Multimedia Đọc Báo in

Nghi lễ cấp sắc của người Dao

06:18, 02/01/2023

Cấp sắc là nghi lễ không thể thiếu đối với người đàn ông dân tộc Dao, đánh dấu sự trưởng thành của họ. Nghi lễ cấp sắc được thực hiện dưới sự chứng kiến của thần linh, tổ tiên và mọi người…

Người dân tộc Dao ở Đắk Lắk đa số di cư từ các tỉnh phía Bắc đến, chủ yếu là người Dao Tiền. Mặc dù đã định cư, làm ăn tại Đắk Lắk nhiều năm nhưng người dân tộc Dao vẫn giữ những phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là lễ cấp sắc.

Theo phong tục của người Dao, lễ cấp sắc được tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên, người thụ lễ sẽ được đặt tên âm (pháp danh). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận đã trưởng thành và là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên. Bên cạnh số tuổi như quy định, theo phong tục của người Dao, lễ cấp sắc sẽ được thực hiện từ các bậc ông, cha, chú, bác... rồi mới đến con. Chính vì vậy nhiều người đàn ông Dao dù đã lớn tuổi, xây dựng gia đình hoặc có những người đã mất vẫn chưa được cấp sắc bởi những người lớn trong dòng họ chưa trải qua lễ cấp sắc. Đặc biệt, nếu gia đình có người mất, lễ cấp sắc sẽ không được thực hiện đến hết tang. 

Thầy cúng và người được làm lễ trong lễ cấp sắc.

Trước lễ cấp sắc, gia đình người được cấp sắc cần chuẩn bị lợn, gà, gạo, rượu… để cúng và đãi tiệc bà con, họ hàng và tiền để trả công cho thầy cúng. Người được cấp sắc sẽ được hai thầy cúng chính, một thầy cúng phụ, ba người đọc thơ, ba nam và ba nữ thanh niên đọc văn tế. Họ hàng nội, ngoại, dân bản là người chứng kiến cũng là người giúp việc cho buổi lễ.

Để bắt đầu làm lễ, thầy cúng chính sẽ đứng trước bàn thờ tổ tiên, thần linh xin pháp danh và làm phép cho người được cấp sắc. Tiếp theo, thầy cúng cùng người được cấp sắc sẽ đứng trước bàn thờ đọc bài cúng xin thần linh về chứng giám và nhảy múa theo nhịp trống, chiêng…

Lễ cấp sắc của mỗi nhánh người dân tộc Dao tuy gần giống nhau nhưng vẫn có những riêng biệt. Đối với người Dao Tiền, người con trai trước khi thực hiện lễ không được tiếp xúc với mẹ trong ba ngày và chỉ ở với bố. Mỗi ngày, người này chỉ được ăn cơm và rau, không ăn thịt.

Người Dao Tiền sinh sống chủ yếu tại xã Cư Suê, huyện Cư M'gar. Nhiều năm nay lễ cấp sắc của họ đã dần loại bỏ bớt thủ tục không cần thiết để đỡ tốn kém nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Trước đây, lễ cấp sắc diễn ra suốt ba ngày ba đêm, nay được gói gọn trong một ngày một đêm.

Thầy cúng treo tranh chuẩn bị lễ cấp sắc. 

Đã 52 tuổi và lấy vợ từ lâu, nhưng ông Triệu Sinh Nghĩa (trú xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) vẫn chưa trải qua lễ cấp sắc. Vừa qua ông Nghĩa mới trải qua nghi lễ này và trở thành con cháu Bàn Vương. Ông Nghĩa chia sẻ: “Là một người đàn ông dân tộc Dao, tôi rất vui khi được làm lễ cấp sắc. Đối với người Dao chúng tôi, là đàn ông phải trải qua nghi lễ này mới được mọi người công nhận là trưởng thành. Trước đây tôi thấy mọi người làm lễ rất lâu, phải mất mấy ngày nhưng hiện giờ chỉ gói gọn một ngày một đêm nên rất tiện. Đây là phong tục tốt đẹp của cha ông để lại nên tôi thấy rất tự hào. Đây cũng là dịp để người nhà, họ hàng được quây quần bên nhau”.

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao được truyền lại nhiều đời qua. Người được cấp sắc thông qua nghi lễ này sẽ được tìm hiểu về lịch sử, cội nguồn và ý nghĩa của những bài cúng, tích truyện mà thầy cúng đọc để từ đó nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. 

Chứng kiến lễ cấp sắc mới thấy được đời sống tinh thần phong phú và sinh động của dân tộc Dao với những giai điệu trống, chiêng, những bài hát và điệu nhảy… Quan trọng, lễ cấp sắc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người Dao, thể hiện tôn sư trọng đạo, kính trọng ông bà, tổ tiên, giúp họ luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Đinh Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.