Ấn tượng "Xứ sở voi"
“Xứ sở voi” là nơi chứa bộ sưu tập gồm hơn 2.000 hiện vật về con voi, được nhà sưu tập (NST) Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột) sưu tầm sau 10 năm.
Được xem là một người bạn thân thiết của con người, là biểu hiện sự trù phú, sức mạnh của buôn làng, voi đi vào đời sống và trở thành chất liệu sống động làm nên kho tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên. Thế nhưng, hiện nay số lượng voi ở Đắk Lắk nói chung và Tây Nguyên còn rất ít.
Là người con Tây Nguyên, anh Võ Minh Luân mong muốn được lưu giữ những hình ảnh về voi, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản về voi của vùng đất Tây Nguyên nói riêng cũng như các hiện vật voi cổ xưa của đất nước Việt Nam; qua đó, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ voi tự nhiên và đàn voi nhà đang ngày càng giảm dần về số lượng. Vì vậy, từ những hiện vật về voi được sưu tầm trong khoảng 10 năm nay, cùng với sự sẻ chia từ bạn bè, anh Luân đã xây dựng nên một nơi trưng bày bộ sưu tập về voi với tên gọi “Xứ sở voi”.
Anh Võ Minh Luân giới thiệu về hộp phấn trang điểm bằng gốm cổ Chu Đậu từ thế kỷ 13 – 15 có hình ảnh hai người đang săn bắt voi rừng. |
“Xứ sở voi” nằm tại buôn Đung, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được du khách ghé thăm ưu ái gọi là bảo tàng voi. Bởi nơi này có đến 2.000 tượng voi với 500 mẫu khác nhau làm từ các chất liệu khác nhau: gốm, sứ, kim loại, gỗ… thuộc các dòng gốm Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ, Bình Dương… Ngoài ra, chủ nhân của “Xứ sở voi” còn sưu tầm những vật dụng, hiện vật liên quan đến voi như dây thừng làm bằng da trâu dùng để săn bắt voi Tây Nguyên xưa, miếng đệm lót trên lưng voi làm bằng vỏ cây, tranh của các họa sĩ nổi tiếng ở Đắk Lắk chuyên sáng tác về chủ đề voi, hay gốm sứ cho đến những hiện vật có hình voi…
Để không gian trưng bày độc đáo và phô bày vẻ đẹp của hình tượng con voi, anh Luân đã dùng hơn 1.000 tượng voi thuộc dòng gốm Biên Hòa - Lái Thiêu thập niên 1970 - 1980 để tạo thành một bức tường voi, tạo ấn tượng đặc biệt với du khách. Ông Lê Văn Huân (Quảng Ninh) cho hay: “Khi được người cháu ở Buôn Ma Thuột dẫn đến “Xứ sở voi”, tôi rất ngạc nhiên và hết sức khâm phục anh Luân, người đã xây dựng nên nơi đây. Có rất nhiều mẫu voi và hình tượng về voi lần đầu tiên tôi được thấy. Có những con voi trông khá lạ, lại có xuất xứ ở Việt Nam và có giá trị về mặt thời gian…”.
Đúng như lời ông Huân chia sẻ, nhiều tượng voi hoặc hiện vật liên quan đến voi ở đây có tuổi đời khá lâu như hộp phấn trang điểm bằng gốm cổ Chu Đậu từ thế kỷ 13 – 15, trên hộp phấn có hình ảnh hai người đang săn bắt voi rừng từ thuở hoang sơ; hũ đựng kẹo gốm Dona Biên Hòa thập niên 1980, có hình tượng đàn voi trắng được trang trí xung quanh, hiện nay có một hũ tương tự được trưng bày ở Dinh Bảo Đại (Đà Lạt, Lâm Đồng). Một trong những hiện vật anh Luân yêu thích là tượng khắc họa chú voi Tây Nguyên tắm bùn được Trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm vào năm 1960. Những mảng bùn bám trên thân làm từ men Vert De Bien Hoa nổi tiếng xưa kia. Đây cũng là bức tượng voi duy nhất của Trường Mỹ nghệ Biên Hòa còn lại và giới sưu tầm đồ cổ đánh giá cao bởi thần thái của hiện vật. Hoặc, gắn liền với Tây Nguyên là hình ảnh voi và nài voi thân thiết với nhau khắc trên ché rượu cần xưa bằng gốm Biên Hòa. Anh Luân lấy hình ảnh đó làm biểu tượng cho bộ sưu tập “Xứ sở voi” của mình.
Tượng khắc họa chú voi Tây Nguyên tắm bùn do Trường Mỹ nghệ Biên Hòa làm vào năm 1960 được trưng bày tại "Xứ sở voi". |
Chia sẻ về niềm đam mê và sưu tầm hình tượng voi, NST Võ Minh Luân cho biết, Đắk Lắk là mảnh đất có nhiều huyền tích, huyền sử về voi. Nhà nước cũng đang có chính sách bảo tồn voi, vì vậy “Xứ sở voi” ra đời không đơn thuần là thỏa mãn sở thích của bản thân, mà anh sẽ đưa nơi này trở thành điểm tham quan du lịch, để lan tỏa tình yêu với voi, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu về voi gắn liền lịch sử hàng trăm năm.
Đến nay, anh Võ Minh Luân vẫn hằng ngày đi sưu tầm nhiều mẫu voi độc lạ bổ sung vào bộ sưu tập tại “Xứ sở voi”. Trong giới đồ cổ hay nói vui, anh Luân như người đi săn voi giữa thời hiện đại mang về buôn làng của mình. Nghe anh tâm sự hành trình đi "săn" voi cổ xưa của mình, người nghe lại liên tưởng đến những chiến tích săn voi của Vua săn voi Ama Kông. Ông săn voi về thuần dưỡng phục vụ sản xuất, nông nghiệp buôn làng; còn anh Luân thì "săn" voi về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa Tây Nguyên.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc