Multimedia Đọc Báo in

Lưu giữ văn hóa truyền thống

09:57, 16/10/2022

Giữa nhịp sống hiện đại, cộng đồng người Êđê Bih ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) luôn nỗ lực gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc mình qua đội chiêng nữ và dàn chiêng Jhô.

Nặng lòng với văn hóa truyền thống

Là người con của núi rừng Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của bà H’Yui Êban. Với bà, cồng chiêng không chỉ là âm nhạc truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là sự gắn kết cộng đồng, buôn làng, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc.

Say mê đánh chiêng và các điệu múa truyền thống từ ngày còn nhỏ, bà H’Yui đã cùng các chị em tìm mọi cách lưu giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Hiện nay, với vai trò là Đội trưởng Đội chiêng nữ Buôn Trấp, bà nỗ lực phát huy vai trò và trách nhiệm, thường xuyên cùng với các chị em trong đội luyện tập để đi biểu diễn vào các dịp lễ hội của địa phương nhằm truyền đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống.

Các nghệ nhân của Đội chiêng nữ Buôn Trấp truyền dạy đánh chiêng Jhô của người Êđê Bih cho thiếu nhi.

Bà bộc bạch: “Đối với người Êđê, cồng chiêng gắn bó với cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi về với tổ tiên ông bà. Đội chiêng nữ Buôn Trấp có 13 người, trong đó có 1 trống, 6 người đánh chiêng và 1 đội múa gồm 6 người.

Đội chiêng nữ Buôn Trấp khi diễn tấu chiêng Jhô sẽ mặc váy cao ngang đầu gối với nhiều hoa văn sặc sỡ. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng riêng của dân tộc Êđê Bih ở địa phương”.

Bao năm qua, bà H’Riu Hmok vẫn kiên trì, tích cực vận động con, cháu dòng họ và bà con buôn làng lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Bởi với bà, đó là phần “hồn” của buôn làng và là báu vật của cha ông để lại. Bà tâm niệm, những người biết đánh cồng chiêng dù công việc bận bịu đến đâu vẫn sẽ không quên đi cội nguồn, truyền thống, bản chất mộc mạc của người Êđê.

 

“Việc truyền dạy, thành lập các đội chiêng thiếu nhi hiện đang được địa phương quan tâm hỗ trợ thực hiện nhằm góp phần gìn giữ bản sắc này của đồng bào dân tộc Êđê Bih tại Buôn Trấp" - ông Văn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp.

Trên hành trình gắn bó với cồng chiêng, bà H’Riu ấn tượng nhất là năm 2006, Đội chiêng Jhô Buôn Trấp được cử đi biểu diễn tại Italia.

“Tham gia vào đội cồng chiêng, được đánh chiêng đã là niềm vui, được đem nét văn hóa của dân tộc mình giới thiệu đến bạn bè trên thế giới với tôi đó là niềm hạnh phúc. Khi tiếng chiêng ngân vang da diết, hùng hồn được hàng nghìn người chăm chú lắng nghe, cảm xúc lúc ấy thật sự rất xúc động và tự hào”, bà H’Riu chia sẻ.

"Truyền lửa" cho thế hệ trẻ

Hơn 3 tháng nay, nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Trấp trở nên náo nhiệt hơn vào những ngày cuối tuần khi có các em gái nhỏ đến với lớp truyền dạy cồng chiêng.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất của lớp học, em H’Uyên Êban (8 tuổi) phấn khởi: “Buổi đầu làm quen với điệu chiêng, nhịp trống, em không khỏi bỡ ngỡ. Nhưng được sự truyền dạy tận tình của các bà, các mẹ, em cùng các bạn đã làm quen và biểu diễn được một số bài đơn giản. Tiếp xúc với chiêng, được trực tiếp sử dụng, chúng em càng cảm nhận được rõ hơn nét đẹp của văn hóa truyền thống, cũng như nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Em mong mình sẽ đánh chiêng hay như các bà, các mẹ và cũng được tham gia biểu diễn vào dịp lễ hội của buôn làng”.

Đội chiêng nhí Buôn Trấp biểu diễn tại chương trình giao lưu.

Đặc biệt thích vai trò của trống Hơgơ trong dàn chiêng, em H’Doanh Êban đã nhờ các nghệ nhân hướng dẫn sử dụng loại trống này ngay từ những ngày đầu đến với lớp học.

H’Doanh chia sẻ từ nhỏ đã được xem bà ngoại biểu diễn trống Hơgơ trong các lễ hội nên em biết được nó đóng vai trò quan trọng trong dàn chiêng, giữ nhịp cho tất cả 6 chiêng còn lại cùng hòa tấu nhịp nhàng. Cũng chính vì thế, người sử dụng loại trống này đòi hỏi phải có sự cảm nhịp chuẩn xác, sao cho âm vang của trống hòa cùng dàn chiêng sẽ làm âm điệu bài chiêng thêm lôi cuốn.

Chị H’Dịu Êban, thành viên Đội chiêng nữ Buôn Trấp, người trực tiếp tham gia giảng dạy tại lớp học cho hay, lớp học đánh chiêng hiện có 18 em gái từ 8 - 12 tuổi. Cùng với sự đam mê, chăm chỉ luyện tập, từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng, đến nay các em đã nắm được kỹ thuật, biết đánh thuần thục một số bài chiêng cơ bản là Đón khách, Mừng lúa mới, Mừng sức khỏe, kết hợp học hai bài múa Mừng mùa và Cúng lúa mới.

Theo ông Văn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Buôn Trấp, với sự tuyên truyền, hỗ trợ tích cực, thường xuyên từ chính quyền địa phương, đội chiêng nữ buôn Trấp luôn được duy trì và phát huy, có lớp thành viên kế cận.

Nhiều năm qua, mỗi mùa hè, các thành viên đội chiêng lại tập hợp các bé gái trong độ tuổi tiểu học để hướng dẫn các em làm quen và học các bài chiêng để khơi dậy sự quan tâm, yêu thích cho các em.

Đội chiêng này cũng thường xuyên được mời đi biểu diễn, tham gia các hoạt động văn hóa, giao lưu trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia trình diễn trong chương trình “Âm vang đại ngàn” được tổ chức định kỳ mỗi tháng hai lần tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.