Multimedia Đọc Báo in

Lắng nghe “đối chiêng”

08:16, 21/11/2022

Sở dĩ tôi đặt hai chữ “đối chiêng” trong ngoặc kép là muốn nhấn mạnh về một hình thức diễn tấu cồng chiêng hết sức đặc sắc và độc đáo của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk), hình thức diễn tấu này đã vượt qua những quy luật, ước lệ thông thường của dàn chiêng truyền thống. Người chơi chiêng giữ một vị trí nhất định trong dàn chiêng - và họ “đối chiêng” với nhau bằng tâm tư, tình cảm khi đã đạt đến trạng thái thăng hoa hết mức.

Ảnh minh họa: Hữu Nguyên
(Ảnh minh họa: Hữu Nguyên) 

Có lần Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân chia sẻ với tôi: Ông đã có dịp thưởng thức nghệ thuật “đối chiêng” trong nghi lễ kết nghĩa anh em của người Êđê ở Ea H’leo. Phiên chế dàn chiêng Knah hôm ấy gồm bảy chiếc: chiêng Knahji, M’du có chức năng bắt nhịp, dẫn dắt cho chiêng H’liang, H’luê liang (bộ cái) và Khơk, H’luê Khơk, H’luê Khơk diet (bộ đực) - tương ứng với các thành viên trong một gia đình truyền thống, có cha mẹ và con cái.

Nghệ sĩ Vũ Lân nắm giữ chiêng Khơk, lúc đầu ông vẫn diễn tấu nhuần nhuyễn, cùng hòa nhịp với những chiêng còn lại theo thứ tự đã nêu; nhưng chơi đến lúc tất cả đã chếnh choáng say theo men rượu cần thì ông dường như không bắt được nhịp nữa vì chiêng Knahji và M’du đã đổi ngược phách. Chiêng Knahji thì dẫn nhịp cho bộ cái, còn chiêng M’du dẫn nhịp cho bộ đực - và cứ thế họ “đối chiêng” với nhau bằng tâm tư, tình cảm được nảy sinh trong lúc thăng hoa nhất mà không nhất thiết phải tuân thủ theo nguyên tắc, bài bản nữa.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân thừa nhận lúc ấy mình như bị đẩy ra khỏi dàn chiêng và lặng lẽ ngồi thưởng thức nghệ thuật “đối chiêng” của người Êđê trong nghi lễ trên. Từ đây ông đã trải nghiệm và khám phá ra phương thức diễn tấu cồng chiêng đầy ngẫu hứng, sáng tạo đối với loại hình âm nhạc đặc trưng và giàu bản sắc này. Ông cho rằng, vì thế mà đời sống cồng chiêng Tây Nguyên trở nên phong phú, sinh động hơn trong mọi không gian diễn xướng, nhất là khi nghệ nhân sử dụng vốn âm nhạc ấy ngập tràn niềm vui, hạnh phúc và tự do.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.