Multimedia Đọc Báo in

Nồng say, da diết ei rei

18:29, 25/10/2022

Nhiều năm, với vai trò đạo diễn phim tài liệu truyền hình, không biết bao nhiêu lần tôi lên với Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.

Đắk Lắk mỗi lần đến là một lần tôi được khám phá thêm nét văn hóa đặc sắc tiềm ẩn, khi thì giai điệu cồng chiêng, lúc thì nét hoa văn trên thổ cẩm, hay ngôi nhà dài với chiếc cầu thang chạm khắc hình ảnh phồn thực… Và nhớ lần đầu tiên được nghe, tôi đã vô cùng sửng sốt trước làn điệu dân ca ei rei…

Ngọn nguồn ei rei

Ei rei, tùy theo cách phiên âm, có người viết ay ray hoặc ayray, có người viết ei ray hoặc eiray. Nhưng dù viết cách nào thì cũng đều chỉ một làn điệu dân ca cổ của người Êđê, và trong bài viết này tôi dùng chữ ei rei để chỉ làn điệu dân ca đó.

Nhiều người cho rằng ei rei là điệu hát trong tang lễ, khi gia đình có người thân qua đời. Sau này do đời sống thay đổi, ei rey được hát trong cả trong những dịp lễ hội tươi vui khác. Kỳ thực, nhiều nhà nghiên cứu (đa phần là nhạc sĩ) gắn bó với Tây Nguyên, với đồng bào Êđê cho rằng cách hiểu về ei rei như vậy là chưa chính xác.

Đồng bào Êđê có không nhiều những làn điệu dân ca, tuy nhiên mỗi làn điệu dân ca gắn liền với các hình thức diễn xướng (hát, hát múa…) khác nhau và tùy theo mục đích. Khan tức hát, kể các sử thi là hình thức diễn xướng phổ biến nhất vào thời kỳ chỉ có văn học truyền khẩu. Người kể thường là hát kể, xen giữa hát và kể, kéo dài câu chuyện có khi cả tuần trăng. Người nghe, xem cứ thế, đồng hành với nghệ nhân, bên bếp lửa nhà dài, đồng điệu và say đắm.

Nghệ nhân buôn Kô Siêr (TP. Buôn Ma Thuột) diễn xướng ei rei với điệu đing năm. Ảnh: Hữu Hùng

Trở lại với câu chuyện hát trong tang lễ, người Êđê có hẳn một làn điệu dân ca Cok. Cok là hình thức diễn xướng khóc hát, khóc kể. Người hát khóc thường là người thân với người đã mất, có năng khiếu văn nghệ. Họ ngồi bên quan tài trước giờ chia ly vĩnh viễn, lời hát thường là tình cảm tốt đẹp, nhớ thương người đã khuất. Cok gắn với nước mắt, giàu tình cảm nên người hát thường là phụ nữ.

Riêng ei rei thì nhiều nghệ nhân cho biết, đó là loại hình diễn xướng có không gian biểu diễn đa dạng. Người hát hát trong tang lễ cũng được, hát trên nương rẫy cũng được và thậm chí được hát nhiều trong các lễ hội. Nội dung các bài ei rei khá phong phú về đề tài nhưng ca từ trong mỗi bài lại đơn giản, ngắn gọn, dễ hát dễ thuộc. Thường mỗi bài ei rei nói về một chủ đề nào đó như ru em ngủ, đánh thức mọi người lên nương, ca ngợi vẻ đẹp của rừng núi, sông suối… Ei rei ngoài độc diễn còn được nam nữ dùng hát đối đáp, tỏ tình, trao duyên. Ei rei đối đáp là khó nhất bởi người hát vừa hát ứng tác lời sao cho đảm bảo được giai điệu đồng thời ca từ phải theo lối kể có vần (Klei duê).

