Multimedia Đọc Báo in

Nét đẹp văn hóa Lào trong Tết Bunpimay

08:27, 07/05/2023

Là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của cộng đồng người Lào ở huyện biên giới Buôn Đôn, Tết Bunpimay được người dân gìn giữ, tổ chức vào tháng 4 dương lịch hằng năm theo đúng những nghi thức, phong tục tập quán truyền thống, giúp du khách có dịp tham dự lễ hội khám phá, tìm hiểu thêm những nét văn hóa hết sức đặc sắc của người Lào.

Sau 2 năm phải tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch, năm nay Tết Bunpimay diễn ra trong tâm trạng háo hức chờ đợi của cộng đồng người Lào. Chị H’thăm Lăm (buôn Trí, xã Krông Na) cùng các con trong bộ trang phục truyền thống đến địa điểm tổ chức Tết tại đảo Sê nô (Trung tâm Du lịch Buôn Đôn) từ sớm. Chị bảo ngày Tết truyền thống của dân tộc mình, mọi người trong buôn đều có mặt để cùng chung vui, cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất. 

Tết Bunpimay của cộng đồng người Lào luôn có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra trong không khí trang trọng, mọi du khách đến tham dự ngày hội ý thức tôn trọng, giữ im lặng, chăm chú dõi theo các nghi lễ không thể thiếu của ngày đầu tiên khởi đầu năm mới với bao hoài bão, kỳ vọng.

Du khách đến chung vui trong Tết Bunpimay được buộc chỉ tay, cầu chúc may mắn.

Khởi đầu các nghi thức hành lễ, người dân dâng quà tặng các nhà sư bày tỏ sự tôn kính bởi ở đất nước triệu voi đạo Phật là quốc giáo mà người Lào gọi là Lễ “Xày bạt” - “Tắc bạt” trước khi tất cả cùng lắng đọng tâm trí, trang nghiêm hướng về tượng Phật, lắng nghe những lời kinh cầu năm mới.

Trước khi bắt đầu tụng kinh, một cuộn chỉ được giăng ra khắp xung quanh cho những ai tham dự, mọi người nắm vào sợi chỉ, biểu trưng của mối dây liên kết, chung lòng trí hướng về với Đức Phật bày tỏ tấm lòng thành, mong Ngài độ trì cho nhà nhà, người người một năm mới an lành cũng như là sự thể hiện tình đoàn kết gắn bó, tình làng nghĩa xóm. Có một điều đặc biệt là khi sợi chỉ được kết nối, không một ai được bước qua sợi chỉ, thể hiện sự tôn trọng.

Nghi lễ đầu năm mới tiếp diễn với lễ thả hoa đăng. Những chiếc bè kết hoa, trang trí đẹp mắt, nến cháy sáng đã được chuẩn bị sẵn sàng từ trước, lần lượt đến dòng suối thả trôi lững lờ theo dòng nước. Đó là lễ thả bè - xả xui. Theo quan niệm của người Lào, những chiếc hoa đăng có “sứ mệnh” mang theo những xui rủi, những điều không may mắn đi xa, bởi vậy tất cả thực hành nghi lễ này bằng tất cả tấm lòng thành.

Khi mọi người đã thả hoa đăng xong thì cùng nhau tắm Phật. Lần lượt từng người, bắt đầu từ các nhà sư, những người cao niên, khách dự lễ múc nước thanh khiết được ngâm dầu thơm, hoa để tắm Phật. Tắm Phật có ý nghĩa sâu sắc, qua nghi thức này, mọi người lắng đọng tâm trí, hướng lòng mình đến điều thiện, từ bỏ điều gian tà, tu tâm tích đức theo lời Phật dạy.

Trong Tết Bunpimay, một nghi lễ không thể thiếu nữa là đắp tháp cát. Tất cả mọi người có mặt cùng chung tay xây cho tháp cát cao lên, biểu trưng, ước nguyện cho thành quả lao động, sự phồn thịnh trong năm mới.

Các nhà sư thực hành nghi lễ tắm Phật trong Tết Bunpimay.

Sau cùng là nghi lễ buộc chỉ tay, cầu may mắn, sức khỏe. Những sợi chỉ nhiều màu sắc được mọi người buộc cho nhau như món quà “lì xì”, thay cho những lời chúc ý nghĩa, tốt đẹp nhất sẽ đến với người nhận.

Khép lại phần lễ, Tết Bunpimay sôi nổi, tươi vui khi mọi người bước vào phần hội, với hội té nước, hay còn gọi là Lễ hội Bun Hốt Nậm. Mọi người té nước vào nhau, càng ướt nhiều càng tốt bởi người Lào quan niệm nước là yếu tố quan trọng, cội nguồn sự sống nên ai càng ướt nhiều càng vui vì tin rằng mình sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi trong năm. Ngày Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt gốc Lào thêm rộn ràng khi mọi người cùng hòa nhịp theo điệu nhảy Lăm vong truyền thống, uyển chuyển, đẹp mắt theo giai điệu quen thuộc của ca khúc Hoa đẹp Chăm pa.

Theo Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn thì cộng đồng người Lào sinh sống cộng cư, tập trung tại buôn Trí, xã KrôngNa với 107 hộ, 398 khẩu. Sự hiện diện của họ trên huyện biên giới Buôn Đôn cũng như ý thức gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống không chỉ góp phần làm phong phú bức tranh đa sắc màu văn hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện mà còn gắn kết thêm tình hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.