Multimedia Đọc Báo in

Bến nước trong lòng đô thị

08:12, 18/06/2023

Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, không gian văn hóa truyền thống, luật tục của đồng bào các dân tộc thiểu số dần bị thu hẹp, phai nhạt. Thế nhưng, ở thị xã Buôn Hồ, hiện nay nhiều buôn làng đồng bào Êđê vẫn còn lưu giữ những bến nước trong lòng đô thị.

Bến nước buôn Tring (phường An Lạc) từ bao đời nay vẫn được người dân trong buôn gìn giữ, trân quý. Nơi đây, mạch nước tuôn chảy ngày đêm, chưa bao giờ cạn; cùng với đó là vẻ hoang sơ của rừng cây cổ thụ bao quanh bến nước vẫn tỏa bóng xanh mát.

Từ nhiều năm nay, dù nước máy đã về tận nhà, nhưng hằng ngày các mẹ, các chị vẫn đến bến nước gùi từng bầu bước mát về nhà để uống, để ủ rượu cần. Do đó, để dòng nước luôn chảy, ngọt lành, người dân trong buôn và các khu vực lân cận rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, cây xanh xung quanh bến nước, bởi theo quan niệm bến nước là mạch nguồn sống của buôn làng, là nét văn hóa, nơi thiêng liêng để gửi gắm mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu.

Thanh niên buôn Tring thực hiện nghi thức cúng bến nước.

Vì thế, hằng năm sau khi thu hoạch mùa màng, người dân trong buôn lại tề tựu về nhà chủ bến nước tổ chức lễ cúng bến nước, để cầu mong nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn; mọi người trong buôn khi uống nguồn nước này đều mạnh khỏe như con voi rừng, mùa màng lúa bắp đầy kho, nhà nhà no đủ, người dân trong buôn đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau...

 

Bến nước là đặc trưng văn hóa của dân tộc Êđê nói riêng và một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung. Giữa cuộc sống nhộn nhịp, tại mỗi buôn làng, bảo tồn bến nước và sinh hoạt văn hóa ở bến nước đã và đang là một điểm nhấn trong phát triển du lịch.

Ông Y Gốc Niê, gia đình chủ bến nước buôn Tring chia sẻ: “Bến nước thuộc gia đình nhà vợ và được các thành viên trong gia đình, người dân trong buôn bảo tồn, gìn giữ. Do đó, năm nào gia đình cũng tổ chức lễ cúng. Tùy vào điều kiện kinh tế của gia đình và người dân trong buôn, người mang đến góp cân thịt, người con gà, người ít gạo nếp… để dâng lên thần linh. Không chỉ thế, người dân trong buôn còn thường xuyên dọn dẹp vệ sinh môi trường, cùng nhắc nhở con cháu bảo tồn, gìn giữ bến nước để lưu truyền muôn đời sau”.

Bến nước ở buôn Kli A (phường Đạt Hiếu) từ bao đời nay được người dân giữ gìn với mong ước cầu cho nước trong, sạch, mang lại sức khỏe cho buôn làng. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, nhưng người dân trong buôn vẫn luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường và cây cối đầu nguồn nước. Theo quan niệm của người dân nơi đây, bến nước cũng có thần nước, có sự sống, do vậy hằng năm, sau khi thu hoạch vụ mùa, buôn làng lại tổ chức cúng tạ ơn thần nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, đem lại nhiều điều may mắn, tốt đẹp. Lễ cúng bến nước có từ khi thành lập buôn và được lưu truyền đến ngày nay...

Rừng cây ở bến nước buôn Kli A được chính quyền, người dân bảo vệ, phát triển.

Ông Nguyễn Văn Khang, Phó Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã chia sẻ, cùng với sự đô thị hóa, nhiều bến nước ở các buôn làng dần mất đi hoặc bị bỏ hoang do diện tích rừng đầu nguồn bị thu hẹp, cây cối không còn đã làm khô cạn mạch nước ngầm, không còn dòng chảy hoặc nguồn nước bị ô nhiễm. Tuy nhiên, ở các phường An Lạc, Đạt Hiếu, xã Ea Drông và Cư Bao vẫn còn lưu giữ bến nước.

Những năm qua, chính quyền địa phương và các ngành chức năng của thị xã đã đầu tư nâng cấp, cải tạo các bến nước để bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào Êđê. Đặc biệt, đầu năm 2023, UBND thị xã khởi công xây dựng công trình Khu văn hóa buôn và cải tạo, nâng cấp bến nước buôn Kli A với tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng vào cuối tháng 7 tới. Tại buôn Tring và buôn Kli A đã và đang được nhận được nhiều nguồn hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay nhằm phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê, cũng như cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Trong đó, bến nước sẽ là điểm đến, điểm dừng chân lý tưởng đối với du khách khi đến các buôn làng này.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.