Nồng say, da diết…

Ai đã từng chứng kiến một cuộc hát ei rei đối đáp hẳn sẽ không bao giờ quên được chất lãng mạn, trữ tình mà người biểu diễn mang lại cho người nghe, người xem. Trước hết, giai điệu ei rei không như làn điệu dân ca kư’ưt trầm buồn theo chiều ngang kiểu tự sự, không giống khan có lên bổng xuống trầm nhưng vẫn miên man ngày dài tháng rộng. Ei rei với giai điệu dìu dặt, phóng khoáng hơn, lúc cao lúc thấp tùy vào nội dung và tâm trạng người hát. Tiết tấu cũng vậy, nếu kư’ưt đều đều, khan ngắt quãng thì ei rei lúc nhanh, lúc chậm tạo nên sự thu hút, hứng khởi. Nội dung ei rei phong phú hơn, nếu kư’ưt là những bài học đạo lý, lời răn dạy của già làng với lớp trẻ, cha mẹ với con cái, khan kể về chiến công các dũng sĩ dài bất tận thì ei rei có thể nói về thiên nhiên tươi đẹp, về quan hệ giữa người với người, về tình yêu đôi lứa thề non hẹn suối…

Giai điệu ei rei nồng say, da diết còn bởi các nhạc cụ phụ họa theo người hát. Ei rei không kén chọn nhạc cụ, có thể hát lẫn vào âm thanh các nhạc cụ thuộc bộ gõ như cồng chiêng, bộ dây như đàn prố, đàn goong… Nhưng đặc sắc nhất là khi tiếng hát ei rei hòa quyện với khèn đing năm. Nói sơ chút về khèn đing năm, đây là loại nhạc cụ thuộc bộ hơi dùng để thổi. “Năm” theo tiếng Êđê là số đếm 6, khèn đing năm có 6 ống nên khi thổi tạo ra hòa âm đa đạng, thanh âm trong trẻo, ngân vang, luyến láy như lá rừng trong gió, nước chảy đầu nguồn, thú chạy trên non.

Lắng nghe thật kỹ trong một cuộc hát ei rei, người thưởng thức sẽ cảm nhận tiếng khèn đing năm thoạt đầu đưa đẩy, tạo đà hứng khởi cho người hát, tiếp sau là hòa quyện, nâng đỡ giọng hát và cuối cùng, khi kết thúc một nội dung tiếng khèn như nối dài niềm vui, nỗi buồn chất chứa qua lời hát. Một cách ví von, nếu giọng hát ei rei là thân diều thì tiếng khèn đing năm là cánh diều, thiếu một trong hai diều sẽ không bay cao được.

Người Êđê ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành hát ei rei. Ảnh: Hữu Hùng

Linh hồn ei rei và giấc mơ phục hồi

Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc nhận xét, trong các làn điệu dân ca của người Êđê thì ei rei chiếm một vị trí quan trọng, chi phối đời sống tinh thần và góp phần vẽ nên diện mạo văn hóa tộc người. Điều này có thể thấy qua các ca khúc viết về Tây Nguyên, hầu hết đều khai thác ít nhiều chất liệu dân ca ei rei như các ca khúc “H’Zen lên rẫy”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”... Trong lĩnh vực sáng tác, nhiều nhạc sĩ tên tuổi và gắn bó với Tây Nguyên như Nguyễn Cường, Y Phôn Ksor… đều nghiên cứu rất kỹ và đưa chất liệu dân ca ei rei vào ca khúc.

Vài năm gần đây, phong trào hát ei rei ở Đắk Lắk cũng có những bước phát triển, nhiều “buôn vui chơi, buôn ca hát” có lực lượng nghệ nhân hát ei rei được nhiều người biết đến như buôn Drai Hling ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), xã Ea Tul (huyện Cư M’gar). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là lớp nghệ nhân trẻ đang ít dần đi, dẫn đến nguy cơ mai một. Trong nhiều bài viết, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm bày tỏ: Hát ei rei cần có môi trường diễn xướng nhưng đời sống hiện đại thì lại thiếu vắng nó. Thiếu môi trường diễn xướng, ei rei không có đất diễn nên cái đẹp, cái hay, thu hút giới trẻ cũng không còn như xưa.

Làn điệu dân ca ei rei, nếu so sánh (dù biết so sánh nào cũng ít nhiều vênh lệch) giống như quan họ Bắc Ninh ở miền Bắc, hò đối đáp ở miền Trung và ca ra bộ ở miền Nam. Muôn thuở đó là những làn điệu dân ca dung chứa tâm hồn người dân ở các vùng miền, hàm ẩn vẻ đẹp nhân văn, giá trị đạo lý và bài học tình yêu cuộc sống.

Sẽ rất buồn nếu một ngày nào đó các buôn làng Êđê dần thiếu vắng giọng hát ei rei. Như một lần nào đó, nhạc sĩ Y Phôn Ksor tâm sự: “Ei rei ngấm vào trong máu rồi, mai này phai nhạt thì hồn cốt của người Êđê e rằng sẽ thiếu hụt…”.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.