Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp nếp nhà truyền thống

08:37, 26/02/2023

Dù đã sinh sống tại Tây Nguyên vài chục năm nay nhưng những người Tày, Nùng ở khắp các địa phương trên địa bàn Đắk Lắk vẫn lưu giữ bản sắc văn hóa, không chỉ luôn hướng về quê hương, mà còn xây dựng nên một đời sống tinh thần vui tươi, hạnh phúc.

Những nếp nhà sàn ở Cư Prông

Xã Cư Prông (huyện Ea Kar) là nơi có đông người Nùng An di cư từ tỉnh Cao Bằng vào lập nghiệp. Sau hơn 30 năm, đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Dù cuộc sống có trải qua bao thăng trầm, nhưng bà con vẫn gìn giữ được truyền thống của dân tộc như ẩm thực, trang phục, đặc biệt là những nếp nhà sàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prông Hoàng Quốc Việt thông tin, năm 1988, khi bà con ở xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên (nay là xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) di cư vào lập nghiệp thì vùng đất này còn rất hoang sơ, cuộc sống rất khó khăn. Đến nay, đời sống đã từng bước được nâng cao, kinh tế phát triển ổn định, có điều kiện xây nhà khang trang, nhưng người dân trong thôn vẫn giữ nhà sàn truyền thống như một cách để hướng về cội nguồn dân tộc.

Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Nùng ở thôn 3 (xã Cư Prông, huyện Ea Kar).

Đơn cử như tại thôn 3 có 120 hộ dân thì có gần 100 hộ có nhà sàn. Nhà sàn hoàn toàn bằng gỗ, 42 - 56 cây cột, thường là bốn mái, có hai tầng, tầng dưới để dụng cụ lao động, tầng trên là không gian sinh hoạt của gia đình. Thường thì tầng trên có ba gian chính và hai gian phụ; nhà đông người thì có thể có năm gian chính... Để xây dựng một ngôi nhà sàn, mất ít nhất từ 3 - 5 năm chuẩn bị nguyên vật liệu; từ những cây gỗ bình thường cần đẽo gọt, ngâm cho chắc chắn, chống mối mọt, rồi mới mang dựng nhà.

Đặc biệt, ngôi nhà sàn được xây dựng bởi sự đoàn kết trong toàn thôn. Khi dựng mỗi ngôi nhà, những người đàn ông trong thôn (khoảng 15 người) sẽ chung tay lo khâu thợ thuyền, kỹ thuật, phụ nữ giúp nhau lo khâu hậu cần. Ngoài giúp công, giúp sức, còn giúp vật chất nếu thiếu. Khoảng hơn hai tháng ngôi nhà sẽ được hoàn thành.

Do đó nhà sàn nơi đây không chỉ là nét đẹp về kiến trúc truyền thống của người Tày, Nùng mà còn là nét đẹp của sự đoàn kết, tình cảm mọi người gắn bó với nhau. Đối với bà con nơi đây, nhà sàn không chỉ là tài sản mà là báu vật trên quê hương mới, luôn được trân trọng giữ gìn.

Hát then - đàn tính ở Ea Kênh

Xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc) hiện có 2.972 hộ; trong đó, có khoảng 500 hộ dân tộc Tày, Nùng, sống tập trung chủ yếu tại hai thôn Thanh Xuân và Thanh Bình. Từ các tỉnh phía Bắc vào định cư, họ đã mang theo điệu hát then - đàn tính, trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc tại địa phương.

Là một trong những người vào định cư nơi đây, bà Lý Thị Hồng (70 tuổi) cho hay: “Cho dù cuộc sống có nhiều khó khăn, công việc bộn bề, nhưng khi cầm cây đàn tính và hát những làn điệu then thì bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến, nó là món ăn tinh thần không thể thiếu của chúng tôi. Tôi mong muốn các con, các cháu, thế hệ trẻ sau này cũng tập hát then, tập đàn tính để cùng lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Các thành viên Câu lạc bộ hát then - đàn tính dân tộc Tày, Nùng ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).

Niềm mong mỏi của bà Hồng và những người con Tày, Nùng hai thôn Thanh Bình, Thanh Xuân đã bắt đầu được hiện thực hóa khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ xã Ea Kênh thành lập Câu lạc bộ hát then - đàn tính dân tộc Tày, Nùng (CLB) và mở lớp truyền dạy đàn tính, hát then vào cuối tháng 12/2022. CLB có với 26 thành viên, độ tuổi từ 17 - 70 , trở thành là nơi sinh hoạt của những người con Tày, Nùng yêu đàn tính - hát then; đồng thời cũng là nơi phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân, đặc biệt là lớp trẻ có năng khiếu hát then - đàn tính, để tạo đội ngũ kế cận trong tương lai. Qua đó, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy và đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.

Theo bà Triệu Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm CLB, hát then - đàn tính là văn hóa truyền thống của dân tộc Tày, Nùng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, được truyền dạy, giữ gìn và bảo tồn qua bao đời nay. Trước đây, khi chưa có CLB, người dân ở hai thôn Thanh Bình, Thanh Xuân vẫn thường xuyên tụ họp và sinh hoạt văn nghệ, ôn luyện các điệu hát, tập đàn và tham gia các chương trình ở thôn, xã. Nay thành lập CLB thì việc sinh hoạt, tập luyện càng đều đặn hơn, được chú trọng hơn. Mỗi thành viên đều tự trang bị trang phục dân tộc, nhạc cụ như đàn tính, sóc nhạc, quạt… để duy trì luyện tập, ca múa.

Bà Trần Thị Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kênh cho biết, trong thời gian tới UBND xã sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện duy trì và mở rộng CLB, , thu hút nhiều người tham gia nhằm phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật truyền thống này và nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.