Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 năm 2023:
Âm vang nhịp điệu mới
Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 17 năm 2023 vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột đã đem đến cho công chúng chương trình nghệ thuật ấn tượng và ý nghĩa.
Hào hứng tham gia
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban tổ chức Liên hoan thông tin, theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Buôn Ma Thuột được trao một số cơ chế đặc thù để phát triển. Vì vậy, Liên hoan năm nay lựa chọn chủ đề “Đắk Lắk âm vang nhịp điệu mới” nhằm tạo ra một không khí mới, cũng là nguồn cổ vũ, động viên toàn thể nhân dân hướng tới những ngày mới tươi đẹp và có sự bứt phá mạnh mẽ để đạt được mục tiêu trong thời gian sớm nhất.
Tiết mục múa “Mùa hoa trắng” của Đoàn NTQC TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Lana |
Bám sát chủ đề Ban tổ chức đưa ra, 15 đoàn tham gia đã mang đến Liên hoan 82 tiết mục hấp dẫn thuộc nhiều thể loại như ca, múa, độc tấu nhạc cụ, tiểu phẩm… Mỗi đoàn chọn một chủ đề riêng để làm nổi bật ý nghĩa cũng như sợi dây liên kết từng tiết mục như chương trình “Viết tiếp bản hùng ca tháng 3” của Đoàn nghệ thuật quần chúng (NTQC) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; “Tự hào quê hương M’Drắk” của Đoàn NTQC huyện M’Drắk; “Bên dòng Krông Ana” của Đoàn NTQC huyện Krông Ana; “Cao nguyên gọi mời” của của Đoàn NTQC huyện Krông Bông…
Các đoàn có sự đầu tư công phu từ lực lượng diễn viên, đạo diễn, phục trang, đạo cụ đến nội dung các tiết mục; với sự tham gia tích cực của những hạt nhân văn nghệ tại cơ sở; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân.
Đơn cử như Đoàn NTQC Buôn Ma Thuột, dựa vào chủ đề chính của Liên hoan đã xây dựng chương trình của đoàn với tên gọi “Ban Mê huyền thoại” gồm 6 tiết mục, 44 diễn viên tham gia. Đó là các cán bộ xã, phường, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố và người dân. Em Trương Minh Hiển (17 tuổi, Đoàn NTQC Buôn Ma Thuột) cho hay: “Đây là lần đầu tiên em tham gia Liên hoan, là diễn viên không chuyên nên thực hiện một vài động tác múa có khi chưa thuần thục. Tuy nhiên em và các anh chị ở đoàn đều cố gắng tập luyện để mang đến chương trình sự đặc sắc, có dấu ấn riêng”.
Tương tự, Đoàn NTQC huyện M’Drắk tham gia chương trình với 28 diễn viên và 6 tiết mục. Diễn viên Bùi Thị Bích Phương bày tỏ: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi tham gia Liên hoan nhưng cảm giác yêu thích, hào hứng vẫn như ngày đầu. Ngoài biểu diễn tiết mục đơn ca, tôi còn cùng các anh chị trong đoàn thể hiện các tiết mục tốp ca, hát múa… Tiết mục hát múa “Tự hào Đảng quang vinh” đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tôi rất xúc động khi thể hiện ca khúc này. Thật vui khi tiết mục này đã đạt giải A tại Liên hoan”.
Tiết mục hát then "Đắk Lắk ta ngày càng đổi mới" của Đoàn NTQC huyện Krông Pắc. Ảnh: Lana |
Để lại nhiều dấu ấn
Không chỉ được đánh giá cao về mặt chuyên môn mà nhiều tiết mục còn chạm đến xúc cảm của người xem, được nhiều khán giả tán thưởng. Đơn cử như tiết mục của Đoàn NTQC Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không chỉ tạo hình ấn tượng mà còn thể hiện được tinh thần đồng đội, khí phách hào hùng qua tiết mục múa “Thao trường và người lính”. Khán giả Lê Văn Minh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Thưởng thức trọn vẹn một đêm diễn, tôi thấy hầu các tiết mục của các đoàn tham dự đều được đầu tư công phu, mang đậm bản sắc dân tộc từ chủ đề chương trình đến các tiết mục, dàn dựng sân khấu..., giúp tôi hiểu hơn về nét văn hóa đặc sắc của một số dân tộc anh em”.
Tại Liên hoan, Đoàn NTQC TP. Buôn Ma Thuột đạt giải Nhất toàn đoàn; giải Nhì thuộc về Đoàn NTQC Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và huyện Krông Ana; giải Ba: Đoàn NTQC huyện Krông Búk, huyện Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. |
Đối với chị Thanh Trà (Đoàn NTQC huyện Krông Ana), là một diễn viên, đồng thời cũng là một khán giả theo dõi Liên hoan, chị cảm nhận rằng chương trình của các đơn vị đều rất ấn tượng, ngoài sự chuẩn bị công phu, năm nay có thêm nhiều nhân tố mới. Bản thân chị Trà xem đây là một cơ hội để học hỏi nhằm có thể hỗ trợ, đưa văn nghệ quần chúng tại địa phương ngày càng phát triển.
Đặc biệt, nhiều đoàn đã thể hiện dấu ấn địa phương trong các tiết mục như sử dụng các sáng tác về quê hương trong các tiết mục biểu diễn như: hát múa liên khúc “Mời bạn về Đắk Lắk quê tôi – M’Drắk quê hương đại ngàn” của Đoàn NTQC huyện M’Drắk; hát múa “Non sông ngàn năm gấm vóc – Krông Pắc chào ngày mới” của Đoàn NTQC huyện Krông Pắc; tốp ca “Lắk quê ta” của Đoàn NTQC huyện Lắk…; đã mang đến cho đông đảo khán giả những xúc cảm khó quên, niềm tự hào về cội nguồn, truyền thống văn hóa, lịch sử của mảnh đất quê hương.
Hay các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: diễn tấu chiêng Joh “Drông Tuê – Pâk Mâk” của Đoàn NTQC huyện Krông Ana; múa “Rừng gọi” của Đoàn NTQC huyện Cư M’gar…, qua đó góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa của địa phương.
Tiết mục múa “Thao trường và người lính” của Đoàn NTQC Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: M.Sao |
Trong suốt Liên hoan, những hình ảnh đặc trưng của mỗi địa phương, vùng đất được chuyển tải sống động qua lời ca, điệu múa với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng; giúp khán giả phần nào hình dung được những lợi thế và sự hấp dẫn riêng biệt.
Bên cạnh những dấu ấn, Liên hoan vẫn còn những điểm hạn chế cần khắc phục. Ông Y Kô Niê, Phó Trưởng Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan nhận xét: “ Mặc dù các tiết mục của các đoàn đã đầu tư công phu nhưng vẫn chưa thể hiện được điểm mới trong từng tiết mục, còn đóng khuôn và bám sát nội dung thi mà chưa thể hiện nhiều điểm sáng tạo trong chương trình biểu diễn…”. Ban khám khảo mong các đoàn nhìn nhận rõ điều này nhằm rút kinh nghiệm để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương và sẽ có sự thay đổi tích cực, mới hơn ở những kỳ Liên hoan tiếp theo.
Mai Sao – Lana
Ý kiến bạn đọc