"Quả ngọt" từ dự án bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
Tham gia Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk mới đây, Đội chiêng trẻ Êđê Bih (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã xuất sắc đạt giải B cho tiết mục biểu diễn và giải Đội chiêng trẻ tuổi nhất. Đó là những “quả ngọt” đầu tiên sau 2 tháng được truyền dạy và rèn luyện đánh cồng chiêng của đội.
Thành viên của Đội chiêng trẻ Êđê Bih là các học viên của Lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Êđê Bih (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). Chị H’Dim Êban (nghệ nhân đội chiêng) chia sẻ: “Do học viên là 20 bé gái ở độ tuổi từ 6 - 12 nên đôi khi trong quá trình tập luyện còn ham chơi. Đồng thời, đây là học đánh chiêng Jhô (toàn bộ hoạt động diễn tấu dàn chiêng đều do phụ nữ thực hiện) nên nhiều em thấy khó, muốn bỏ ngang. Nhưng các nghệ nhân đã tìm phương pháp phù hợp, kiên trì chỉ dạy cho các học viên từ những tiết tấu đơn giản nhất; luyện tập liên tục; ban quản lý lớp thường xuyên có mặt theo dõi, động viên… để các em có thể hiểu, yêu thích, gắn bó với nghệ thuật cồng chiêng và gìn giữ đến mai sau”.
Nhờ vậy, các học viên nhỏ tuổi đã dần nắm bắt và diễn tấu thành thục các bài chiêng Đón khách, Cúng lúa mới, Cúng bến nước và múa xoang khá đẹp.
Các học viên và nghệ nhân tại Lớp truyền dạy đánh chiêng Jôh (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana). |
Lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ Êđê Bih là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (Dự án) do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc (JBCIA) hỗ trợ; thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến hết tháng 12/2022.
Ngoài mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, Dự án còn thực hiện cấp chiêng và trang phục truyền thống, phục dựng nghi lễ truyền thống, sưu tầm một số bài chiêng trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống để tư liệu hóa, làm cơ sở bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng tại các huyện: Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư M’gar. Hầu hết các hoạt động đều được người dân ủng hộ, tham gia và thực hành trong cộng đồng.
Bà Châu Thị Hồng Mai, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ
|
Đơn cử như chương trình Phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của người M’nông tại (buôn Jiê Juk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) đã thu hút được đông đảo bà con trong xã quan tâm tham gia, tìm hiểu.
Người dân háo hức vì khá lâu rồi được chứng kiến một nghi lễ theo đúng phong tục truyền thống, nhất là các bạn trẻ; vì không phải gia đình hay cộng đồng nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện.
Hay chương trình khảo sát về các bài chiêng truyền thống của người Êđê, M’nông trên địa bàn tỉnh, đã có 500 phiếu điền thông tin từ những người am hiểu, biết về các nghi lễ - lễ hội tại các huyện được thụ hưởng Dự án. Bộ chiêng và trang phục truyền thống tặng các đội chiêng, buôn được người dân, nghệ nhân yêu thích; thường xuyên sử dụng trong các dịp lễ, hội, việc lớn của buôn, làng…
Nghệ nhân Y Bắc Liêng Hót (buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) tâm tình: “Buôn Liêng Ông được cấp chiêng, cấp trang phục, lại được hỗ trợ tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, ai cũng hồ hởi và vui mừng. Tôi luôn khuyên các cháu phải thường xuyên tập luyện, thực hành ở những dịp quan trọng… Như vậy, truyền thống của dân tộc có điều kiện để nối tiếp và phát triển”.
Bà Châu Thị Hồng Mai, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ thông tin thêm, Dự án được triển khai trong thời điểm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc nên nhận được nhiều sự quan tâm của nước bạn cũng như truyền thông quốc tế; nhờ đó đã đạt được "mục tiêu kép", vừa bảo tồn, vừa nâng tầm trong việc quảng bá văn hóa cồng chiêng.
Nghệ nhân Y Bắc Liêng Hót truyền dạy cồng chiêng cho học viên Lớp truyền dạy cồng chiêng trẻ dân tộc M’nông tại buôn Liêng Ông (xã Đắk Phơi, huyện Lắk). |
Dự án đến nay đã kết thúc, dù quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn nhưng với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, nỗ lực của cán bộ chuyên môn, người thụ hưởng…, Dự án đã đạt được những kết quả khả quan.
Các nghệ nhân, cộng đồng nơi hưởng thụ Dự án đã ý thức hơn trong việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình; bước đầu đã nhận thấy được lợi ích của việc giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với phát triển đời sống kinh tế. Đồng thời, đó chính là nền tảng để công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh được nhân rộng và phát triển.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần duy trì hỗ trợ và có định hướng để các học viên được tiếp tục tập luyện nâng cao, tạo đội ngũ kế cận trong thời gian tới; định hướng mỗi buôn phải có ít nhất một đội cồng chiêng, đội văn nghệ hoặc câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Hy vọng rằng, các đơn vị, ngành văn hóa sẽ tạo điều kiện để các học viên, đội cồng chiêng… của các địa phương được giao lưu, quảng bá, trình diễn đánh chiêng phục vụ khán giả trên địa bàn tỉnh, du khách trong nước và quốc tế.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc