Multimedia Đọc Báo in

Sắc màu thổ cẩm trong sản phẩm nghệ thuật Macrame

04:18, 26/01/2023

Từ nghệ thuật thắt nút tạo hoa văn (macrame) kết hợp với thổ cẩm của người Êđê, chị Đinh Quý Lâm Phương (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã tạo ra những sản phẩm thủ công độc đáo, mới lạ được khách hàng ưa chuộng, qua đó góp phần giữ gìn và phát huy nghề dệt của dân tộc bản địa.

Dù đang có nguồn thu nhập ổn định từ nghề kinh doanh đồ nội thất, nhưng vốn là người có niềm đam mê với đồ handmade, năm 2018 chị Phương quyết định tạm gác công việc để vào TP. Hồ Chí Minh học làm những sản phẩm macrame.

Chị Phương cho biết: “Macrame là nghệ thuật thắt dây sử dụng các nút thắt đơn giản để tạo thành họa tiết cho sản phẩm phục vụ nhu cầu trang trí ngôi nhà, nhằm tạo điểm nhấn khác biệt cho không gian.

Bằng những nút thắt cơ bản (nút thầm lặng, nút vuông, nút vặn xoắn, nút tạo viền…), người làm có thể tạo ra một sản phẩm dễ thương, xinh xắn mang phong cách riêng của mỗi người.”

Chị Phương tận dụng những rẻo thổ cẩm thừa để làm nên những đồ vật xinh xắn.

Mục đích ban đầu học để làm ra những sản phẩm phục vụ trong gia đình, nhưng chính vẻ đẹp từ những nút thắt nghệ thuật đã thôi thúc chị Phương làm nhiều hơn. Cứ có thời gian rảnh rỗi, chị lại mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm mới và muốn được chia sẻ thành quả đó đến với nhiều người hơn. Năm 2019, chị quyết định mở cửa tiệm sản xuất và kinh doanh sản phẩm macrame với tên gọi Lâm Phương Handmade. Với mong muốn sản phẩm mình làm ra mang dấu ấn riêng, chị Phương đã có ý tưởng mang sắc thái của thổ cẩm của người Êđê vào trong sản phẩm macrame.

Để có nguồn thổ cẩm phục vụ cho việc làm ra sản phẩm, thông qua kênh của Hội LHPN phường Thành Nhất, chị đã kết nối được với các nghệ nhân dệt thổ cẩm ở buôn Ky để đặt dệt và nhận thu mua toàn bộ thổ cẩm do họ làm ra. Nhờ sự kết hợp một cách hài hòa, khéo léo giữa màu sắc thổ cẩm và họa tiết từ nghệ thuật macrame mà chị Phương đã sáng tạo ra được những sản phẩm thủ công vừa có sự cổ điển vừa mang hơi hướng hiện đại không kém phần sang trọng. Theo chị Phương, với chiếc khăn trải bàn có phần thân là thổ cẩm nguyên tấm kết hợp với phần viền là những họa tiết được làm từ kỹ thuật thắt nút vừa giúp cho tấm khăn được phẳng lại trông rất lạ mắt. Hay chiếc gối tựa với lớp vỏ được làm từ vải thổ cẩm và trang trí tạo điểm nhấn bởi họa tiết macrame tạo sự tươi mới. Ngoài ra, chị Phương còn làm ra nhiều sản phẩm khác phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa (mành treo tường, rèm cửa, xích đu, dây treo cây, võng…) hoặc các phụ kiện như túi xách, khăn choàng...

Chị Phương giới thiệu những sản phẩm từ nghệ thuật macrame kết hợp với thổ cẩm của người Êđê.

Khi còn ít người biết đến và khách hàng chưa quen với sản phẩm mới lạ này, chị Phương quay video, đăng tải hình ảnh, chia sẻ ý tưởng, quá trình làm nên sản phẩm lên trang Facebook, Tiktok, Youtube để giới thiệu, quảng bá; đồng thời mở website để bán online. Chính vẻ đẹp độc đáo cùng với sự đa dạng trong mẫu mã thiết kế, sản phẩm của chị nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi người và ngày càng có nhiều khách hàng ưa thích, đặt hàng, nhất là các công ty trang trí nội thất, thiết kế nhà ở. Nhờ vậy, lượng khách hàng thân thiết tăng lên nhiều và mang lại cho chị nguồn thu nhập khá ổn định. Trung bình mỗi tháng chị xuất ra thị trường từ 10 - 20 sản phẩm các loại, với giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng (tùy theo kích cỡ sản phẩm). Ngoài ra, chị còn tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương, với hình thức làm và hưởng lương theo sản phẩm.

Hiện nay, mọi người có thể dễ dàng bắt gặp những sản phẩm của chị tại các nông trại, quán cà phê, trà sữa, khu du lịch, homestay… tại TP. Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Nhiều khách hàng muốn được sở hữu những món đồ độc đáo theo mẫu họ thiết kế, vì vậy ngoài những món đồ có sẵn, chị Phương còn nhận làm theo đơn đặt hàng, tổ chức các buổi học tại cửa hàng để hướng dẫn, bán nguyên liệu cho khách hàng về tự thiết kế, làm ra sản phẩm. Trong quá trình làm, chị tận dụng những rẻo thổ cẩm thừa làm nên những chiếc cài tóc, dây đeo tay để làm quà lưu niệm cho khách mỗi khi ghé cửa hàng, góp phần giới thiệu và tôn vinh nét đẹp văn hóa của dân tộc Êđê. Chị Phương cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tập hợp các bạn trẻ dệt thổ cẩm trên địa bàn phường để dạy nghề thắt nút miễn phí. Từ đó cùng nhau tạo ra những sản phẩm thủ công kết hợp với dệt thổ cẩm giúp các bạn có thêm thu nhập để “sống tốt” với nghề và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê lưu giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.