Multimedia Đọc Báo in

Những sắc màu Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk

06:06, 18/12/2022

Văn hóa Tây Nguyên rất phong phú, các dân tộc thiểu số nơi đây sở hữu nền văn hóa đa dạng, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo.

Như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng đặc sắc; kho tàng văn học dân gian với những bản trường ca, truyện cổ, truyện ngụ ngôn, lời nói vần được lưu truyền qua nhiều thế hệ , đặc biệt là Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Những bản sắc, tinh túy ấy là chất liệu quý giá cho văn nghệ sĩ trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật.

Những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu mang bản sắc Tây Nguyên được công chúng yêu thích như: “Tiếng chiêng gọi hồn của” của họa sĩ Lê Vấn, “Đi dự hội”, “Lễ trao vòng” của họa sĩ Y Nhi Ksơr, “Hôm qua – Hôm nay – Ngày mai” của họa sĩ Hồ Hậu, “Nụ cười M’nông” của họa sĩ Trần Thanh Long. Nhiều họa sĩ khác như Mlô Hữu, Đoàn Ngọc Dũng, Nông Hoàng Chiến, Nguyễn Hải Long, Bùi Thị Nam, Hoàng Duyên, Trà My, Y Luê Adrong, Y Buih Niê Kdam… cũng có nhiều sáng tác về Tây Nguyên. Nhiều tác phẩm được các giới chuyên môn đánh giá cao, trưng bày tại các bảo tàng mỹ thuật, được các nhà sưu tập tư nhân trong và ngoài nước yêu thích.

Họa sĩ trẻ Y Buih Niê Kdam trong một chuyến sáng tác về đề tài Tây Nguyên. Ảnh nhân vật cung cấp

Thông qua các tác phẩm của mình, các tác giả, họa sĩ đã thể hiện vẻ đẹp của Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng bằng việc phản ánh cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những mất mát, những dự cảm tương lai… qua hình ảnh bến nước, tượng nhà mồ, rừng cây, lễ hội…; từ đó tạo nên nét riêng biệt và ghi dấu trong lòng công chúng. Theo họa sĩ Lê Vấn, đây là một trong những xu hướng chủ đạo của các tác giả trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, khoảng mười năm trở lại đây, một số họa sĩ ở Tây Nguyên đã trình làng những bức tranh về Tây Nguyên mà không cồng chiêng, không nhà mồ, không bóng dáng các dân tộc bản địa, không kể lể những câu chuyện lễ hội miên man, những luật tục lạ lẫm. Nhiều tác phẩm trừu tượng, biểu hiện ở những hình nét mới mẻ của Tây Nguyên đương đại.

Với những khuynh hướng sáng tác khác nhau, chất liệu khác nhau và cách thể hiện khác nhau, song bằng tình yêu với nghệ thuật, với vùng đất giàu văn hóa truyền thống, các tác giả đã làm nổi bật bản sắc, giá trị văn hóa Tây Nguyên trong các tác phẩm.

Có một thực tế, hiện nay văn hóa truyền thống Tây Nguyên đang bị mai một, bởi rừng vốn được coi là cội nguồn của đời sống tâm linh, là phần sâu xa của con người và cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên giờ đây ngày càng bị thu hẹp; những nhà rông, nhà dài, nhà sàn dần mất đi; các lễ hội như đâm trâu, cúng lúa mới… chỉ còn xuất hiện trong các festival, liên hoan, văn nghệ. “Tây Nguyên đương đại là sự đổi thay nhanh chóng đến kinh ngạc. Ngay cả cư dân bản địa Tây Nguyên cũng ngỡ ngàng trước sự dời đổi của cảnh quan, non nước; nếp sống hồn nhiên, thuần phác ngàn đời nay buộc phải dung nạp bao nhiêu thứ phức tạp, vốn hôm qua còn hư ảo trên màn ảnh truyền hình thì hôm nay đã lồ lộ trước ô cửa nhà rông, nhà dài... Sự du nhập, dung nạp và đào thải những giá trị văn hóa mới, cũ diễn ra vừa lạnh lùng, vừa sôi nổi; tưởng như hời hợt nhưng lại rất ráo riết”, họa sĩ Lê Vấn sẻ chia.

Cho nên, làm sao để phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong sáng tạo mỹ thuật, nhất là trong thời đại hiện nay luôn là vấn đề được nhiều họa sĩ quan tâm. Trong buổi tọa đàm “Bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk” được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua, các họa sĩ đã có nhiều ý kiến chia sẻ quanh vấn đề này. Họa sĩ Y Nhi Ksơr cho rằng, để có tác phẩm mang bản sắc văn hóa, họa sĩ không chỉ cần kiến thức và sự cảm nhận về giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống của các dân tộc, phân biệt được những nét tương đồng và dị biệt trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, mà còn cần phải có tình yêu thiên nhiên, yêu mảnh đất và con người nơi đây. Đối với họa sĩ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, phải có kiến thức, hiểu biết căn bản về văn hóa của dân tộc mình để có sự đánh giá đúng, khách quan về giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật tạo hình truyền thống và có niềm tự hào dân tộc, từ đó mới kế thừa, chọn lọc và phát huy có sáng tạo trong nghệ thuật…

Đông đảo hoạ sĩ, tác giả tham gia chương trình Toạ đàm "Bản sắc Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk".

Họa sĩ Trần Thanh Long (Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk)) nhấn mạnh: “Nên kết nối các họa sĩ với nhau. Một họa sĩ cùng với nhiều họa sĩ khác vẽ về văn hóa Tây Nguyên sẽ mang lại nhiều hơn những giá trị cho cộng đồng, hơn là một họa sĩ đơn độc trong hành trình của mình. Hành trình phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên là một hành trình bền bỉ, dai dẳng, để giữ vững trước các cơn bão toàn cầu hóa, hay thị trường nghệ thuật dễ dãi, mơ hồ”.

Đông đảo các họa sĩ cũng đồng ý rằng, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên trong mỹ thuật Đắk Lắk cần sự chung tay của các cấp, các ngành; sự đầu tư nghiêm túc của chính quyền; định hướng của các nhà sưu tập uy tín, những người yêu mỹ thuật. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ tạo hình tỉnh nhà nên chung sức, chung lòng xây dựng một phong cách mỹ thuật của riêng mình, đạt tới những tầm cao mới, có giá trị và đậm tính nhân văn, đưa văn học nghệ thuật Tây Nguyên vươn xa hơn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.