Multimedia Đọc Báo in

Nét mới lạ trong nghệ thuật tạo hình Tây Nguyên

07:50, 30/10/2022

Trong quá trình hình thành và phát triển, các dân tộc Tây Nguyên còn bảo lưu được nhiều vốn văn hóa truyền thống đặc sắc, đó là kiến trúc nhà làng, nhà ở, nhà mồ, nghệ thuật diễn xướng, ẩm thực dân gian, lễ hội truyền thống và nổi bật là nghệ thuật tạo hình.

Nghệ thuật tạo hình của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được thể hiện ở nhà làng truyền thống, nhà mồ và các sản phẩm dệt. Đó là những bức tượng tròn, phù điêu, tranh vẽ và hoa văn trang trí trên các bộ phận kiến trúc và trang phục truyền thống. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đã tạo ra những cái mới lạ so với văn hóa cổ truyền, rõ nét nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình.

Tượng bộ đội mang quân phục và tay ôm súng.

Bên cạnh những hình tượng nghệ thuật cổ xưa quen thuộc là sự ra đời của một số tác phẩm khác lạ, hiện đại. Ta dễ dàng tìm thấy sự thay đổi đó qua tác phẩm nghệ thuật trang trí ở một số bộ phận kiến trúc nhà làng, nhà mồ và các sản phẩm thổ cẩm. Chẳng hạn như hình những chiếc máy bay lên thẳng, xe cơ giới... Đồng bào đã ghi lại hình ảnh của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm qua các bức phù điêu đặt chông, bắn nỏ đánh giặc. Hoặc các bức tượng mang phong cách mới như học trò mang cặp vở đến lớp, học sinh mang khăn quàng đỏ, chú bộ đội đội mũ capi, mang súng ngắn, súng trường...

Trong những năm gần đây, nhiều địa phương ở Tây Nguyên và một số cơ quan, tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức trại sáng tác điêu khắc gỗ dành cho nghệ nhân dân gian. Qua mỗi lần tổ chức, các nghệ nhân đã sáng tác nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật. Bên cạnh chủ đề quen thuộc gắn với cuộc sống buôn làng còn có những tác phẩm mang hơi thở mới của cuộc sống hiện đại. Những tác phẩm mang yếu tố mới lạ thường được sáng tác bởi các nghệ nhân trẻ. Với sức sáng tạo, tư duy và ý tưởng mới, các nghệ nhân trẻ tuổi đã mang đến cho đời sống nghệ thuật của buôn làng thêm những sắc màu đa dạng, phong phú. Khác với các nghệ nhân cao niên, họ được tiếp cận với những phương tiện chế tác, áp dụng công nghệ mới, hình thành thiết kế ý tưởng... nên tác phẩm của họ có dáng dấp của thời đại. Nếu như trước đây các nghệ nhân dân gian chủ yếu sử dụng các công cụ thô sơ như: đục, dùi, cưa tay thì ngày nay nghệ sĩ điêu khắc trẻ dùng cưa máy, khoan đục, bào có hỗ trợ lực nên quá trình sáng tạo tác phẩm nhanh chóng hơn, tác phẩm điêu khắc gỗ hoành tráng hơn về kích thước. Tác phẩm nghệ thuật tạo hình của các nghệ nhân trẻ được sử dụng với nhiều mục đích hơn như trang trí ở khu du lịch cộng đồng, homestay, khu du lịch sinh thái hay triển lãm, trưng bày ở các bảo tàng nhà nước và tư nhân.

Nghệ nhân trẻ chế tác những bức tượng có kích thước lớn.

Trong các sản phẩm thổ cẩm cũng có thể thấy rõ sự tiếp cận cái mới trong việc sáng tạo hoa văn, hình tượng. Những thợ dệt trẻ, bên cạnh việc học hỏi, thể hiện những hoa văn truyền thống từ những người thân trong gia đình và trong buôn làng, họ còn biết sáng tạo những mẫu hoa văn mới miêu tả những sự vật khác lạ được du nhập vào đời sống cộng đồng. Trên nền vải của dân tộc Êđê, M’nông, Mạ..., ngoài những mô tip hoa văn cổ truyền đã xuất hiện những hoa văn hiện đại, mới lạ như hình rô bốt, chiếc máy bay, trụ điện, hình cô gái cầm micrô hát, hình rồng, chậu hoa, tấm huy chương... Những hình ảnh đất nước, quê hương, bản làng cũng được đưa vào trong trang phục. Dạng hoa văn chữ phổ thông, chữ số được các thợ dệt “viết” lên nền vải tên buôn làng, tên cơ sở doanh nghiệp dệt may hay những câu khẩu hiệu ngắn. Chúng vừa chứa đựng một thông tin, vừa có chức năng trang trí như một hoa văn biểu cảm về tình yêu quê hương đất nước.

Sự xuất hiện những cái mới lạ là điều tất yếu nhưng nó cũng ảnh hưởng nhất định đến nghệ thuật dân gian của các tộc người. Tượng nhà mồ nói riêng, tượng gỗ nói chung ngày một thưa dần. Hoạt động đẽo gỗ làm tượng phục vụ cho nghi lễ, phong tục dần dần bị mai một trong đời sống của đồng bào. Nhà mồ ngày càng bị đơn giản hóa một phần do ảnh hưởng của đời sống kinh tế, sự thay đổi trong nhận thức và tôn giáo, tín ngưỡng cũng như việc thay đổi về vật liệu. Ngày nay, người ta làm tượng trang trí, làm nhà mồ cho người chết bằng gạch, cát, xi măng - những vật liệu này sẽ bền vững hơn gỗ.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.