Multimedia Đọc Báo in

Vang vọng “Thanh âm đại ngàn”

08:58, 17/09/2023

Không gian xinh đẹp của Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP. Hồ Chí Minh) sáng 10/9 rộn ràng với “Thanh âm đại ngàn” đã thu hút sự chú ý, tham dự của đông đảo văn nghệ sĩ và bạn đọc.

Lần đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Đường sách Nguyễn Văn Bình, cùng sự đồng hành của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh và Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức chương trình “Thanh âm đại ngàn” nhằm giới thiệu đến công chúng những tác phẩm VHNT có đề tài về đời sống, văn hóa phong phú của các dân tộc ở Đắk Lắk đến đông đảo công chúng TP. Hồ Chí Minh.

Lan tỏa những vẻ đẹp của Đắk Lắk

Thông qua nhiều hoạt động như: trưng bày 100 tác phẩm tranh, ảnh nghệ thuật, ca nhạc, đọc thơ, kể chuyện núi rừng, trải nghiệm thưởng thức rượu cần, vẽ tranh ký hoạ, nặn tò he, giao lưu thư pháp… bức tranh về vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với các sử thi, lễ hội đã được các văn nghệ sĩ Đắk Lắk tái hiện sinh động và gần gũi.

Nhà thơ Lê Vĩnh Tài và nghệ sĩ Dương Thanh Nga cùng trình diễn trích đoạn Trường ca M'nông, nhà thơ Phạm Thị Như Thúy ngâm thơ Nghe câu quan họ trên cao nguyên (tác phẩm của nhà thơ Lê Hữu Chỉnh). Giọng ca mộc mạc, mang đậm chất núi rừng Tây Nguyên của NSƯT Y Phôn Ksor với các ca khúc Chim Phí bay về cội nguồn, Chiếc gùi, Đôi chân trần; ca sĩ Đinh Tarina và Ánh Tuyết thể hiện ca khúc Nhớ tháng ba (sáng tác của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm)... đã làm xao xuyến bao trái tim người tham dự.

Tiết mục biểu diễn của các văn nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk.

Anh Quách Thành Nhân (quận Phú Nhuận) - một nghệ sĩ sáng tác tự do - cảm nhận: “Những tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ rất mộc mạc và chân thành. Còn các tác phẩm nghệ thuật được triển lãm của các bạn rất đẹp, đã đem đến cho tôi cảm giác rất thú vị về con người, văn hóa Đắk Lắk. Tôi rất muốn đến Đắk Lắk để khám phá nhiều hơn vùng đất này”.

Vui mừng và tự hào khi được mời làm đại sứ truyền thông của chương trình, người mẫu H'Ăng Niê hiện đang sinh sống và học tập tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Là người con của Đắk Lắk, tôi vinh dự và rất vui khi được mời làm đại sứ truyền thông của chương trình với mục đích lan tỏa vẻ đẹp văn hóa vùng đất mà tôi đã được sinh ra và lớn lên. Tôi như được ở nhà mình khi tham gia chương trình này”.

Kết nối những miền văn hóa

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “Rất vui vì khi chúng tôi mở lời về một chương trình giới thiệu tác giả, tác phẩm VHNT của Đắk Lắk tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị. Chương trình chính là tâm huyết của những người làm nghệ thuật mong muốn văn nghệ sĩ và VHNT Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung đến gần hơn với công chúng và văn nghệ sĩ trên cả nước”.

Các đại biểu cùng tham gia nghi thức mời rượu cần của người Êđê.

Đặc biệt nhất trong chương trình là phần giao lưu giữa các văn nghệ sĩ Đắk Lắk và văn nghệ sĩ tại TP. Hồ Chí Minh. Mọi người cùng nhau thưởng thức men vị của rượu cần, vị đậm đà của cà phê Buôn Ma Thuột, rồi hòa mình và say đắm trong điệu múa xoang, cùng thưởng thức các tiết mục văn nghệ. Sự kết nối hai miền văn hóa và những con người Đắk Lắk với TP. Hồ Chí Minh được tô thắm hơn.

Ông Lê Hoàng, Giám đốc công ty TNHH Đường sách TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thanh âm đại ngàn” là một sự kiện đặc biệt tại Đường sách. Cũng là chương trình “chào hàng” của Đắk Lắk ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi mong muốn trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều đơn vị tại các tỉnh thành tổ chức các hoạt động giao lưu, quảng bá tác phẩm VHNT địa phương như Hội VHNT Đắk Lắk đã làm. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, VHNT mà còn tạo sự kết nối giữa bạn đọc TP. Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ ở các tỉnh thành. Đồng thời mang đến sự tươi mới, sôi động và ấn tượng cho Đường sách TP. Hồ Chí Minh”.

Thúy An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.