Con đường di sản miền Trung - Tây Nguyên: Con đường sinh kế và phát triển
Đến nay, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã cùng nhau liên kết, hợp tác phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó du lịch được xem là điểm nhấn, giúp hàng trăm doanh nghiệp cùng với hàng triệu lao động (gián tiếp và trực tiếp) tham gia vào ngành kinh tế quan trọng này có công ăn việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đi lên từ di sản
Miền Trung - Tây Nguyên là hai vùng đất sở hữu nhiều di sản lịch sử, văn hóa và danh thắng nổi tiếng thế giới, được UNESCO vinh danh như: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Động Phong Nha - Kẻ Bàng và Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Từ những địa danh này, ngành du lịch các tỉnh thành trong khu vực đã và đang xây dựng, hoàn thiện sản phẩm du lịch đặc sắc mang tên “Con đường di sản miền Trung - Tây Nguyên”.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Quảng Bình, hiện là Trưởng Ban điều phối Khối du lịch 10 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên (bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) cho rằng, đây là con đường mở ra sinh kế bền vững, hiệu quả cho hơn 3 triệu người dân trong khu vực tham gia hoạt động du lịch; đồng thời là động lực góp phần thúc đẩy các địa phương phát triển kinh tế, xã hội ngày càng mạnh mẽ.
Cúng sức khỏe cho voi - sản phẩm du lịch đặc sắc của Tây Nguyên. |
Theo ông Hà, Con đường di sản miền Trung - Tây Nguyên thu hút khoảng 40 triệu lượt khách mỗi năm, doanh thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách các tỉnh thành trong khu vực bình quân từ 5 - 15%. Đặc biệt, sản phẩm du lịch này được một số địa phương kết nối, chia sẻ qua những chương trình/tên gọi cụ thể và xuyên suốt cho toàn vùng như: “Con đường Di sản”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”, “Âm vang đại ngàn” hay “Carnaval tour xuyên hành lang kinh tế Đông - Tây” và gần đây là “Famtrip Caravan Tây Nguyên huyền thoại”… nhằm gia tăng biên độ phát triển cho ngành kinh tế quan trọng này, đồng thời kích cầu du khách ở các vùng miền trên cả nước đến đây và ngược lại.
Tại diễn đàn ký kết hợp tác, phát triển du lịch của 10 tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 5/8/2022, ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk chia sẻ: Những chương trình/sản phẩm du lịch này, về chiều sâu và ý nghĩa mà nói là “cú hích” giúp cộng đồng các dân tộc tại chỗ, nhất là ở Đắk Lắk có thêm cơ hội hưởng lợi từ việc liên kết với doanh nghiệp làm du lịch tại địa phương thông qua vốn văn hóa đặc sắc của mình. Những tour/tuyến du lịch trên đều đi qua và hướng đến giá trị cốt lõi do cộng đồng các dân tộc tại chỗ tạo nên như: lễ hội truyền thống, diễn tấu cồng chiêng gắn liền với dân ca, dân vũ… như một miền di sản thực sự hấp dẫn, qua đó cùng những miền di sản khác (Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Động Phong Nha - Kẻ Bàng) định vị thương hiệu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên bản đồ du lịch cả nước.
Ngày càng hoàn thiện và hấp dẫn
Cộng đồng làm du lịch ở đây, cũng như các chuyên gia trên lĩnh vực này nhìn nhận, đánh giá: Đến nay “Con đường di sản miền Trung - Tây Nguyên” ngày càng được hoàn thiện và có sức thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Sản phẩm du lịch đặc sắc và độc đáo này đã được nhiều cá nhân, tổ chức tâm huyết sáng kiến và xây dựng suốt hơn hai thập kỷ qua trên cơ sở, ý tưởng của một chuyên gia du lịch người Đức - ông Paul Stoll
“Việc ký kết hợp tác, phát triển du lịch của 10 tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào ngày 5/8/2022 là dấu mốc đáng ghi nhận cho sự nỗ lực và quyết tâm đưa du lịch giữa hai vùng miền về một mối thống nhất trong điều hành, quản trị cũng như xây dựng sản phẩm theo hướng đa dạng, cạnh tranh hơn nhằm thu hút du khách và nhà đầu tư vào lĩnh vực này”. Ông LÊ VĂN ĐỨC, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk
|
Được biết vào năm 1999, khi được cử đến làm Tổng Giám đốc Khu nghỉ mát Furama 5 sao nằm ven biển Non Nước, dưới chân Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng tuyệt đẹp, ông Paul Stoll đã không ngớt trăn trở với du lịch miền Trung - Tây Nguyên, một khu vực đầy tiềm năng nhưng chưa được đầu tư, khai thác một cách tương xứng. Từ kinh nghiệm của “Con đường lịch sử Kansai” - Nhật Bản và “Con đường lãng mạn” (Romantic) trên quê hương của mình, ông đã đề đạt ý tưởng hình thành “Con đường di sản thế giới” (World Heritage Road - WHR) trong cuộc họp của Tổ chức Du lịch Thế giới được tổ chức tại Đức vào cuối năm 1999. Đầu tháng 9 năm 2001, ông Paul Stoll có văn bản đề xuất ý tưởng này với chính quyền TP. Đà Nẵng và cộng đồng làm du lịch ở đây. Đến ngày 6/4/2002, đại diện chính quyền và ngành du lịch ba tỉnh thành (Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế) gặp nhau tại TP. Đà Nẵng để quyết định khai trương Chương trình liên kết du lịch WHR tại miền Trung - Tây Nguyên.
Ban đầu, con đường này kết nối và đi qua những di sản văn hóa thế giới, được UNESCO công nhận (Phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn và Cố đô Huế). Sau thời gian thử nghiệm đầy hiệu quả, WHR đã mở rộng ra phía Bắc, qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An vốn sở hữu các danh thắng (Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu tưởng niệm các danh nhân: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du) cùng nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng khác. Tiếp đến, WHR không ngừng mở rộng về một số tỉnh thành phía Nam và địa bàn Tây Nguyên, khi Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh là Kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005. Đây là vùng có nhiều di tích lịch sử, văn hóa bí ẩn và rực rỡ, có bờ biển đẹp cùng rừng núi, thác ghềnh hùng vĩ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nhân văn giàu bản sắc của các tộc người thiểu số - và được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng để phát triển ngành du lịch.
Ghềnh, thác và núi rừng Tây Nguyênhấp dẫn bước chân du khách. |
Quả đúng như vậy, từ “Con đường di sản thế giới” do chuyên gia du lịch, đồng thời là nhà quản lý “ngành công nghiệp không khói” đầy kinh nghiệm và lão luyện người Đức Paul Stoll khởi xướng, chính quyền và ngành du lịch ở đây đã vận dụng, khai thác tiềm năng, lợi thế trên như “chìa khóa” hữu hiệu mở ra con đường sinh kế và phát triển bền vững cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên bằng sự liên kết, hợp tác ngày càng gắn bó, hiệu quả trên tất cả các mặt: định vị điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực cũng như xúc tiến, quảng bá con đường di sản này đến với khách du lịch trong nước và quốc tế; từ đó thu hút du khách đến đây khám phá và trải nghiệm nhiều hơn với thời gian lâu hơn nhằm gia tăng giá trị cho ngành kinh tế quan trọng này.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc