Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng “Ban Mê ơi...”

08:23, 17/07/2023

Diễn ra trong khung cảnh hùng vĩ của thác nước Dray Nur (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana), Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm các dân tộc Đắk Lắk với tên gọi “Ban Mê ơi...” do Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức đã để lại nhiều cảm xúc…

Tôn vinh nét đẹp truyền thống

Dưới cơn mưa nặng hạt của một chiều mùa hè, hơn 200 diễn viên, ca sĩ, người mẫu, nghệ sĩ múa, nghệ nhân người dân tộc thiểu số… đến từ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk đã tham gia trình diễn các bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Lê Kyo, Minh Hạnh, Công Huân, Cao Duy, Trung Beret, Nguyễn Thúy, Thu Hà…

Phần trình diễn trang phục thổ cẩm trong không gian thác Dray Nur huyền ảo, kỳ bí.

Trong không gian mở, khoáng đạt của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, dưới thác Dray Nur huyền ảo, các bộ sưu tập được các người mẫu, diễn viên trình diễn trên nền nhạc và những bài hát, điệu múa dân gian Tây Nguyên càng làm nổi bật những thiết kế độc đáo, quyến rũ và huyền bí của sắc màu thổ cẩm. Bên cạnh đó, “Ban Mê ơi...” còn đưa người xem đến với đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua các hoạt cảnh dệt thổ cẩm, làm gốm, đan lát, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, các điệu múa dân gian Tây Nguyên…

Nét đẹp thổ cẩm của thời đại được trao một sứ mệnh cao cả của sự bình yên vì nó như một đường tơ kết nối sự sáng tạo, từ sơ khai đến hiện đại, từ quá khứ đến tương lai. Trong đời sống thời trang hiện đại ngày nay, chất liệu vải thổ cẩm được nhiều nhà thiết kế quan tâm và yêu thích. Tuy nhiên, ứng dụng vào thiết kế thời trang cao cấp lại không dễ dàng bởi những tính chất đặc trưng của nó.

Trăn trở với “giấc mơ thổ cẩm” từ nhiều năm qua, nhà thiết kế Minh Hạnh vẫn luôn đan cài những nét văn hóa truyền thống dân tộc vào các mẫu trang phục hiện đại để “thổi hơi thở của núi rừng” vào thời trang. “Như vậy, mới có thể mang những chiếc áo dài truyền thống và duyên dáng của các dân tộc thiểu số Việt Nam, những bộ trang phục tân thời bằng chất liệu thổ cẩm đi giới thiệu với bạn bè thế giới, góp phần quảng bá bản sắc dân tộc”, nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ.

Và thật vậy, qua những tà áo dài và các mẫu trang phục được thiết kế trên nền vải thổ cẩm của Chương trình “Ban Mê ơi…” mới thấy rõ hơn văn hóa chính là cánh cửa mở ra với thế giới.

Kết nối văn hóa

Không gian văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống được gìn giữ bao đời nay của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không thể thiếu được những sắc màu thổ cẩm. Thổ cẩm Tây Nguyên từ xưa đến nay gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân, thể hiện được chiều sâu văn hóa. Từ đôi bàn tay khéo léo, cùng với trí óc phong phú, những người phụ nữ các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã khắc họa lên tấm vải những hình ảnh gắn bó với đời sống của người dân, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như cồng chiêng, nhà rông, ché rượu...

Các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

Hơn 20 năm theo nghề dệt, cũng thường xuyên đứng lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, bà H Lưn Kbuôr (buôn Kla, xã Dray Sáp) rất vui khi được tham gia biểu diễn tại chương trình. Bà H Lưn tâm sự: “Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, sợi chỉ để dệt thổ cẩm hầu hết là sợi chỉ công nghiệp, tuy vậy trang trí hoa văn, màu sắc vẫn được làm theo lối truyền thống. Nhiều phụ nữ trong buôn làng tôi vẫn đang nỗ lực lưu giữ nghề, đồng thời cũng cách điệu, sáng tạo trong khi dệt như thêm sợi, thêm hình, phối màu để tạo được nhiều hoa văn độc đáo, giúp tấm thổ cẩm trở nên sặc sỡ, độc đáo hơn. Tôi mong muốn không chỉ nghề dệt truyền thống của dân tộc mình mà cả các sản phẩm dệt thổ cẩm cũng được nhiều khách du lịch biết đến thông qua các hoạt động quảng bá du lịch cộng đồng như thế này; được các nhà thiết kế tin dùng trong thiết kế thời trang trình diễn trong và ngoài nước”.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H’Kim Hoa Byă cho biết, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã làm nên một chương trình vừa sáng tạo, vừa đổi mới song vẫn giữ được những nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Qua chương trình này mong muốn góp phần giữ gìn, tôn vinh và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cũng theo Ban tổ chức chương trình, để thổ cẩm sống mãi cùng đồng bào Tây Nguyên, ngoài việc khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề cho thế hệ trẻ thì chính quyền địa phương cũng cần chú trọng mở lớp dạy nghề, thành lập các tổ hợp tác thổ cẩm và tăng cường quảng bá rộng rãi ra công chúng những sản phẩm thủ công truyền thống mang giá trị văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày, từ đó có thể đưa sản phẩm thổ cẩm vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.