Multimedia Đọc Báo in

Ý nguyện nhà dài

14:12, 01/07/2014

Hành trình tìm về cội nguồn vốn là nhận thức tự thân của mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc. Mặc dầu có lúc, có nơi nhận thức ấy bị khuất lấp trước những thúc ép, cám dỗ của đời sống hàng ngày; nhưng rồi đến một lúc nào đó, nó vụt trở nên lóe sáng, thành vấn đề tự giác trong tâm thức mỗi người...

Một ngôi nhà dài ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).                              Ảnh: Hoàng Gia
Một ngôi nhà dài ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Hoàng Gia

Tôi cảm nhận và chia sẻ điều đó với nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên gần mười mấy năm qua. Còn nhớ hơn dăm năm về trước, Già Ama Rin (buôn Akô Dhông - phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) lúc còn sống đã không khỏi chạnh lòng trước thực tế nhà dài truyền thống của người Ê đê bị chính chủ nhân của nó lìa bỏ, xa rời. Không ở đâu xa, ngay trong thành phố này, nhiều ngôi nhà dài - nét văn hóa kiến trúc độc đáo của tộc người bản địa cứ lần lượt biến mất theo quá trình đô thị hóa diễn ra. Thay vào đó, tại các buôn làng có lịch sử lâu đời như Kô Siêr, Păn Lăm, Ea Nao, Alê A, Dhă Prong… mọc lên san sát những ngôi nhà mái bằng bê tông nặng nề với nhiều hình khối, kiểu dáng khác nhau, trông chẳng ăn nhập gì với không gian sống và cũng là không gian văn hóa xưa. Điều nhức nhối ấy đâu phải một mình già Ama Rin lúc sinh thời đau đáu, mà nhiều người có tâm huyết khác đều ngậm ngùi lo ngại. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng ấy thì nhiều, nhưng tựu trung lại cũng nằm trong suy nghĩ của nhiều người - rằng để lại ngôi nhà dài thì chiếm đất nhiều lắm. Trong khi gia đình nào cũng đông con cháu, có nhà đến 3-4 thế hệ... và đứa nào cũng cần đất để làm cái nhà mới. Từ những nhu cầu bức thiết đó nên mới có sự chọn lựa trên. Tuy nhiên họ vẫn tin một ngày nào đó, điều kiện sống khá hơn, không bắt con người ta phải có sự chọn lựa ngoài ý muốn, thì ngôi nhà dài truyền thống lại được xây dựng lại như xưa…

 Ý nguyện ấy, giờ đây đang được chứng thực ở nhiều nơi và buôn Akô Dhông là một ví dụ điển hình. Trong số 28 ngôi nhà dài được cả cộng đồng nỗ lực gìn giữ từ hơn năm mươi năm qua, đến nay không ít ngôi nhà đã bị mọt mục, hư hại, giờ đã được một số gia đình có điều kiện sửa sang và làm mới lại khang trang hơn. Gần một năm trước, ông Ama Khoa, bà H’Linh đã bỏ ra hàng tỷ đồng để thực hiện ý nguyện của cha ông làm lại những ngôi nhà dài đúng nghĩa của dân tộc mình. Tiếp đó, nhà của già Ama Rin cũng đang được con cháu chung sức dựng lại ngay trên nền đất cũ. Đầu tháng 6 vừa rồi tôi ghé thăm và thắp hương cho già, thì gặp Y Jak - con trai ông tâm sự rằng, cả đời già chỉ có ước nguyện ấy- một ngôi nhà dài không lẫn vào đâu được của người Êđê để làm nơi đón khách và tổ chức sinh hoạt cho cộng đồng. Y Jak bảo: “Hình ảnh ngôi nhà truyền thống của mình từ lâu đã thấm vào máu thịt, tiềm thức của mỗi người. Bởi vậy khi có điều kiện, ai cũng nghĩ đến điều đó; và có lẽ ý thức về cội nguồn ấy là mạch nguồn chảy hoài không bao giờ tắt trong suy nghĩ và khát vọng của mỗi người, từ cha ông mình cho đến thế hệ trẻ hôm nay…”

Nhiều ngôi nhà dài ở buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi - TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư, xây dựng lại đàng hoàng, đẹp đẽ hơn.
Nhiều ngôi nhà dài được đầu tư, xây dựng lại đàng hoàng, đẹp đẽ hơn.

Không chỉ riêng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột mà ở nhiều nơi trên địa bàn Dak Lak bây giờ đã có nhiều ngôi nhà dài mới được làm lại, dù vật liệu không hoàn toàn bằng gỗ, nhưng cũng đàng hoàng, đẹp đẽ hơn. Ở Buôn Ky chẳng hạn, khoảng những năm 1997-1998, nhà Y Lung túng thiếu phải bán đi ngôi nhà dài đã cũ và một phần đất để lấy tiền cho con cái ăn học và đầu tư vào sản xuất. Trong anh chẳng bao giờ phôi phai ký ức buồn thương ấy, phải bấm bụng lại để quên đi ngôi nhà dài thân thương của mình. Đến nay, sau nhiều năm làm ăn, tích cóp cùng với sự hỗ trợ của con cái đã thành đạt, Y Lung làm lại ngôi nhà dài như trước trên mảnh đất của  mình. Tương tự, nhà Ama Khoanh ở Buôn Tring (phường An Lạc – TX. Buôn Hồ) cũng thế, từng chịu khó ở trong ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, cũ nát để vừa rồi, sau mấy vụ cà phê được mùa, được giá, gia đình ông đã cất ngôi nhà dài to nhất trong vùng. Ngày khánh thành và cũng là ngày làm lễ rước hồn chiêng về nhà mới, Ama Khoanh hồ hởi trước bà con dân làng rằng: “Nhà dài cùng với cồng chiêng đã quay trở về, phải giữ như một di sản quý báu của dân tộc mình cho con cháu mai sau lấy đó làm niềm tự hào, đừng để phai lạt hoặc mất đi cội nguồn văn hóa tổ tiên, ông bà đã từng trao gửi lại cho chúng ta…”. 

Những ý nguyện trên thật đáng trân trọng, bởi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ và hết thảy con cháu đều có suy tư trước những giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc mình để lại. Và tất cả mọi người đều ý thức rằng, trước những biến động dữ dội của cuộc sống, ở đâu đó trong các buôn làng, do điều kiện khách quan chi phối, hoặc do suy nghĩ nhất thời nên không ít người đành phải rời xa ngôi nhà dài gần gũi, thân thương của mình một cách bất đắc dĩ. Nhưng rồi, ai cũng tin rằng: đến một lúc nào đó, khi điều kiện cho phép thì nhà dài lại được quan tâm khôi phục như xưa, mãi mãi là biểu tượng ngời sáng của miền đất Tây Nguyên này…

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.