Multimedia Đọc Báo in

Buôn Ma Thuột thiếu vắng những gallery mỹ thuật

08:23, 28/11/2022

Giới cầm cọ ở TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung lâu nay đều ước ao có một tụ điểm để cho các họa sĩ giao lưu, trưng bày và giới thiệu tác phẩm của mình đến với công chúng yêu mỹ thuật.

Song, điều đó đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực vì nhiều lý do, trong đó điều quan trọng nhất là hệ thống gallery cùng đội ngũ giám tuyển hội họa thiếu vắng, khiến đời sống mỹ thuật trở nên trầm lắng.

Họa sĩ Lê Vấn tâm sự: Nỗi day dứt nhất là tranh vẽ xong không có nơi trưng bày và giới thiệu, đành ngậm ngùi cất đi. Thực trạng ấy không những hạn chế năng lực sáng tạo của những người cầm cọ, mà còn là “khoảng trống” đáng để suy ngẫm trước nhu cầu thưởng lãm văn hóa - nghệ thuật nói chung của công chúng.

Nhóm họa sĩ trẻ Đắk Lắk cùng mở triển lãm mỹ thuật “Mùa thu cao nguyên” tại Trung tâm Văn hóa tỉnh. Ảnh: Ánh Ngọc

Nhiều người cho rằng, điều đó hoàn toàn đúng - muốn thưởng lãm hay mua/bán một tác phẩm hội họa ở đây không dễ vì không có hệ thống gallery trưng bày mỹ thuật đúng nghĩa. Nói chính xác hơn là Buôn Ma Thuột chưa hình thành thị trường tranh rõ nét, sôi động như một số đô thị lớn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế. Ở đó nhu cầu sáng tạo, thụ hưởng cũng như việc mua/bán tranh của họa sĩ cũng như những ngưởi yêu thích mỹ thuật trở nên thường xuyên và thật sự có sức lan tỏa trong đời sống cộng đồng, xã hội.

 

Từ năm 2018, nhóm họa sĩ “Ban Mê đa sắc” đã kết nối với nhóm “Đồng chất” ở TP. Hồ Chí Minh để sáng tác, quảng bá và giới thiệu tác phẩm của mình trên mạng xã hội nhằm tiếp thị đến công chúng mua bán trực tiếp thông qua mối quan hệ, tương tác của những người cùng nhóm. Từ đây, anh em bắt đầu sống được và lan tỏa với nghề bằng những việc làm như cùng nhau đi thực tế sáng tác, trao đổi chuyên môn và đặc biệt là có tác phẩm bán ra thị trường với số lượng ngày càng nhiều hơn”.

 
Họa sĩ Hồ Hậu

Tuy nhiên, theo họa sĩ Hồ Hậu, mặc dù đời sống mỹ thuật ở đây không như các thành phố lớn nói trên, nhưng vẫn có “gương mặt” riêng của nó: âm thầm và bền bỉ, kết nối và khát khao nhằm duy trì, khẳng định lĩnh vực nghệ thuật vốn khắt khe và không đại chúng này bằng nhiều cách. Họa sĩ Hồ Hậu thì mở quán cà phê tại nhà riêng (số 3 đường Giáp Hải - TP. Buôn Ma Thuột) vừa để mưu sinh, vừa tạo ra “sân chơi” cho anh em cùng nghề đưa tác phẩm đến đây giới thiệu.

Gần đây, nhóm họa sĩ giàu tâm huyết với đời sống mỹ thuật ở TP. Buôn Ma Thuột như: Hồ Hậu, Lê Vấn, Nguyễn Tấn Vỹ, Trương Văn Linh, Trần Thanh Long, Nguyễn Thu Vân… đã kết nối với nhau mở ra những “gallery cơ động” tại một số quán cà phê trên địa bàn nội thị, phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của mọi người dưới tên gọi “Ban Mê đa sắc”. Ở đó, họ được chia sẻ cảm xúc sáng tạo của mình với đồng nghiệp và khách hàng, dù thi thoảng mới bán được một đôi bức tranh lấy lệ.

Họa sĩ Nguyễn Tấn Vỹ chia sẻ: Vấn đề quý nhất là ở chỗ, trong số những người mê hội họa và thường lui tới các địa chỉ trưng bày tranh nói trên, có không ít anh chị đứng ra làm cầu nối đưa công chúng đến với hội họa ở vùng đất chưa hề có “yếu tố thị trường” dành cho bộ môn nghệ thuật này. Và như thế cũng vui lắm rồi, còn hơn “đứa con tinh thần” của mình sinh ra, mặt mũi thế nào không ai biết đến…

Từ năm 2021 đến nay, triển lãm mỹ thuật “Ban Mê đa sắc” của nhóm họa sĩ trên đã tổ chức được 3 cuộc - dù ít ỏi, nhưng có thể thấy niềm vui của giới cầm cọ được công chúng hiểu thêm và chia sẻ với người họa sĩ phải làm gì, đi theo đường hướng nào trong việc định hướng và phát triển mỹ thuật ở thành phố vùng cao nguyên này.

Họa sĩ Lê Vấn thay mặt anh em trong nhóm “Ban Mê đa sắc” cảm khái: Điều đó thật có ý nghĩa trong bối cảnh đời sống mỹ thuật Đắk Lắk vốn dĩ trầm lắng, ít thấy hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nói chung và công chúng yêu hội họa nói riêng. Có chăng, thi thoảng vài năm, thậm chí nhiều hơn… mới có một vài triển lãm mỹ thuật do giới họa sĩ trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng ra tổ chức và giao lưu.

Trưng bày tranh  "Ban Mê đa sắc" tại quán Cà phê Đắk Lắk (124 Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột).

Hy vọng đây là hoạt động ngày càng thường xuyên, mở ra cánh cửa giúp anh em cầm cọ theo đuổi đam mê của mình, qua đó, đem lại cho công chúng nhiều hơn những cảm xúc đẹp đẽ và giàu ý nghĩa. Hơn thế, một khi điều kiện cho phép, họ đứng ra tổ chức giới thiệu, triển lãm mỹ thuật cho cá nhân mình, hoặc cả nhóm tại không gian thích hợp, dày đặc hơn, góp phần hình thành nên đời sống mỹ thuật thật sự sôi động trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.

 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.