Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích từ mái hiên…

06:45, 13/03/2023

Tuổi thơ tôi gắn với hiên nhà, ngôi nhà tranh hai chái ba gian có cái hàng ba (tức mái hiên) rất rộng đằng trước. Nhà Việt xưa kết cấu rất khác với các kiểu nhà đương đại: các gian trong chỉ dành làm nơi ngủ nghỉ, thờ cúng; chái làm kho hoặc bếp, đương nhiên "không gian sống" cho mọi sinh hoạt còn lại – từ ăn uống, chuyện trò, khách khứa… dồn hết nơi cái mái hiên.

Nhà ba gian nên hiên cũng theo nếp nhà trong mà tàm tạm chia ba: gian giữa cha đặt bộ bàn nước để ngồi chơi hoặc tiếp khách. Cái "phòng khách" ấy được chắn trước bằng một tấm phên tre đan (được gọi là "phên cáo") như tấm bình phong để che mưa nắng. Chỉ che bớt nắng mưa - chứ phên đan thưa nên gió với ánh sáng nhẹ vẫn lọt vào đủ để người ngồi chơi nghe thoáng mát mùa hè, sáng sủa, ấm áp mùa đông. Giờ nhắc lại chuyện xưa mới nghĩ ra chứ hồi nhỏ ấy là chỗ dành cho cha tiếp khách, bàn chuyện người lớn.

Minh họa: Trà My

Không chỉ con cái, ngay cả mẹ cũng ít "ngồi bàn" (trừ khi có việc quan trọng!). Mẹ thích trải chiếu gian bên, thoải mái ngồi bệt duỗi chân, lưng dựa tường hơn. Ấy là lúc mẹ cần vá may, trò chuyện với các bà các cô hàng xóm đến chơi – hay đơn giản chỉ muốn hóng mát, bắt chấy chải đầu hoặc kể "chuyện đời xưa" (cổ tích) cho mấy đứa con. Cơm ăn ngày ba bữa mẹ cũng dọn ra hiên. Dọn đất, ngồi đòn cho sạch và dễ quét thức ăn rơi vãi. Những bữa cơm đầm ấm bên hiên nhà mâm đặt giữa, nồi xoong dồn phía trước. Phía ấy (gọi là "đầu nồi") mẹ lãnh phần ngồi xới cơm, gắp cá, múc canh. Cha ngồi đối diện phụ mẹ. Vị trí còn lại quanh mâm chừa phần các con. Con mực nằm vòng ngoài cách một quãng xa, mõm kê lên hai chân trước mắt lim dim. Thấy vậy đừng tưởng cu cậu ngủ quên, chỉ cần một cục xương lia ra mực ta đã thoắt cái chồm dậy, ngoạm chạy biến ra sân…

Mùa hè, manh chiếu của mẹ càng thường trực được trải ra hiên bởi trong nhà nóng lắm. Vừa nóng vừa tối, không làm việc ngủ nghê gì được. Trưa đứng gió, mấy mẹ con lăn đùng ra hiên quạt mo phạch phạch trong khi cha ngả người đung đưa trên chiếc võng treo giữa hai thân cột. Đêm thì khỏi nói, xong cơm chiều hiên sẽ trở thành nơi tập trung trò chuyện của người lớn; nơi cười đùa, giỡn, bày trò chơi của trẻ con. Khí mát trời đêm phẩy nhẹ vô hiên, xua đi cái oi ả sót lại của ngày. Tôi mê nhất những đêm trăng trải chiếu hiên nhà nằm ngắm trăng trôi nghe mẹ kể chuyện. Mẹ, bà nông dân chân lấm tay bùn một chữ bẻ đôi không biết, ấy vậy chẳng hiểu bằng cách nào mà mẹ thuộc, nhớ rất nhiều những chuyện đời xưa. Chuyện kể của mẹ cứ liên miên chắp nối nhiều đêm, "trường thiên" không kém câu chuyện của nàng Seherazate trong “Nghìn lẻ một đêm”. Vậy nên nghe xong đêm này, hôm sau lại háo hức, nôn nao mong cho… trời mau tối để nghe tiếp phần sau! Nghe lâu thành nhớ, thuộc - và cái "kiến văn cổ tích" từ mái hiên ngôi nhà thân thương cứ ngày một dày thêm, ám ảnh thêm. Ám ảnh đến mức sau này mỗi khi có ý định cầm bút viết về những hoài niệm tuổi thơ, hình ảnh đầu tiên hiện trong tâm trí tôi luôn là cái hàng ba lát gạch tàu cũ kĩ rêu phong với cột kèo lên nước; nơi có thằng cu Út luôn rất khoái việc cà rà theo mẹ từ khi ăn cho chí lúc ngủ.

…Và cực khoái đương nhiên là được nằm khoanh trong lòng mẹ một đêm trăng nghe kể chuyện đời xưa…

Y Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.