Multimedia Đọc Báo in

Tâm thức cồng chiêng

09:35, 19/01/2023

Tâm thức cồng chiêng, hay nói dễ hiểu hơn là linh hồn của cồng chiêng Tây Nguyên chính là những thông điệp luôn được cộng đồng các dân tộc ở đây “mã hóa” trong những âm thanh trầm bổng kia.

Và tất nhiên, cồng chiêng của bất kỳ bộ tộc nào cũng chỉ được diễn tấu trong không gian “thiêng” của nó - là lễ hội truyền thống, nghi thức cúng tế trang trọng gắn với tín ngưỡng cổ xưa về đời sống sản xuất nông nghiệp cũng như vòng đời của con người từ khi sinh ra, lớn lên cho đến khi trở về với đất. Có thể nói, không gian ấy được sinh thành một cách tự thân, thuận theo nhu cầu tinh thần trong mỗi tộc người bản xứ.    

Chính vì thế, khi cồng chiêng được diễn tấu, người nghe/thưởng thức không chỉ dừng lại ở mức cảm nhận riêng âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu của nó theo tư duy âm nhạc, mà phải hiểu thêm đằng sau đó “tiếng chiêng nói gì” và mang ý nghĩa thông báo ra sao với cộng đồng. Có như thế mới biết, một khi tiếng chiêng ngân lên là mọi người tụ tập lại và hiểu ra ở đó đang diễn ra việc gì: lễ mừng lúa mới, cúng người chết, bỏ mả, lễ thổi tai cho đứa trẻ hay đón khách xa về… Tất cả đều được các cộng đồng dân tộc ở Tây Nguyên “mã hóa” trong từng tiếng chiêng của mình. Chính sự độc đáo và đặc sắc này nên UNESCO mới công nhận Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nếu đánh mất điều đó thì cồng chiêng ở đây không còn ý nghĩa gì nữa.   

Xoang theo nhịp chiêng trong Lễ mừng cơm mới của người Xê Đăng (buôn Kon Hring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) .
 

“Nói cho cùng, văn hóa cồng chiêng thật sự có ý nghĩa khi được gắn liền với lễ nghi, phong tục, lễ hội và tín ngưỡng dân gian. Tách cồng chiêng ra khỏi môi trường ấy, coi như những giá trị tiêu biểu, đặc trưng và độc đáo của cồng chiêng không còn nữa”.

 
Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột)

Nhận thức được điều đó nên trong những năm qua, chính quyền và chủ nhân của vốn di sản này ở Tây Nguyên đã nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng bằng nhiều phương thức, giải pháp hữu hiệu. Ví như ở Đắk Lắk, đã có ít nhất ba đề án về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng kéo dài thường xuyên và liên tục trong gần hai thập niên qua.

Đặc biệt là Đề án “Bảo tồn và phát huy Văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020” (hiện đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2021 - 2025) đã có bước đột phá thực chất và đáng ghi nhận. Đó là các giá trị cốt lõi của Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được chú trọng hơn trên tinh thần công nhận của UNESCO - rằng cồng chiêng phải được đặt trong môi trường “thiêng” của mỗi cộng đồng, dân tộc cụ thể. Môi trường “thiêng” ấy là lễ hội, nghi thức, nghi lễ thực hành văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh để qua đó âm thanh ấy thông đạt giữa con người với con người, giữa con người với vạn vật.

Chia sẻ về điều này, Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan, Y Suen Niê (TP. Buôn Ma Thuột) cũng như những người có mối quan tâm, hiểu biết về cồng chiêng ở đây cho rằng: Văn hóa cồng chiêng đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ của “người trong cuộc”, chứ không còn qua loa, nhạt nhòa, thậm chí méo mó như trước - làm mất đi bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu được thế giới tôn vinh. Nói đầy đủ hơn là cồng chiêng được trả về nơi chốn sinh thành của nó: là nghi lễ, phong tục và lễ hội truyền thống...

Ở đó, chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục, đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua hình tượng nghệ thuật trình diễn, hát múa theo loại hình âm nhạc đặc sắc này cũng được chuyên chở, thăng hoa trong tâm hồn những ai có dịp thưởng thức và cảm nhận. Chính điều đó đã tạo ra cách tiếp cận cũng như cái nhìn đúng đắn hơn về đời sống văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Tiếng chiêng trong Lễ cầu mưa của người Êđê.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân (nguyên Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk) nhìn nhận: Thời gian qua, một trong những nội dung quan trọng về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở đây là khảo sát, phục dựng lại nghi thức, lễ hội truyền thống có quan hệ mật thiết với cồng chiêng của các tộc người tại chỗ đã được chú trọng hơn, tạo môi trường “thiêng” cho di sản văn hóa này thể hiện những giá trị cốt lõi của mình. Có thể nói, đến nay cồng chiêng ở đây đã thật sự âm vang trở lại không những bằng nghệ thuật diễn xướng, trình diễn âm nhạc, vũ điệu thuần túy, mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thông điệp có ý nghĩa được mỗi cộng đồng, dân tộc gửi gắm và phát đi trong không gian văn hóa được phục dựng, tái hiện chân thật và toàn vẹn.  

Từ mối quan tâm và nỗ lực trên cho thấy cồng chiêng đã có sức sống mới, được tạo lập trên nền tảng kế thừa và phát huy tích cực. Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung không biến mất trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử, xã hội nào, vì ngay từ khi sinh thành nó đã mang trong mình bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần vốn phong phú của con người. Mặc dù hiện nay, tuy chức năng xã hội, tâm linh bị giảm thiểu hay phai nhạt đi ít nhiều, nhưng chức năng biểu hiện cảm xúc, hay nói cách khác là chính hình tượng nghệ thuật của cồng chiêng luôn mô tả, chuyên chở cảm xúc con người, cộng đồng trước hiện thực đời sống vẫn còn - và âm vang ấy đã trở thành một bộ phận hữu cơ trong dòng chảy văn hóa truyền thống - đương đại Việt Nam.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.