Phong vị Tết của người Nùng trên cao nguyên
Mang theo niềm tự hào của những người con ở xã Tự Do (huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) – xã được Bác Hồ đặt tên, vào sinh sống lập nghiệp ở Đắk Lắk, dù đã 35 năm trôi qua, đồng bào Nùng ở thôn 3 (xã Cư Prông, huyện Ea Kar) vẫn luôn gìn giữ phong vị Tết cổ truyền. Họ xem đây như là một sợi dây kết nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của cha ông với thế hệ trẻ.
Trân quý những nghi lễ thiêng liêng
Như thường lệ, từ ngày 23 tháng Chạp, vợ chồng anh Vương Văn Trần ở thôn 3 lại gác hết mọi công việc nương rẫy, đồng áng để dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Từ ngày 25 tháng Chạp trở đi, đàn ông của những gia đình trong xóm sẽ cùng nhau mổ heo, phụ nữ ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, bánh tét.
Không khí Tết càng thêm rộn ràng khi những mẻ bánh khảo, bánh tro, bánh dày - những loại bánh truyền thống của dân tộc Tày, Nùng ra lò. Trẻ con trong nhà được ưu tiên cho thưởng thức trước, tiếng cười vang khắp căn nhà sàn truyền thống.
Trong những ngày Tết cổ truyền, người Nùng thường đến thăm nhà, chúc Tết nhau. |
Sáng ngày 30 Tết, anh Trần mặc bộ quần áo tươm tất, lau dọn bàn thờ, thay lại câu đối. Bàn thờ của người Nùng có hai tầng, tầng trên thờ tổ tiên, tầng dưới thờ ông bà, cha mẹ. Anh Trần nói rằng, người đàn ông trong gia đình phải đảm trách việc này, thể hiện lòng thành kính, biết ơn ông bà tổ tiên. Các câu đối với ý nghĩa chúc bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc được trang trí ngay tại gian thờ - gian trung tâm, quan trọng, linh thiêng nhất của nhà sàn.
Chiều 30 Tết, tất cả các gia đình của người Nùng đều chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn với đầy đủ các món dâng lên ông bà, tổ tiên. Con cháu trong gia đình dù đi làm ăn xa cũng đều về cùng quây quần bên mâm cơm. Đây không chỉ đơn thuần là một bữa ăn mà là dịp sum họp, đoàn viên. Con cháu sẽ báo cáo lại những việc đã làm được trong năm qua. Người lớn tuổi trong nhà động viên, nhắc nhở thế hệ trẻ cùng cố gắng hơn trong năm mới và bỏ qua cho nhau những gì khúc mắc, xích mích trong năm cũ.
Người Nùng phân chia các ngày Tết với ý nghĩa khác nhau. Mùng 1 tết cha (bên nội), mùng 2 tết mẹ (bên ngoại), mùng 3 tết thầy, mùng 4 tết bạn. Trong số những ngày đó, thì riêng ngày mùng 2 tết, con gái đi lấy chồng phải chuẩn bị lễ gồm gà, thịt, bánh, rượu trắng để về thắp hương lên bàn thờ tổ tiên và chúc tết bố mẹ, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với đấng sinh thành, nuôi dưỡng mình.
Những nét văn hóa, văn nghệ ngày xuân
Là một trong số những người định cư tại Cư Prông từ những ngày đầu của 35 năm về trước, Bí thư Chi bộ thôn 3 Hoàng Văn Phoóng rất tự hào bởi những người con xa quê vẫn luôn có ý thức giữ gìn phong vị Tết cổ truyền theo phong tục của dân tộc Nùng. Trên quê hương mới, bà con luôn đoàn kết, gắn bó, chúc Tết, thăm hỏi lẫn nhau, mời nhau chén rượu xuân, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và thể hiện lòng hiếu kính với ông bà tổ tiên, gia đình hai bên.
Trò chơi đánh cù của người dân tộc Nùng ở thôn 3 (xã Cư Prông, huyện Ea Kar). |
Ngoài những lễ nghi, hương vị tết cổ truyền luôn được gìn giữ nhiều năm qua thì những nét văn hóa, văn nghệ như đàn tính, hát then, hát lượn (hát giao duyên), các trò chơi mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc cũng được các hộ dân nơi đây lưu giữ và giao lưu với đồng bào các dân tộc khác qua lễ hội vui xuân.
Lời ca, tiếng đàn cất lên trong những ngày xuân cùng với những trò chơi dân gian như: lày cỏ, đánh cù, kéo co, đẩy gậy... được tổ chức ở một không gian rộng lớn như giao hòa cùng thiên nhiên, đất trời là cách để những người Nùng xa quê nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, về cội nguồn của mình.
Là người con của quê hương Cao Bằng, bao năm qua, ông Hoàng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prông luôn nỗ lực tuyên truyền, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và tạo sự kết nối, giao lưu giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã. Ông tâm sự rằng: “Muốn giữ được hồn cốt của dân tộc thì phải giữ được bản sắc văn hóa. Dù sống xa quê, xã hội ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày càng đổi mới, hiện đại thì các thế hệ cha ông vẫn phải trao truyền cho con cháu những nét đẹp văn hóa truyền thống. Đó chính là sự tiếp nối, lưu truyền của mạch nguồn văn hóa”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc