Multimedia Đọc Báo in

Giữ “hồn cốt” của nhà dài

08:18, 27/10/2023

Trong nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên, nhà dài của người Êđê được xem là công trình kiến trúc văn hóa độc đáo, tiêu biểu. 

Trong lần khám phá du lịch ở vùng đất Buôn Đôn, tôi được ghé thăm nhà dài truyền thống của người Êđê. Khi ấy, chị Giang - một hướng dẫn viên đã tận tình dẫn đoàn khách đến tham quan từng ngóc ngách ngôi nhà dài tọa lạc ngay trung tâm của khu du lịch.

Nhà dài là nơi chung sống của đại gia đình theo chế độ mẫu hệ và ngôi nhà được nối dài khi thành viên nữ trong nhà xây dựng gia thất… Mục sở thị trong ngôi nhà nhuốm màu thời gian ấy, chúng tôi được tận thấy những vật liệu tre, nứa, mái tranh, sàn gỗ… đã làm nên hình hài ngôi nhà. Để khách hiểu hơn về văn hóa dân tộc Êđê, khu du lịch đã bố trí các vật dụng giống với bố cục của một ngôi nhà dài truyền thống. Nửa phía trước ngôi nhà (còn gọi là Gah) được bố trí các vật dụng như ghế chủ, ghế khách, bếp lửa, ghế dài kpan đặt dọc sát vách bên phải nhà dài, bộ cồng chiêng treo trên tường. Trong không gian mát mẻ của ngôi nhà còn bày trí nhiều vật dụng giá trị khác như: các loại ché, trống; bộ dụng cụ săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng một thời của vùng đất Buôn Đôn huyền thoại…

Người dân lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên nhà dài ở buôn Akô Dhông.

Có dịp rong ruổi khắp các buôn làng ở miền đất đỏ bazan sẽ thấy rằng, vẫn còn những ngôi nhà dài truyền thống được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Ở buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột), căn nhà dài hơn trăm tuổi của ông Y Jui Êban là một trong những điển hình như thế. Ông Y Jui Êban từng tự hào chia sẻ về nguồn gốc ngôi nhà có từ thời ông bà, đã trải qua ba thế hệ sinh sống. Ngôi nhà tuy đã bị hẹp dần, chiều dài hiện còn 35 m; mái lợp cỏ tranh, sàn lót tre được thay bằng mái tôn, sàn gỗ, nhưng những “báu vật” của ngôi nhà vẫn còn được lưu giữ cẩn thận như: ghế kpan được làm từ gỗ nguyên khối; bộ cồng, những chiếc ché cổ, cặp trống to…

Mới đây, trong dịp về buôn Kuốp, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tôi có dịp ghé thăm nhà dài truyền thống của gia đình bà H’Dái. Căn nhà vẫn giữ được sự vững chãi bởi những cột nhà, cột kèo bằng gỗ chắc nịch. Đây là tổ ấm của ba thế hệ đang sinh sống. Đáng chú ý, trong gian nhà vẫn còn khung cửi, thỉnh thoảng bà H’Dái vẫn ngồi bên ô cửa sổ để dệt thổ cẩm để từ đó làm ra những chiếc váy, áo, khăn hoặc địu xinh xắn cho mọi người…

Giữ được nét đẹp nguyên bản của nhà dài nên buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) - buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của Đắk Lắk luôn thu hút đông đảo khách tham quan. Sức hấp dẫn của 32 ngôi nhà dài truyền thống nằm trên các trục đường buôn, cùng nhiều bộ cồng chiêng, nhạc cụ, các nghề truyền thống như làm rượu cần, dệt thổ cẩm… ở buôn này đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho Akô Dhông, giúp buôn làng vươn mình phát triển du lịch. Nắm bắt xu thế này, nhiều gia đình trong buôn đã biến những ngôi nhà dài thành nơi lưu trú, quán cà phê, điểm check-in… để phục vụ du khách.

Không chỉ Akô Dhông, ở buôn Tơng Jú của TP. Buôn Ma Thuột, người dân cũng đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế từ lợi thế của nhà dài. Trong đó nổi bật có nhà dài của gia đình bà H’Yam Bkrông. “Biến tấu” ngôi nhà thành homestay chắc chắn, rộng thoáng, ngôi nhà của gia đình bà luôn là lựa chọn ưu tiên cho những vị khách thích không gian yên tĩnh, yên bình của buôn làng. Quảng bá thêm nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bà H’Yam Bkrông còn liên kết với các hộ dân trong buôn để phát huy sức mạnh du lịch cộng đồng, tạo điều kiện cho khách đến đây được giao lưu văn hóa văn nghệ, cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực đồng bào, trải nghiệm dệt vải truyền thống, làm nông dân…

Một ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana.

Trước xu thế hội nhập, không khó để thấy rằng những ngôi nhà dài truyền thống của người Êđê đang dần ít đi. Để xây dựng được ngôi nhà mang “hồn cốt” truyền thống không hề dễ dàng, bởi việc mua các nguyên vật liệu dựng nhà vừa khan hiếm, lại rất tốn kém, mà đâu phải ai cũng đủ điều kiện để đầu tư. Bởi vậy, việc người dân bảo tồn và gìn giữ được “hồn cốt” của ngôi nhà dài truyền thống là cực kỳ đáng quý!

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê Kdăm, vấn đề quan trọng nhất trong gìn giữ văn hóa truyền thống chính là ý thức, nhận thức của mỗi người. Vì vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và ngay trong chính từng gia đình cần quan tâm, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của con em về giá trị nhà dài, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc