Khơi gợi tình yêu di sản đối với thế hệ trẻ
Trong công tác giáo dục di sản, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ, tăng sự thích thú, tìm hiểu nhằm lan tỏa các giá trị đó.
Mới đây, tại Bảo tàng Đắk Lắk, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng và Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) đã sôi nổi tham gia chương trình “Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc”. Các em đã có những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn với không gian văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc, hòa mình vào làn điệu then, đàn tính, múa sạp, tham quan, dự chợ phiên miền núi phía Bắc; cùng nghệ nhân chế biến và thưởng thức các món ăn đặc trưng: xôi ngũ sắc, gà nướng hạt mắc khén…
Em Đoàn Thị Giáng Son (Trường THPT Hồng Đức) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia một chương trình về di sản thú vị đến như vậy. Chúng em cũng trải qua các giai đoạn tìm hiểu về kiến thức, sau đó tổng hợp thuyết trình. Không chỉ vậy em còn được trò chuyện với nghệ nhân, hỏi để biết thêm, biết rõ về những điều đã được nghe qua…”. Còn em Niê Phạm Thảo Yến (Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng) bày tỏ sự thích thú khi được tham gia chương trình ý nghĩa này. Qua đây, em đã biết thêm phong tục tập quán các dân tộc ở Hà Giang, đặc biệt là những địa danh, di sản của vùng đất miền cực Bắc của Tổ quốc.
Học sinh tham quan, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc và di sản nơi cực Bắc Tổ quốc. |
Bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, Trưởng Phòng Giáo dục và Truyền thông (Bảo tàng Đắk Lắk) cho biết, ngoài chương trình “Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc”, Bảo tàng cũng đã triển khai chương trình giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến. Các bài giảng được thiết kế sinh động với nhiều hình ảnh, phim tư liệu, kết hợp với các trò chơi vui nhộn; đưa các em đi tham quan, tìm hiểu chi tiết câu chuyện hiện vật, nhân vật lịch sử mà không cần đến tận nơi.
Ngoài bảo tàng, một số trường trên địa bàn tỉnh cũng đã lồng ghép chương trình giáo dục di sản, văn hóa truyền thống vào giảng dạy, hoặc thông qua các cuộc thi. Điển hình như Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm (Cư M’gar) đã tổ chức “Cuộc thi làm các sản phẩm văn hóa Êđê”. Các em học sinh rất hào hứng tham gia, gửi nhiều sản phẩm, hiện vật truyền thống của người Êđê như: trang phục thổ cẩm, gùi, nỏ, tù và… Mỗi một học sinh tham dự đều tìm hiểu thật kỹ về các sản phẩm từ quy trình làm, chức năng, công dụng trong đời sống… để thuyết trình. Cuộc thi đã giúp học sinh thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc và càng thêm ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống.
Hay ở các chương trình như Trại bồi dưỡng sáng tác “Hương rừng”, các trại viên đã trải nghiệm thực tế tại bến nước, nghe nghệ nhân kể sử thi, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống; tại các cuộc thi văn nghệ, Đại sứ Văn hoá đọc, những mảng đề tài về di sản, văn hóa truyền thống được ưu tiên khai thác và cũng mang lại những kết quả đáng khích lệ… Tất cả những điều đó đã phần nào truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tình yêu di sản, văn hoá truyền thống dân tộc, yêu lịch sử, quê hương.
Học sinh trải nghiệm chợ phiên Tây Bắc tại chương trình “Hà Giang - Điểm hẹn nơi cực Bắc” do Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức. |
Có thể thấy, giáo dục di sản không đơn thuần là những tiết học khô cứng, thụ động được lồng ghép ở trường, lớp mà còn là những hoạt động trải nghiệm ngoại khóa hấp dẫn, tạo hứng khởi và ấn tượng với học sinh. Hy vọng rằng, ngày càng có nhiều chương trình hay hấp dẫn, để không chỉ khơi gợi tình yêu di sản mà còn tạo môi trường để thế hệ trẻ nuôi dưỡng tình yêu ấy, để nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc