Ngày hội đa sắc màu văn hóa ở phố núi
Sau thời gian phải tạm hoãn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tháng ba này, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X, năm 2023 đã diễn ra trong niềm vui ngập tràn của cả nghệ nhân, diễn viên, vận động viên và hàng nghìn người dân, khách du lịch, hòa cùng không khí tưng bưng của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Cuộc tụ hội của bản sắc văn hóa
Người người nao nức đổ về hai điểm diễn ra ngày hội tại buôn Mblim (xã Ea Kao) và buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi). Vẫn là 7 môn thi: hòa tấu ching knah (ching đồng) và ching kram (ching tre), văn nghệ dân gian, dệt thổ cẩm, đan gùi, gái trai thanh lịch, ẩm thực và thể thao, nhưng tỷ lệ người tham gia đông, vui hơn hẳn những năm trước.
Ở cả hai cụm buôn Mblim và buôn Akô Dhông, trang phục Êđê đỏ đen, Mường khăn áo trắng, Thái áo cóm cúc bướm, dây xà tích bạc, Tày vòng bạc áo dài lam… ríu rít bên nhau, bạn cũ thăm hỏi, bạn mới gặp làm quen. Tiếng ching knah, ching kram hòa cùng chiêng Mường lảnh lót vang trong gió. Điệu hát arei, hát kưưt Êđê làm say đắm lòng người không kém câu then Tày, điệu dân ca Thái. Và nếu Ea Kao có phục dựng lễ hội Sên bản sên mường của người Thái (xã Hòa Phú) thì Tân Lợi có Lễ rước kpan của người Êđê (buôn Jù, xã Ea Tu). Tiết mục múa sạp đã quen thuộc của thôn Kao Thắng (xã Ea Kao) lại làm nên sự hòa điệu đến tuyệt vời của cả hai nhóm Tày – Mường, khăn lụa với quạt các màu cứ như những cánh bướm xôn xao bay lên trong nắng. Tiếng ching knah trầm ấm, ching kram lanh tanh, đàn tính tưng tửng, vũ điệu chim Grứ, mời rượu, mời trầu, hái bông… cứ thế mà hồn nhiên diễn ra. Có tiết mục hát then – đàn tính, hát dân ca Êđê do 3 thế hệ trong một gia đình cùng tham gia biểu diễn.
Ngoài múa sạp của nhóm Tày – Mường (thôn Kao Thắng), các tiết mục dân gian như: múa mời rượu (buôn Akô Dhông và buôn Cư Dluê), hát dân ca Wits Trô (buôn Tuôr), arei và đing năm (buôn Dhă Prong), hòa tấu nhạc cụ và múa (buôn Ky), các lễ hội Rước Kpan (buôn Jù) của Êđê, Sên bản sên mường, hoạt cảnh Tiễn con gái đi lấy chồng của người Thái (xã Hòa Phú)… là những tiết mục được Ban thẩm định đánh giá cao vì vừa đảm bảo nguyên gốc, vừa mang tính nghệ thuật.
Phần thi diễn tấu cồng chiêng của buôn Alê B (phường Ea Tam). Ảnh: Mai Sao |
Lặng lẽ nhưng vẫn sôi nổi là cuộc thi đan gùi và dệt thổ cẩm. Tiếng khung cửi lách cách, tiếng nan tre phần phật bật qua lại, những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, mải miết cho kịp giờ nộp sản phẩm.
Thú vị không kém là cuộc thi ẩm thực. Ngoài những món ăn đã quen thuộc như gà nướng, cơm ống nứa, canh cà đắng, xôi 5 màu, thịt gác bếp…, năm nay đang mùa kiến sinh sôi nên những món canh, gỏi, muối được làm từ kiến và trứng kiến vàng hấp dẫn lạ thường bởi vị chua chua, ngòn ngọt vô cùng ngon miệng. Từ các nguyên liệu rau, củ, quả của rừng, đến món bánh dày 3 màu nhân đậu xanh, lẫn rượu nếp, rượu cần có thể khiến người thưởng thức say la đà. Các mẹ, các chị của 42 thôn, buôn, tổ dân phố đem hết tài nghệ và tinh hoa văn hóa ẩm thực của dân tộc mình để phô bày, hãnh diện khoe với bạn bè. Chính vì vậy mà cuộc hội tụ đã thật sự là ngày hội, là niềm vui và ngời ngợi tình đoàn kết ấm áp của bà con các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột.
Đôi điều trăn trở
Ngày hội không chỉ góp phần gìn giữ, bảo tồn, mà còn phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, cũng như nâng tầm giá trị ngày hội, trở thành tài nguyên trong hoạt động du lịch của một thành phố đang vươn lên trở thành “Điểm đến của cà phê thế giới”, cũng nên xem xét lại một vài hình thức tổ chức ở một số môn thi tay nghề đan mây tre, dệt thổ cẩm, làm những món đồ thủ công mỹ nghệ nhỏ xinh, dễ dàng cho du khách đến tham dự, yêu văn hóa Tây Nguyên, trao tay mang đi như một món quà lưu niệm. Chẳng hạn có thể bố trí không gian để mỗi thôn, buôn có một gian hàng nhỏ trưng bày, giới thiệu sản phẩm địa phương (nhất là những sản phẩm OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đối với dệt thổ cẩm, không dệt thành tấm vải lớn như hiện tại, mà thi dệt khổ vừa phải, chỉ vừa như một tấm khăn, quy định một loại hình hoa văn đặc biệt. Tương tự, sản phẩm đan mây tre, nên quy định kích cỡ nhỏ lại, có thể mời thêm các nghệ nhân đan mây tre của các nhóm Tày, Thái, Mường, với sản phẩm là những chiếc mẹt xinh xinh, đan cài 2 - 3 màu càng đẹp…
Êđê là một trong những dân tộc có hệ thống các nhạc cụ dân gian tương đối phong phú, ở cả bốn nhóm gõ, hơi, màng rung, dây gảy và dây kéo. Nhưng trong liên hoan lần này, ngoài loại hình phổ biến đing năm đệm cho hát arei, đing buốt đệm cho hát kưưt, chỉ có thêm hai nhạc cụ hiếm hoi là đing tŭt (buôn Dhă Prong và K’Dun), đàn gong và 2 bài dân ca cổ Tu lu boh (buôn Nao A), Wits Trô (buôn Tuôr)… Bên cạnh đó, những nghệ nhân cao tuổi diễn tấu ching rất điệu nghệ, hay hát arei, hát kưưt, thổi đing năm, đing tŭt nhuần nhuyễn, giọng vẫn còn khỏe, hơi vẫn còn trường nhưng có chút hơi buồn vì một số các cụ đã tham dự ngày hội tới vài chục năm nay. Nếu không có sự trao truyền, hệ thống các nhạc cụ Êđê vô cùng phong phú, những làn điệu hát kưưt tự sự mênh mang, arei đối đáp rộn ràng, những bài ching Drong yang, Ieo wit hgum, điệu múa Pah kngan drong yang… đến một lúc nào đó sẽ có thể biến mất trong cộng đồng, khi các cụ lần lượt về bến nước ông bà.
Di sản văn hóa không chỉ cần được gìn giữ, bảo tồn bằng truyền dạy, mà chắc chắn phải được phát huy theo hướng vừa bền vững, vừa có thể mang lợi ích kinh tế cho chủ nhân của các di sản ấy mới hy vọng tồn tại và phát triển được trong cộng đồng.
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc