Để âm thanh cồng chiêng ngấm sâu vào cuộc sống…
Lần đầu tiên đến TP. Buôn Ma Thuột, tôi đã rất ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng một bộ sưu tập cồng chiêng Tây Nguyên ở nhà một người bạn.
Rất tự hào, anh bạn giới thiệu đã dành tâm huyết, thời gian hơn 30 năm tìm kiếm, sưu tầm về các loại cồng chiêng của đồng bào mà anh thích thú. Kết quả là trên bức tường gỗ nhà anh treo hơn 40 chiếc cồng chiêng với từng bộ, nhóm độc đáo. Người bạn lưu ý rằng đây chỉ là một phần nào rất nhỏ những hình ảnh cồng chiêng Tây Nguyên bao đời qua. Lịch sử cồng chiêng ở vùng đất cao nguyên này còn mênh mang hơn là những chiếc cồng, chiếc chiêng lưu giữ được.
Thông điệp đó của người bạn đã cùng tôi trong suốt những ngày tháng khám phá mảnh đất cao nguyên. Để rồi một ngày nào đó, tôi lại nhận ra một điểm gặp gỡ mới với cồng chiêng, qua một buổi lễ cúng, qua một sàn diễn liên hoan các dân tộc, hay chỉ đơn giản là một ngày hội Tết trong buôn… Âm thanh cồng chiêng cứ thế ngân nga qua từng ngày tiếp cận, định hình nên cảm giác về một không gian bất diệt trong lòng người Tây Nguyên, huyền ảo mà gần gũi.
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên |
Mới đây, qua giới thiệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, cồng chiêng Tây Nguyên lại khoác thêm một dáng vẻ mới: những âm thanh hội nhập văn hóa, khi cồng chiêng được tổ chức biểu diễn nơi cộng đồng, có sự tham dự của những nghệ nhân nước ngoài.
Vậy là những hình ảnh, âm thanh của một thời xa xưa nào, đại diện cho nền tâm linh tôn giáo đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên, vang lên chỉ trong những kỳ lễ lạt, trước bàn thờ, với lời khấn nguyện thâm trầm, nay đã được cách tân, thay đổi đi để lan tỏa hơn vào cuộc sống hằng ngày. Cồng chiêng hôm nay không giữ ở sắc thái âm thanh tâm tưởng, đại diện cho uy lực huyền bí thiêng liêng nữa, mà có thể réo rắt thanh nhã hơn, đi cùng những nhạc cụ khác, tiết mục khác, mà cuốn hút, gây nên hưng phấn, hào sảng ở người nghe.
Một nhà văn hóa miền Bắc từng hỏi, liệu có cần cân nhắc khi đưa cồng chiêng từ vị thế biểu tượng văn hóa tâm linh, là những lời cầu xin, nguyện khấn, thành tiếng vang nhã nhạc văn hóa, gần gũi đời thường? Cồng chiêng chỉ nên xuất hiện ở những bục lễ, bàn thờ, hay cần xích lại sân khấu, những chiếu nghỉ biểu diễn văn hóa dân gian giữa cuộc đời thành một loại nhạc cụ đặc biệt để diễn tấu hình ảnh, tâm tư con người Tây Nguyên hôm nay?
Điều quan trọng của những thay đổi biến thiên ấy, là cồng chiêng cần được bảo đảm những nguyên tắc nào để phát huy đúng những giá trị văn hóa bền vững? Ấy chính là phải tuân thủ và tôn trọng được không gian văn hóa cồng chiêng, là việc đánh giá đúng mức, và hợp lý việc diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng mà không tách rời những giá trị nguyên sơ truyền thống. Không thể đưa cồng chiêng vào những môi trường nhố nhăng, bỡn cợt, sự thiếu nghiêm túc trong thể hiện, tác phong.
Diễn tấu cồng chiêng không nhất định phải khô cứng khuôn mẫu, nhưng phải thực sự tương hợp với lối sống, phong tục, văn hóa giao tiếp của người dân Tây Nguyên, những tâm hồn chân chất và khí thế mãnh liệt. Một bản nhạc trẻ có thể đưa tiếng vang cồng chiêng vào, điểm xuyết cho tâm tưởng vươn lên ở dáng dấp cao nguyên trong thời đại mới. Một bài hát sôi động hôm nay có thể gắn liền với hình ảnh những chiếc cồng, chiếc chiêng bao đời, như sự ưu tư liền lạc giữa quá khứ và tương lai.
Những cung cách thể hiện ấy, rõ ràng sẽ làm cho tiếng cồng chiêng vang dậy và lan tỏa hơn. Sức mạnh bao đời của miền đất cao nguyên sẽ được khơi gợi từ những mảnh lắp ghép văn hóa đó.
Có điều, ngành văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Đắk Lắk, cho đến nay, có thể giữ được và phát triển được bao nhiêu hạt nhân sáng tác, thẩm thấu và thể hiện như vậy? Có bao nhiêu bài ca, khúc nhạc gắn với cồng chiêng thực sự có được cái hồn nghệ sĩ để ngấm sâu vào cuộc sống hôm nay? Nếu không được đầu tư như vậy, phải chăng những bộ cồng chiêng huy hoàng và uy mãnh sẽ chỉ trở thành những bộ sưu tập, trang trí trên tường nhà, vách phố?
Tiếng cồng chiêng, làm sao cho đừng hoài man mác những nhạt phai?
Thụy Bất Nhi
Ý kiến bạn đọc