Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

08:29, 14/07/2023

Việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Êđê ở huyện Krông Búk đang có những tín hiệu tích cực. Lớp trẻ đã dần tiếp nối, kế thừa và đam mê với văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện, với trên 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm gần đây, diện mạo của xã có nhiều thay đổi. Hệ thống điện, đường, trường, trạm dần hoàn thiện. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm hơn 10%.

Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, trong đó việc bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống được nối tiếp, trao truyền trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Ea Sin luôn có ý thức giữ gìn, phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Phụ nữ Êđê (xã Ea Sin) thực hiện nghi thức rót rượu cần mời khách.

Tháng 4/2023, Hội LHPN huyện thành lập mô hình “Rượu cần Ea Sin” với 13 thành viên tham gia đều là những người gắn bó nhiều năm với nghề sản xuất rượu cần và rất tâm huyết gìn giữ hương rượu cần truyền thống. Sau khi ra mắt mô hình, các thành viên thống nhất mua ché, gạo, men cây rừng để sản xuất rượu cần. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng đến nay mô hình “Rượu cần Ea Sin” đã sản xuất được gần 400 sản phẩm, có giá bán từ 250.000 - 650.000 đồng/sản phẩm, tùy loại. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Chị H’Tâm Kđoh, thành viên mô hình “Rượu cần Ea Sin” cho biết, những ché rượu cần của mô hình đã có mặt ở nhiều cửa hàng đặc sản trong huyện và TP. Buôn Ma Thuột. Hiện nay, các thành viên đang tích cực tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu trên các trang mạng xã hội nhằm đưa sản phẩm rượu cần đến gần hơn với khách hàng. Qua đó, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Tương tự, tại xã Cư Né, cấp ủy, chính quyền xã cũng thường xuyên quan tâm tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ khôi phục, truyền dạy cho thế hệ trẻ kỹ năng đánh chiêng, múa truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm…, hằng năm chính quyền và nhân dân xã Cư Né tích cực phục dựng một số lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cúng bến nước. Đặc biệt, xã đã thành lập đội múa truyền thống của người Êđê với 21 thành viên nữ, từ 14 - 32 tuổi tham gia.

Anh Lê Thanh Hải, cán bộ văn hóa xã chia sẻ: "Trước đây, chỉ những người lớn tuổi mới biết đánh chiêng, múa truyền thống, rất ít người trẻ tiếp nối, kế thừa. Do đó, việc thành lập đội múa truyền thống đã thu hút thanh thiếu niên tham gia. Ban đầu, các em còn e ngại, không mặn mà tìm hiểu, gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc nhưng sau khi được nghệ nhân truyền dạy, hướng dẫn kỹ năng múa thì nhiều em đã tỏ ra thích thú".

Phục dựng lễ cúng mừng cơm mới ở xã Cư Né (huyện Krông Búk).

Theo ông Ngô Trung Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, những năm qua, đơn vị luôn tích cực hỗ trợ, tuyên truyền người dân gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống. Hằng năm, những hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS sinh sống trên địa bàn luôn được duy trì, nhân rộng, qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa, gắn kết cộng đồng các dân tộc được khơi dậy, vun đắp. Hiện nay, một số hủ tục trong vùng đồng bào DTTS cũng đã được xóa bỏ. Việc ma chay, hiếu hỉ thực hiện đúng quy định về nếp sống văn minh.

Phát huy kết quả đạt được, huyện Krông Búk tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực cho công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS. Đồng thời vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế - xã hội và nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống, tạo ra được những lợi thế để phát triển du lịch, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Từ năm 2022 đến nay, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Búk đã tổ chức được 3 lớp truyền dạy đánh chiêng và 1 lớp múa truyền thống thu hút 94 học viên tham gia; phục dựng 2 lễ hội truyền thống của người Êđê. Đến nay trên địa bàn huyện còn lưu giữ được 270 nhà dài; 192 bộ chiêng Knah; 302 nghệ nhân biết diễn tấu cồng chiêng; 12 nghệ nhân biết chỉnh chiêng; 32 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ; 40 thầy cúng…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.