Tọa đàm “Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong Mỹ thuật Đắk Lắk”
Trong khuôn khổ “Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2022”, ngày 17/11, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức chương trình Tọa đàm “Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong Mỹ thuật Đắk Lắk”.
Tham dự chương trình có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các họa sĩ chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh.
Đắk Lắk có một lực lượng họa sĩ hùng hậu, có kinh nghiệm và độ dày sáng tác như Y Nhi Ksơr, Đoàn Ngọc Dũng, Phạm Xuân Quang, Nông Hoàng Chiến, Nguyễn Hải Long, Bùi Thị Nam, Bùi Thị Hồng Hải, Nguyễn Thu Vân, Hoàng Duyên, Trà My, Y Luê Adrơng, Y Buih Niê Kdam...
Tây Nguyên là quê hương mới của nhiều dân tộc, từ khắp các tỉnh thành trong cả nước về sinh cơ lập nghiệp, mang theo những giá trị văn hoá của các vùng miền, làm phong phú cho văn hoá Tây Nguyên đương đại. Đặc biệt, Tây Nguyên hôm nay cũng đã có nhiều sự thay đổi, đã có sự du nhập, dung nạp và đào thải những giá trị văn hoá mới và cũ. Từ những yếu tố đó đã hình thành những giá trị mới, cảm xúc mới, hình thức mới và thẩm mỹ mới.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Vì vậy, tại buổi tọa đàm, các họa sĩ đã tham luận nhiều vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn trong sáng tác mỹ thuật tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung như: Gìn giữ và phát huy bản sắc Tây Nguyên trong sáng tạo mỹ thuật (họa sĩ Y Nhi Ksơr); Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk” (họa sĩ Nguyễn Hải Long); Một hướng khác của mỹ thuật trong việc phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên (họa sĩ Lê Vấn)…
Họa sĩ Y Nhi Ksơr trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. |
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận các vấn đề về bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mỹ thuật như: sự du nhập, tiếp biến văn hóa từ các nguồn khác nhau hiện nay có phải là làm giàu thêm bản sắc Tây Nguyên; sáng tác mỹ thuật có nên chỉ khai thác, kế thừa từ mỹ thuật truyền thống… cùng những ý tưởng mới trong sáng tác mỹ thuật.
Các họa sĩ và người yêu nghệ thuật có những trao đổi chia sẻ bên lề chương trình. |
Vì thế, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong Mỹ thuật Đắk Lắk cần sự chung tay của các cấp, các ngành; sự đầu tư nghiêm túc của chính quyền; định hướng của các nhà sưu tập uy tín, những người yêu mỹ thuật… Bên cạnh đó, những nghệ sĩ tạo hình tỉnh nhà nên chung sức, chung lòng xây dựng một phong cách mỹ thuật của riêng mình, đạt tới những tầm cao mới, có giá trị và đậm tính nhân văn, đưa văn học nghệ thuật Tây Nguyên vươn xa hơn.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc