giữ hết mực. Bạn cẩn thận từng chi tiết, dùng băng keo dán vào phía ngoài các mép sách giữ cho chúng không trầy xước. Bạn cầm nắm, nhấc lên đặt xuống nhẹ nhàng nâng niu. Chẳng nỡ gấp cả nếp nhỏ chỉ sợ nếp hằn làm “đau”, làm xấu sách.

Thế nên mỗi lần được mẹ mua hay mang về quyển sách, dù mới cũ đều khiến đứa nhỏ hân hoan mừng vui. May mắn bởi nhà cạnh trường học cấp một. Thấu hiểu nỗi mê sách của đứa học trò, cô thủ thư thân thiết luôn tạo điều kiện cho đứa nhỏ ham đọc tranh thủ mượn sách, báo các loại. Những cuốn cũ được cho, tặng sẽ trở thành tài sản vô giá. Với ấu thơ, sách là miền cổ tích, một giấc mơ huyền ảo tuyệt đẹp chắp cánh đi tới mọi miền xa.

Dường như vô thức, hành động đầu tiên mỗi khi cầm quyển sách đều là đưa lên hít hà như tìm kiếm, như muốn níu giữ mãi hương thơm thân thuộc đó. Sách đặt trên kệ, tự nhiên ướp hương thời gian. Mang sắc màu hoài niệm, nhung nhớ. Là nơi lưu cữu hương quá khứ, dấu ấn thời gian năm tháng.

Bạn thường “hẹn hò” với chính mình trong những giờ lang thang nơi tiệm sách ướp mùa sương gió. Để nghe vẳng trầm tiếng nhạc dịu nhẹ đổ buông. Để nghe lớp áo thời gian rơi trên thếp giấy in đã ngả màu vàng vọt, con chữ đậm sắc đen bình thản giữ lại trên trang giấy.

Niềm vui nhân lên gấp bội khi bắt gặp một quyển sách của tác giả yêu thích: Thanh Lam, Nguyễn Tuân, Leptônxtôi…  Ngày đó, cạnh trường cấp ba có mấy tiệm bán sách cũ, tan học vào lúc rảnh rỗi, bạn thường lang thang từ hàng này sang hàng kia, tranh thủ đọc ké và tìm kiếm những quyển sách ưa thích may mắn có thể bắt gặp. Giá sách ngày đó vô cùng rẻ. May mắn nhờ vậy mà những đứa học trò nghèo có thể mua được sách từ số tiền học bổng ít ỏi trích từ trong số những khoản chi cho tiền trọ, tiền ăn uống hằng tháng.

Lên đại học, cạnh ký túc cũng có thật nhiều hàng sách. Bạn lớn hơn một chút, xa nhà hơn, lo toan ắp đầy hơn. Chỉ có niềm yêu sách vẫn luôn ở đó. Vẫn giữ thói quen làm bạn cùng sách, mua sách về đọc, tỉ mẩn chăm chút giữ sách thật cẩn thận.

Và bạn thường đến quán cafe sách mà chìm vào một không gian lãng đãng dễ chịu. Quán cafe của ông bà cụ bên bờ đê sông Hồng như một thư viện thu nhỏ, một kho tàng đủ loại sách Đông Tây kim cổ giá trị. Mỗi lần tới đây mải mê lạc bước trong sự bình yên. Hương thơm sách cũ, thư viện rộng lớn, mặc sức chọn cuốn sách và ngồi vào một góc tĩnh lặng đọc hay làm việc. Có lúc bạn chìm đắm vào từng câu chuyện thời xưa của ông bà, chuyện về những cuốn sách, chuyện tình yêu một thưở. Ngoài hiên mưa rả rích buông lơi còn bạn đang hoà trong thanh âm cùng sách.

Mùi sách đi cùng bạn qua biết bao năm tháng. Bạn vẫn còn luôn giữ bên mình tình yêu giản dị về mùi sách cũ mà nắm níu hồi ức, kỷ niệm không phai…

Huệ Hương
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.