Đặc sắc Hội vật truyền thống Vụ Bổn
Theo chân những người dân Bắc Giang vào Đắk Lắk lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hội vật Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) được cư dân duy trì, tổ chức hằng năm với ý nghĩa nhắc nhớ về cội nguồn quê hương, tạo không khí vui tươi, sân chơi lành mạnh cho các đô vật tranh tài và du khách tham quan…
Ông Vũ Hồng Sơn, người đã có mặt từ những ngày đầu trên mảnh đất kinh tế mới hồi tưởng lại: “Xã vùng sâu Vụ Bổn những năm 1990 về trước còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở, những người dân Bắc Giang chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, sống tập trung, quây quần ở thôn Đoàn Kết. Những khi Tết đến, xuân về, để vơi bớt nỗi nhớ cội nguồn, mọi người tổ chức hội vật – môn thể thao truyền thống mà Bắc Giang là một trong những “cái nôi” sản sinh ra với sự tham dự của các trai làng.
Đều đặn như thế, hội vật ngày càng phát triển, mở rộng quy mô. Đến năm 2007, UBND huyện Krông Pắc nâng tầm hội vật lên thành Giải vật truyền thống huyện và quảng bá rộng rãi, từng bước gây dựng “thương hiệu”, trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện trong những ngày đầu xuân”.
Hai đô vật tranh tài tại Hội vật. |
Định kỳ đến rằm tháng Giêng, du khách xa gần tấp nập đổ về với Vụ Bổn du xuân, cổ vũ các đô vật thi thố tài năng và tìm hiểu, khám phá thêm một môn thể thao truyền thống đặc sắc, chỉ duy nhất có ở xã Vụ Bổn.
Khi vào đến đầu thôn Đoàn Kết, du khách đã nghe âm thanh rộn ràng, dồn dập của tiếng trống hội, cổ vũ các đô vật hòa trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả.
Càng đến gần sới vật, không khí càng sôi động, dòng người tấp nập, đông đảo, tạo nên không khí lễ hội tươi vui. Xung quanh sới vật, người người chen chúc, cố tìm cho mình một vị trí thuận lợi để theo dõi, cổ vũ các tay đô.
Sới vật hình tròn, rộng đủ để các tay đô di chuyển, tranh tài được đắp bằng cát cao hơn khoảng 0,5 – 1 m so với mặt bằng.
Trong sới vật, các tay đô tranh tài căng thẳng, kịch tính, trổ hết tài năng, sức lực, giở những “miếng đánh” sở trường để có thể nhấc đối thủ lên không hoặc vật đối thủ ngã xuống sới trong tư thế “lấm lưng trắng bụng” và giành chiến thắng.
Năm nay, hơn 110 đô vật đến từ các tỉnh thành như Đắk Nông, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Huế và chủ nhà Đắk Lắk hội tụ về sới vật, thi đấu liên tục trong hai ngày mới tìm ra được đô tài xứng đáng với giải lèo chính.
Đô vật Nguyễn Văn Cường (xã Vụ Bổn) năm nào cũng tham gia tranh tài, thử sức với các anh đô đến từ khắp mọi miền đất nước. Với tư cách chủ nhà, năm nay Nguyễn Văn Cường xung phong đăng ký giữ đầu lèo giải nhất, giải quan trọng nhất của hội vật.
Điều này đồng nghĩa với Nguyễn Văn Cường chấp nhận so tài với tất cả các đô vật muốn phá đầu lèo giải nhất, đến khi không còn đối thủ nào mới thôi. “Thực tế thì không đô nào muốn giữ vị trí này, bởi khó duy trì thể lực khi phải thắng tất cả các đô tài để đoạt giải. Song với tinh thần thượng võ, giao lưu, tôi muốn tiên phong để tạo khí thế sôi nổi”.
Trong khi đó, đến từ tỉnh Bình Thuận, đô Nguyễn Văn Diện đoạt giải Nhất, giải chính thì cảm nhận, mỗi năm cuộc so tài căng thẳng, khắc nghiệt hơn, bởi các đô tham gia đều là những anh đô có tên tuổi đến từ mọi miền, nghe tiếng hội vật tìm đến thử sức nên chất lượng hội vật ngày được nâng cao.
Khán giả xem, cổ vũ các đô vật tranh tài ngoài việc được thưởng thức những “miếng đánh” đẹp, pha vật giằng co kéo dài còn được tìm hiểu nét đẹp của môn võ truyền thống này qua những bài xe đài của các đô vật trước khi giao đấu với những động tác uyển chuyển, nhẹ nhàng, đẹp mắt đến từ những thân hình vạm vỡ, cơ bắp săn chắc của các đô vật, cũng như có dịp mở mang kiến thức qua keo vật thờ, bái tổ, khai hội, cầu quốc thái dân an, năm mới an khang thịnh vượng, nhà nhà no ấm.
Hát quan họ lần đầu tiên được trình diễn tại Hội vật. |
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Trưởng Ban tổ chức Giải vật truyền thống huyện Krông Pắc mở rộng năm 2023 thì sau 3 năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giải tiếp diễn với ý nghĩa phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần của nhân dân trong, ngoài địa phương, đồng thời qua đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, duy trì, phát triển môn thể thao đậm tinh thần thượng võ của dân tộc.
Thông qua giải, mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là Hội vật Vụ Bổn, UBND huyện xúc tiến xây dựng hội vật trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng của địa phương, thu hút du khách đến với Krông Pắc ngoài lễ hội sầu riêng.
Với ý nghĩa đó, năm nay ngoài Hội vật, Ban tổ chức còn tổ chức thêm các hoạt động thể thao sôi nổi khác như: bóng chuyền, bóng đá, cờ tướng.
Đặc biệt lần đầu tiên du khách đến với Vụ Bổn trong những ngày diễn ra Hội vật đã được thưởng thức những làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm do các liền anh, liền chị trình diễn trên sông nước nên thơ ngay trên cao nguyên lộng gió.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc